24/12/2024

TP.HCM chống dịch như thế nào khi đã có hơn 1.000 ca mắc COVID-19?

TP.HCM chống dịch như thế nào khi đã có hơn 1.000 ca mắc COVID-19?

Tính đến trưa 16-6, TP.HCM ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngưỡng ca bệnh đòi hỏi TP.HCM phải chuyển đổi sang kịch bản chống dịch COVID-19 khác. Kịch bản đó như thế nào?

 

TP.HCM chống dịch như thế nào khi đã có hơn 1.000 ca mắc COVID-19? - Ảnh 1.

Nhân viên Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 vào sáng 16-6 – Ảnh: NHẬT THỊNH

Tình hình dịch đặt ra câu hỏi TP.HCM sẽ chống dịch như thế nào khi số ca nhiễm COVID-19 vượt 1.000 ca?

Mầm bệnh còn lây lan cộng đồng

Từ giữa tháng 5-2021, TP.HCM xuất hiện liên tiếp nhiều chuỗi lây nhiễm, nổi bật nhất là chuỗi nhóm truyền giáo Phục Hưng phát hiện ngày 26-5. Và từ ngày 2-6 đến nay phát hiện thêm nhiều chuỗi lây nhiễm khác chưa rõ nguồn gốc.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là “có sự hiện diện” của biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Delta, phát hiện lần đầu tại Ấn Độ). Đây là biến chủng lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng.

Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại thành phố. Sáng 16-6, HCDC đánh giá hiện nay mầm bệnh có thể vẫn lây lan trong cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, từ đầu mùa dịch thứ 4 này (tính từ ngày 27-4), số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại TP.HCM tính đến trưa 16-6 là 1.015 ca, chỉ đứng sau hai điểm nóng dịch ở Bắc Giang (4.590 ca) và Bắc Ninh (1.432 ca).

Cách đây 9 ngày (sáng 8-6), số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại TP.HCM còn thấp hơn Hà Nội thì đến nay đã tăng gấp đôi. Đây là ngưỡng ca bệnh đòi hỏi TP.HCM phải chuyển đổi sang kịch bản chống dịch COVID-19 khác.

TP.HCM chống dịch như thế nào khi đã có hơn 1.000 ca mắc COVID-19? - Ảnh 2.

Nhân viên y tế hoàn tất những khâu cuối cùng sau khi lấy số mẫu lớn người dân sống trong khu vực có ca mắc COVID-19 ở Gò Vấp – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Kịch bản ứng phó khi có trên 1.000 ca nhiễm như thế nào?

Trước đó, tháng 5-2021, Sở Y tế TP.HCM đưa ra 3 phương án ứng phó tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, trong đó tình huống cao nhất là dịch bùng phát trong cộng đồng với số ca bệnh dao động từ 1.000 – 5.000 người (tối đa 1.000 giường hồi sức).

Theo kịch bản này, những bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và F1 có triệu chứng sẽ được cách ly điều trị tại các bệnh viện dã chiến được hình thành từ các cơ sở không thuộc hệ thống y tế.

Những bệnh nhân có triệu chứng nặng hoặc nguy kịch sẽ được cách ly điều trị tại các bệnh viện dã chiến thuộc hệ thống y tế hoặc các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19.

Theo đó, các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng TP, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện dã chiến tại Nhà thi đấu Phú Thọ, Bệnh viện dã chiến tại Nhà triển lãm quận 7 và bệnh viện dã chiến tại các nhà văn hóa thể thao các quận.

Tổng cộng các bệnh viện trên có 5.000 giường, trong đó có 1.000 giường hồi sức, 66 giường đặt trong buồng áp lực âm. Tổng số máy thở ở các bệnh viện là 1.000 máy.

TP.HCM chống dịch như thế nào khi đã có hơn 1.000 ca mắc COVID-19? - Ảnh 3.

Bệnh nhân mắc COVID-19 đang được chạy thận ngay tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi – Ảnh: Sở Y tế cung cấp

Điều đáng nói, trong số các bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 có Bệnh viện Bệnh nhiệt đới với quy mô 400 giường đã phong tỏa từ chiều 12-6 sau khi phát hiện nhiều nhân viên tại bệnh viện mắc COVID-19.

Bệnh viện đã tạm ngưng nhận các ca mắc COVID-19 từ các nơi chuyển về. Tình huống này nằm ngoài kịch bản. Ngày 14-6, bệnh viện cho biết đang điều trị 126 trường hợp COVID-19, trong đó có 18 ca nguy kịch tại khoa hồi sức cấp cứu người lớn và 78 ca tại khoa nhiễm A và D.

Đến ngày 14-6, UBND TP.HCM đã có quyết định thành lập thêm một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Củ Chi trực thuộc Sở Y tế.

Bệnh viện này có quy mô 500 giường, với 400 nhân viên y tế và các nhân viên hỗ trợ, trưng dụng cơ sở hạ tầng của Bệnh viện huyện Củ Chi. Bệnh viện đặt tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi; chịu sự chỉ đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Ban chỉ đạo TP.HCM về phòng, chống dịch COVID-19.

Như vậy, tính riêng địa bàn huyện Củ Chi đến nay có hai bệnh viện có nhiệm vụ thu dung, sàng lọc khám bệnh, cách ly, điều trị, chăm sóc, cấp cứu bệnh nhân COVID-19 là Bệnh viện dã chiến Củ Chi (300 giường) và Bệnh viện điều trị COVID-19 tại Củ Chi (500 giường).

Đồng thời, TP.HCM cũng đưa thêm Bệnh viện Trưng Vương vào hoạt động với 1.000 giường.

Trao đổi thêm với báo chí về những biện pháp sắp tới, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguyễn Trí Dũng cho biết hiện nay ngành y tế đang cố gắng đẩy nhanh việc truy vết, cố gắng khoanh vùng các chuỗi lây nhiễm.

Trong đó, yêu cầu các lực lượng chức năng trong vòng 2 giờ đồng hồ sau khi xác định ca nghi nhiễm phải truy cho được hết các F1, nhất là ngay lập tức xác định các F1 có tiếp xúc rất gần như thành viên trong gia đình để lấy mẫu xét nghiệm.

TP.HCM cũng yêu cầu đẩy nhanh việc xét nghiệm trong 6-10 giờ phải có kết quả xét nghiệm của F1, thay vì trong vòng 24 giờ như quy định của Bộ Y tế.

Mặt khác, TP.HCM vẫn thực hiện biện pháp cũ nhưng đẩy mạnh hơn việc khoanh vùng, cách ly. Tiếp tục củng cố, xây dựng hàng rào, bảo vệ vững chắc các cơ sở khám, chữa bệnh.

TP.HCM đang áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 15 đợt 2. Dự kiến sau một tuần thực hiện giãn cách đợt 2 (bắt đầu từ ngày 15-6), thành phố sẽ đánh giá lại tình hình để đề ra biện pháp phòng chống dịch phù hợp với thực tế.

TIẾN LONG – XUÂN MAI
TTO