‘Lằn ranh đỏ’ nào cho quan hệ Nga – Mỹ?
‘Lằn ranh đỏ’ nào cho quan hệ Nga – Mỹ?
Hai ngày trước cuộc gặp ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Biden nói ông Putin là “một đối thủ xứng đáng”. Theo trang Politico, đây hẳn là cách tổng thống Mỹ muốn làm dịu bớt những kỳ vọng cho cuộc gặp này của họ.
Sau những gì đã diễn ra gần đây, có lẽ giới quan sát cũng không đặt nhiều kỳ vọng về đột phá lớn trong quan hệ Nga – Mỹ sau cuộc gặp hôm nay (16-6) giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tôi ngạc nhiên khi thấy chúng tôi vẫn chưa bị cáo buộc kích động phong trào “Black Lives Matter” (Sinh mạng người da đen quan trọng).
Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời phỏng vấn NBC News.
Mục tiêu “ổn định chiến lược”
Về lý thuyết, đây hẳn nhiên là sự kiện then chốt trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống của ông Biden. Sau hai hội nghị lớn với nhóm G7 và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Biden mang theo rất nhiều vấn đề cần trao đổi với ông Putin.
Trong đó có các cáo buộc tấn công mạng bị buộc cho “người Nga”, cuộc chiến ở Ukraine, dự án Dòng chảy phương Bắc 2, các cuộc trả đũa ngoại giao qua lại…
Những căng thẳng ấy khiến dư luận lo ngại nguy cơ xung đột giữa hai bên. Nguy cơ này càng lớn hơn khi Nga và Mỹ chấm dứt Hiệp ước về kiểm soát hạt nhân (INF).
Trong khi đó, thông báo gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) đầu năm nay cũng bị cho là nói dễ hơn làm. Vì vậy, một trong những vấn đề ưu tiên là thảo luận về việc đảm bảo kiềm chế giữa hai bên.
Theo trang Foreign Policy, cả Nga và Mỹ đều hiểu họ không còn cách nào khác ngoài hợp tác với nhau xung quanh mục tiêu chung là “sự ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí”. Dù còn nhiều ngờ vực, họ vẫn “miễn cưỡng nhận ra sự cần thiết của quan hệ hợp tác nhằm ngăn ngừa thảm họa”.
Theo giám đốc phụ trách vấn đề Nga và Trung Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Eric Green, trợ lý đặc biệt của Tổng thống Biden, Nga và Mỹ đều là những kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Nga cũng đang là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Vì vậy “dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải phối hợp với Nga trong một số thách thức cốt lõi trên thế giới”.
Trước cuộc gặp, cả ông Putin lẫn ông Biden đều phát đi những tín hiệu mong muốn hợp tác và đối thoại, dù không ngần ngại đề cập những khác biệt.
Giới quan sát cho rằng đây không phải lúc “khởi động lại” quan hệ Nga – Mỹ, mà đơn giản là tìm cách tránh leo thang căng thẳng. Ông Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow (Nga), nhận định: “Tôi tin kết quả tốt nhất từ cuộc gặp thượng đỉnh ở Geneva là việc hai bên làm rõ xem lằn ranh đỏ thực sự nằm ở đâu”.
Thông điệp của ông Putin
Ngay trước cuộc gặp tại Geneva, ông Putin đã trả lời phỏng vấn Đài NBC. Đây là lần đầu tiên sau 3 năm (kể từ năm 2018) tổng thống Nga trả lời một báo/đài Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn ấy, có thể thấy ít nhất ba thông điệp rõ ràng từ ông Putin.
Thứ nhất, ông “không phí thời gian” vào những câu chuyện cá nhân. Chẳng hạn khi phóng viên Đài NBC nhắc lại chuyện 10 năm trước, ông Biden lúc đó là phó tổng thống Mỹ, đã nhìn vào mắt ông Putin và nói “không thấy ông có linh hồn”. Tổng thống Nga trả lời: “Tôi không nhớ”. Khi được hỏi tiếp về việc này, ông Putin nói: “Vâng, có lẽ ông ấy (Biden) có trí nhớ tốt”.
Thứ hai, nhà lãnh đạo này khẳng định đã dành toàn bộ tâm trí và sự nghiệp để củng cố nước Nga. Khi được hỏi về người có thể kế nhiệm, ông Putin khẳng định nếu đó là người dành toàn bộ tâm trí và cuộc đời cho nước Nga, ông sẽ ủng hộ.
Thứ ba, với từng câu hỏi liên quan tới cách hành xử của Chính phủ Nga với các nhà hoạt động đối lập, ông Putin đều dẫn ra ví dụ cho thấy chính nước Mỹ mới cần nhìn lại cách hành xử của họ.
Đây cũng có thể là cách ông Putin “phản đòn” với mọi cáo buộc về Nga khi gặp ông Biden. Vì ông hiểu rõ nước Mỹ vừa trải qua những biến động và chia rẽ sâu sắc về chính trị, vẫn còn đó các câu hỏi về chính những điều phóng viên Đài NBC đã hỏi ông. Tất cả cáo buộc này đều bị xem là không cần thiết, khi thượng đỉnh Nga – Mỹ sẽ chỉ dành để bàn chuyện Nga – Mỹ.
Nhìn chung tổng thống Nga ngầm phát đi thông điệp khẳng định ông sẽ tiếp tục hành động vì nước Nga và không thể bị lay chuyển. Báo chí Mỹ cũng cho rằng ông Biden không “ảo tưởng” sẽ lay chuyển được ông Putin như một số người tiền nhiệm. Thậm chí theo AP, ông Biden sẽ không theo đuổi việc xây dựng quan hệ cá nhân với ông Putin.
Và trong khi ông Putin gần như đã “ngửa bài”, ông Biden tiếp tục giữ kín kỳ vọng về cuộc gặp ở Geneva. Hôm 14-6, khi được hỏi về điều này, ông Biden khẳng định sẽ không chia sẻ với báo chí: “Tôi sẽ nói với bạn điều đó sau khi xong việc”.