24/12/2024

Nhật Bản quan ngại chiến lược mở rộng quân đội của Trung Quốc

Nhật Bản quan ngại chiến lược mở rộng quân đội của Trung Quốc

Nhật Bản ngày 17-6 nói chiến lược mở rộng nhanh chóng của quân đội Trung Quốc rất đáng quan ngại, đòi hỏi Mỹ, châu Âu và các quốc gia châu Á khác phải hợp tác để đối đầu.

 

Nhật Bản quan ngại chiến lược mở rộng quân đội của Trung Quốc - Ảnh 1.

Quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở tỉnh An Huy – Ảnh: REUTERS

“Trung Quốc đang tăng cường năng lực quân sự rất nhanh và chúng tôi không chắc ý định của họ là gì”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói trước tiểu ban an ninh quốc phòng của Nghị viện châu Âu (EP).

“Chúng tôi thực sự quan ngại điều này”, ông Kishi nói.

Ông Kishi nhận định cần quan sát thận trọng tên lửa đạn đạo Trung Quốc, quyết định tăng ngân sách quốc phòng của nước này lên gấp 4 lần Nhật Bản và việc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng kêu gọi Trung Quốc giải thích lý do nhanh chóng phát triển lực lượng không quân, hiện đang lớn thứ 3 thế giới theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với số lượng tàu chiến và tàu ngầm nhiều hơn cường quốc quân sự số một là Mỹ, theo dữ liệu năm 2019.

Trung Quốc cũng có hơn 1.250 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km, xa hơn tên lửa của Mỹ.

Vào thứ hai đầu tuần (14-6), các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói sự trỗi dậy của Trung Quốc mang đến “những thách thức mang tính hệ thống”.

Tuyên bố chung của NATO được công bố một ngày sau khi hội nghị các nước nhóm G7 chỉ trích Bắc Kinh mạnh mẽ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ về nhiều vấn đề, đồng thời kêu gọi mở cuộc điều tra giai đoạn 2 đối với nguồn gốc dịch COVID-19 từ Trung Quốc.

Chuyến công du kéo dài 8 ngày của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến châu Âu, trong đó có tham dự hội nghị G7, tập trung vào việc tập hợp ủng hộ cho chiến lược kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc.

Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) ngày 15-6 phản đối tuyên bố của NATO và Bắc Kinh theo đuổi chính sách phòng vệ “mang bản chất phòng thủ đơn thuần”.

MINH KHÔI
TTO