24/01/2025

NATO xoay trục châu Á để đối phó Trung Quốc?

NATO xoay trục châu Á để đối phó Trung Quốc?

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh Trung Quốc ‘không phải đối thủ’, nhưng đang đặt ra những thách thức cần xử lý.

 

NATO xoay trục châu Á để đối phó Trung Quốc? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bìa trái) và các lãnh đạo NATO dự cuộc họp tại Brussels, Bỉ, ngày 14-6 – Ảnh: Reuters

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tuyên bố chung ngày 14-6 gọi tên Trung Quốc hơn 10 lần và xem nước này là “thách thức mang tính hệ thống”, đánh dấu sự thay đổi lập trường nhanh chóng của tổ chức quân sự này về “gã khổng lồ” châu Á.

Giải thích cho sự chuyển hướng trên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc “không phải đối thủ”, nhưng đang đặt ra những thách thức cần xử lý.

NATO hãy dừng thổi phồng những hình thức khác nhau về “thuyết đe dọa Trung Quốc” và không dùng các lợi ích và quyền hợp pháp của Trung Quốc làm cái cớ cho việc thao túng các hoạt động chính trị theo nhóm, trong lúc tạo ra các cuộc đối đầu.

Trích tuyên bố của đại diện Trung Quốc tại Liên minh châu Âu

Mỹ tập hợp lực lượng

Ông Stoltenberg nói rằng NATO (bao gồm 30 nước thành viên) không phải chuyển hoạt động sang châu Á mà đang bảo vệ chính mình trước mối đe dọa từ mọi hướng.

“Bởi vì chúng tôi thấy Trung Quốc đang đến gần chúng tôi hơn trong không gian mạng, chúng tôi thấy họ ở châu Phi, chúng tôi thấy họ ở Bắc Cực, chúng tôi thấy họ đang cố gắng kiểm soát cơ sở hạ tầng của chúng tôi, chúng tôi đã thảo luận về 5G” – ông Stoltenberg nói.

Tuyên bố chung của NATO được công bố một ngày sau khi hội nghị các nước nhóm G7, mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tham dự, chỉ trích Bắc Kinh mạnh mẽ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ về nhiều vấn đề, đồng thời kêu gọi mở cuộc điều tra giai đoạn 2 đối với nguồn gốc dịch COVID-19 từ Trung Quốc.

“Tôi muốn NATO biết rằng đã có Mỹ ở đây” – ông Biden phát biểu tại cuộc họp NATO ngày 14-6 để trấn an các đồng minh.

“Phương Tây đang đoàn kết đối đầu với Trung Quốc. Bắc Kinh nên lo lắng ra sao?” – Đài CNN có bài viết ngày 14-6, trong đó cho rằng ông Biden đã “ghi bàn” mà người tiền nhiệm Donald Trump không làm được là đoàn kết các đồng minh để đối phó với Trung Quốc.

Tín hiệu mới nhất về quan điểm của Mỹ đối với Trung Quốc thể hiện trong phiên điều trần của cựu đại sứ Mỹ ở Việt Nam Daniel Kritenbrink tại Thượng viện Mỹ ngày 15-6. Ông Kritenbrink, người được ông Biden đề cử vào vị trí trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, khẳng định Trung Quốc là thử thách địa chính trị lớn nhất của Mỹ.

“Chúng tôi sẽ nâng đỡ năng lực của các đối tác để chống lại sự đe dọa của Trung Quốc và phản đối các tuyên bố hàng hải phi pháp của Trung Quốc” – South China Moring Post dẫn lời ông Kritenbrink nói về vấn đề Biển Đông trong số hàng loạt lo ngại về các hành động của Trung Quốc trong và ngoài nước, bao gồm các hành vi thương mại không công bằng, tham nhũng, vấn đề quyền con người ở Tân Cương.

Ông khẳng định chính quyền ông Biden sẽ thân thiết với lãnh thổ Đài Loan hơn. “Khi mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng tăng, hành vi hung hăng và bắt nạt của Bắc Kinh đối với Đài Loan ngày càng gia tăng, tôi nghĩ rằng phản ứng của chúng ta cũng phải được điều chỉnh” – ông Kritenbrink nêu quan điểm.

Nhiều nước ngần ngại

Nhưng việc đối phó với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cần nhiều hành động hơn là lời nói. Nhiều thành viên NATO ở châu Âu vẫn tỏ ra ngần ngại, phần lớn vì quan hệ kinh tế và một số nước như Hungary có quan hệ chính trị tốt với Bắc Kinh.

Tổng thống Pháp sau cuộc họp của NATO cũng thể hiện rõ sự bối rối về cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc có thể làm sao nhãng mối quan tâm đối với Nga và khủng bố. “NATO là một tổ chức quân sự và vấn đề của chúng ta với Trung Quốc không chỉ là quân sự. NATO là tổ chức quan tâm đến Bắc Đại Tây Dương, còn Trung Quốc ít liên quan đến khu vực này” – ông Emmanuel Macron nói.

Tương tự, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cảnh báo nguy cơ NATO phản ứng thái quá, cho rằng trong nhiều vấn đề như an ninh mạng, hợp tác giữa Trung Quốc và Nga, không thể hoàn toàn phớt lờ Bắc Kinh.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng NATO có thể cùng lúc đối phó với cả Trung Quốc và Nga. “Chúng ta chắc chắn có thể vừa đi và nhai singgum” – ông nói.

Giới phân tích an ninh cũng đã chỉ ra nguy cơ rạn nứt trong NATO nếu tổ chức này hùa theo Mỹ tập trung quá nhiều vào Trung Quốc, đặc biệt là khi quân lực của châu Âu hiện còn nhiều hạn chế, trong khi đồng minh Mỹ cũng không thể vừa lo liệu căng thẳng quân sự ở châu Á vừa bảo vệ châu Âu ở biên giới với Nga.

“Thảo luận việc này trong NATO có thể làm nổi lên những khác biệt không mấy dễ chịu giữa các đồng minh trong việc nhìn nhận mối đe dọa thực sự từ Trung Quốc” – Sarah Raine, chuyên gia chiến lược và địa chính trị của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, nhận định.

Nga – Trung bắt tay?

“Trung Quốc đã đi qua Ấn Độ Dương, vào vùng Vịnh, lên Biển Đỏ và ở Địa Trung Hải”, tờ Financial Times dẫn lời một quan chức Anh bình luận, cho biết tàu ngầm của Bắc Kinh sẽ sớm có mặt ở Bắc Đại Tây Dương.

Mối lo ngại lớn của NATO và Mỹ là việc Trung Quốc bắt tay với Nga. Kể từ khi đưa hải quân vào Địa Trung Hải để tập trận chung với Nga lần đầu tiên vào năm 2015, Trung Quốc và Nga cũng đã nhiều lần tập trận phòng thủ tên lửa và huấn luyện chung.

South China Morning Post dẫn lời Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, cho rằng tuyên bố của NATO và G7 khiến Nga và Trung Quốc không có lựa chọn nào khác hơn là tăng cường hợp tác.

TRẦN PHƯƠNG
TTO