25/12/2024

NATO xích gần châu Á – Thái Bình Dương

NATO xích gần châu Á – Thái Bình Dương

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhất trí củng cố quan hệ với Nhật Bản và các nước khác ở châu Á – Thái Bình Dương nhằm bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
NATO tăng cường hợp tác với các thế lực của châu Á - Thái Bình Dương /// REUTERS
NATO tăng cường hợp tác với các thế lực của châu Á – Thái Bình Dương REUTERS
Ngay sau hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Brussels của Bỉ ngày 14.6 (giờ địa phương), NATO công bố thông cáo chung mở đường cho chính sách mới của khối bao gồm 79 điểm. Với ngôn từ cứng rắn hơn tuyên bố chung của Hội nghị G7 ở Cornwall (Anh) hôm 13.6, các thành viên NATO lên tiếng cảnh báo các tham vọng quân sự của Trung Quốc đang mang đến “những thách thức có hệ thống” cho sự tồn tại của khối. Theo Reuters dẫn nội dung thông cáo, NATO nhận định chính quyền Bắc Kinh “đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân” và tiếp tục từ chối minh bạch về chương trình hiện đại hóa quân đội của nước này.
Để đối phó, NATO liệt kê Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand là nhóm nước mà khối có kế hoạch tăng cường “đối thoại chính trị và hợp tác một cách thực tế” trong thời gian tới. Hãng thông tấn Kyodo News đưa tin mục tiêu của giai đoạn kế tiếp là thúc đẩy sự hợp tác an ninh và ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Thông cáo không đề cập cụ thể những lĩnh vực NATO kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay khối cần xích gần hơn nữa với những đối tác cùng chia sẻ các giá trị chung, bao gồm Nhật Bản, theo Đài NHK.
Thời gian gần đây, các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản luôn bày tỏ quan ngại về tình hình các vùng biển xung quanh Trung Quốc, bao gồm Hoa Đông và Biển Đông. Vì thế, những thách thức đến từ Trung Quốc sẽ được bổ sung vào bản cập nhật của cái gọi là Khái niệm Chiến lược của NATO. Đây là khuôn khổ dẫn dắt hướng tiếp cận của khối để kịp thời đáp ứng trong hoàn cảnh môi trường chiến lược đang thay đổi, theo Nhà Trắng.
Tổng thư ký Stoltenberg cho hay cái tên Trung Quốc hoàn toàn không xuất hiện trong bản Khái niệm Chiến lược hiện hành nhưng tuyên bố chung tại hội nghị ở Brussels đã phản ánh sự nhất trí về mặt quan điểm giữa các đồng minh trước “mối đe dọa” từ Bắc Kinh. Dự kiến phiên bản mới sẽ chính thức được triển khai từ năm sau.
Đáp trả gay gắt trước tuyên bố chung của NATO, phái bộ ngoại giao Trung Quốc tại Liên minh Châu Âu hôm qua tố cáo khối đang tìm cách gieo rắc “thuyết đe dọa từ Trung Quốc” và cố tình giả tạo xu thế đối đầu chống chính quyền Bắc Kinh, theo Hãng tin AFP.

Ông Biden gửi thông điệp trước khi gặp ông Putin

Ukraine chưa đủ tiêu chuẩn của NATO
AFP hôm qua dẫn lời Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ “không tìm kiếm xung đột với Nga, nhưng sẽ ứng phó nếu Nga tiếp tục những hoạt động gây tổn hại”. Tổng thống Biden còn gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “đối thủ quan trọng”, trước khi hai nhà lãnh đạo dự kiến gặp nhau ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm nay 16.6. Tổng thống Biden cho hay trong cuộc gặp, ông sẽ làm rõ với Tổng thống Putin rằng đâu là “lằn ranh đỏ” và những lĩnh vực hai bên có thể hợp tác. Hôm qua, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin là ông Yuri Ushakov cho hay ổn định hạt nhân, biến đổi khí hậu và an ninh mạng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Mỹ nói trên. Ông Ushakov nhận định cuộc gặp khó có thể cho ra những thỏa thuận cụ thể, nhưng vẫn hữu ích.
* Trong cuộc họp báo tại Bỉ hôm qua, Tổng thống Biden kêu gọi Ukraine xóa sạch nạn tham nhũng và sự ảnh hưởng của giới tài phiệt quyền lực để đáp ứng tiêu chuẩn gia nhập NATO. Bên cạnh đó, Tổng thống Biden nhấn mạnh việc kết nạp Ukraine không phụ thuộc vào Mỹ mà còn nằm ở quyết định của các thành viên khác trong khối, theo Reuters. Tuy vậy, ông Biden khẳng định sẽ làm hết sức để giúp Ukraine có đủ khả năng đối phó Nga và sẽ nhấn mạnh với Nga rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là “lằn ranh đỏ”.
Văn Khoa – Bảo Vinh
THUỴ MIÊN
TNO