Thực phẩm thành công cụ chiến tranh
Thực phẩm thành công cụ chiến tranh
Đầu tiên, lính Eritrea đánh cắp thức ăn của một người phụ nữ mang thai khi bà trốn trong bụi rậm. Sau đó, họ không cho bà đi qua trạm kiểm soát khi sắp chuyển dạ. Vì vậy, người phụ nữ đó đã sinh con tại nhà và đi bộ 12 ngày liền để đưa đứa trẻ đói khát đến một phòng khám ở vùng Tigray, miền bắc Ethiopia. Dù được 20 ngày tuổi, bé Tigsti vẫn có đôi chân teo tóp và ánh mắt vô hồn – dấu hiệu của việc bị đói.
Abeba Gebru (37 tuổi), người phụ nữ mang thai trên, nói với AP: “Con bé sống sót vì tôi đã ôm nó trốn đi trong suốt chặng đường”.
Thảm họa do con người tạo ra
Các binh sĩ Ethiopia và Eritrea chặn lương thực viện trợ và thậm chí ăn cắp số hàng đó, người dân cho biết. Theo AP, đoàn xe chở lương thực và viện trợ y tế còn bị giới chức quân sự Ethiopia không cho đi tiếp. Binh sĩ cũng bị cáo buộc lấy cắp hạt giống, giết gia súc, cướp dụng cụ làm nông và ngăn nông dân thu hoạch hay cày xới.
Hơn 2 triệu trong số 6 triệu dân vùng Tigray của Ethiopia đã phải chạy trốn khi chưa kịp thu hoạch. Những người ở lại thì không thể gieo hạt hay xới đất vì lo mình sẽ bị giết.
“Nếu mọi thứ không sớm thay đổi, nạn đói trên diện rộng là không thể tránh khỏi”, một nhân viên cứu trợ trong khu vực nói. “Thảm họa này do con người tạo ra”, người này nói thêm.
Không ai nắm rõ mức độ nghiêm trọng của nạn đói ở Tigray vì các quan chức không thể tiếp cận được khu vực này, vốn khó đi vào ngay cả trong thời điểm bình thường. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc ngày 10.6 cho biết họ đã viện trợ cho 1,4 triệu người ở Tigray. Số người này “chỉ bằng một nửa so với con số họ phải giúp đỡ”, một phần vì các nhóm vũ trang đã chặn đường đi.
Dù bà Abeba đã trốn thoát khỏi khu vực, hàng trăm và có thể là hàng ngàn người Ethiopia khác vẫn còn bị mắc kẹt trong vùng chiến sự. “Hầu hết những đứa trẻ suy dinh dưỡng đều chết ở đó. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, bác sĩ Kibrom Gebreselassie, Giám đốc y tế của Bệnh viện Ayder ở thành phố Mekele, thủ phủ vùng Tigray, cho biết.
|
Xung đột ở Tigray bắt đầu vào tháng 11.2020, ngay trước mùa thu hoạch, do nỗ lực giải giáp các thủ lĩnh vùng Tigray của Thủ tướng Abiy Ahmed của Ethiopia.
Một bên chiến tuyến là những chiến binh trung thành với các thủ lĩnh Tigray. Bên còn lại là quân đội chính phủ Ethiopia, quân đồng minh từ nước láng giềng Eritrea và dân quân người Amhara. Dân thường Tigray là những người bị kẹt ở giữa.
Cuộc xung đột dẫn đến những vụ thảm sát, hãm hiếp tập thể. Người dân bị đuổi khỏi nhà của họ. Mỹ đã lên án những hành động ở miền tây Tigray là “thanh lọc sắc tộc”. Và giờ đây, bên cạnh những hành động tàn bạo đó, người Tigray còn phải đối mặt với vấn đề cấp bách khác: nạn đói.
|
Ông Abebe Gebrehiwot, một lãnh đạo địa phương, nói binh sĩ đang chặn những chuyến lương thực viện trợ lại. “Có một số bên không muốn chúng tôi cày xới đất và gieo hạt”, ông Abebe nói.
Trong khi đó, chính phủ Ethiopia gay gắt phủ nhận việc thực phẩm được dùng làm công cụ chiến tranh. Mitiku Kassa, quan chức Ủy ban Quản lý Rủi ro Thiên tai Quốc gia Ethiopia, ngày 9.6 nói Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân đạo “được tự do tiếp cận” Tigray. Ông Mitiku cũng nói số lương thực viện trợ trị giá khoảng 135 triệu USD đã được phân phát. “Chúng tôi không thiếu lương thực”, ông tuyên bố.
“Họ không để lại thứ gì”
Tuy nhiên, theo AP, thực tế hoàn toàn ngược lại.
Teklemariam Gebremichael và hàng xóm nói họ không được làm nông nghiệp nữa. Khi ông Teklemariam đang chăm sóc gia súc và thu hoạch mùa màng, những người lính Eritrea đã bắn ông và những con bò của ông.
Ông Teklemariam sống sót, nhưng những con bò không qua khỏi. Thiếu thức ăn, vết thương của ông rất chậm lành. “Thế giới phải hành động ngay để cứu Tigray. Chúng tôi không thể sống trên mảnh đất của chính mình nữa”, ông Teklemariam nài nỉ.
|
Nạn đói là vấn đề đặc biệt nhạy cảm ở Ethiopia. Những năm 1980, hình ảnh trẻ em gầy trơ xương với đôi mắt dại đi ở đất nước này đã dẫn đến làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn cầu. Hạn hán, xung đột và sự phủ nhận của chính phủ góp phần gây ra nạn đói khiến khoảng 1 triệu người thiệt mạng vào những năm đó.
Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, nói tình hình hiện tại ở Ethiopia cũng đang thu hút sự quan tâm của thế giới. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ. Bà đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc họp về Tigray.
“Nạn đói có thể đã xảy ra ở một số khu vực nhất định. Tôi muốn hỏi những người từ chối công khai giải quyết vấn đề này rằng mạng sống của người châu Phi không quan trọng hay sao?”, bà Thomas-Greenfield nói.
Ở thị trấn Hawzen của vùng Tigray, người dân vẫn thường xuyên phải chạy trốn vì những trận pháo kích. Giáo viên Gebremichael Welay cho biết ông vẫn còn nhớ về những trận bom phá hủy silo chứa thực phẩm khi ông còn nhỏ. “(Quân đội Ethiopia) đã ném bom chúng tôi. Và giờ họ lại làm điều đó nữa”, ông Gebremichael nói.
Hoạt động nông nghiệp vẫn chưa hoàn toàn dừng lại ở Tigray. Tuy nhiên, những người nông dân đang mạo hiểm tính mạng để làm điều đó. Trên đường tới Abi Adi, thị trấn cách Mekele khoảng 100 km về phía tây, AP vẫn nhìn thấy vài nông dân ngoài đồng. Gần đó, miệng hố bom và các xe tải trúng bom nằm rải rác trên đường.
|
“Nếu lính Eritrea thấy chúng tôi làm nông, họ sẽ đánh chúng tôi. Chúng tôi chỉ ra đồng khi biết chắc rằng họ không ở đó”, một nông dân 20 tuổi đến từ Melbe, tây nam Mekele, cho biết.
Các nhân chứng cho biết bên cạnh việc ngăn hoạt động nông nghiệp, các binh sĩ còn phá hủy lương thực. Theo quan chức của một tổ chức viện trợ có trụ sở tại Mekele, binh lính Eritrea đôi khi trộn ngũ cốc trong silo với cát và đất. Ngoài ra, binh lính Ethiopia và Eritrea còn cướp cả thiết bị nông nghiệp, nông dân cho biết. “Tất cả nông cụ của chúng tôi, bao gồm cả máy cày, đã bị cướp và mang đi trên xe tải. Họ không để lại bất kỳ thứ gì”, Birhanu Tsegay, một nông dân 24 tuổi ở thị trấn Neksege, cho biết.
ĐÔNG A
TNO