24/01/2025

Chính phủ có ý kiến áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường Thái

Chính phủ có ý kiến áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường Thái

Ngày 16.6, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về vấn đề áp thuế áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường nhập từ Thái Lan.
Theo ý kiến từ các đại biểu quốc hội của các tỉnh, /// Ảnh: BCT
Theo ý kiến từ các đại biểu quốc hội của các tỉnh, ẢNH: BCT
Ngay sau khi Bộ Công thương ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan ngày 15.6, hôm nay (16.6), Văn phòng Chính phủ có công văn 4016 gửi Bộ Công thương về vấn đề này.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao cho Bộ Công thương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và thẩm quyền quy định tại luật Quản lý ngoại thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc điều tra, áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mía đường nhập khẩu từ Vương quốc Thái Lan theo đúng quy định pháp luật và các cam kết quốc tế; bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân trồng mía, các nhà máy đường và người tiêu dùng.
Thứ 2, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương có văn bản trả lời đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Phú Yên, Trà Vinh, Nghệ An, Gia Lai, Ninh Thuận và đoàn đại biểu Quốc hội khác có quan tâm đến nội dung trên. Văn bản trả lời của Bộ Công thương cũng phải được đồng kính gửi cho Ủy ban Thường vụ quốc hội va Ủy ban kinh tế Quốc hội.
Ý kiến của Phó Thủ tướng xuất phát từ đề nghị của Bộ Công thương tại văn bản 3113 ngày 2.6.2021 và nhiều ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, Phú Yên, Nghệ An, Ninh Thuận, Gia Lai… Trong đó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh ngày 21.5 đã có kiến nghị gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cho rằng, ngành mía đường trong nước đang chịu tác động kép từ thiên tai, biến đổi khí hậu, hạn hán, bão lũ… và sức ép từ mía đường nhập khẩu từ Thái Lan được trợ cấp và bán phá giá. Hệ quả là các nhà máy mía đường chấp nhập thua lỗ, bán thấp hơn giá thành sản xuất để có tiền trả lương và thu mua mía cho nông dân. Do mua giá thấp, nên hiện nông dân đang thua lỗ khoảng 40 triệu đồng/ha đầu tư trồng mía. Bên cạnh đó, sản lượng mía giảm nghiêm trọng, các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đều có sản lượng giảm lần lượt 13%, 22% và 23%… Về mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà các đại biểu tỉnh Trà Vinh đề nghị với Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công thương là đường trắng tinh luyện nhập từ Thái Lan là 48,88%, đường thô 33,88% cho cả 2 loại thuế với mức chênh lệch 15%. Đại biểu ở Phú Yên đề nghị thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cho cả đường thô và đường tinh như nhau, 48,88%.
Theo Quyết định 1578 của Bộ Công thương ngày 15.6, mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức được áp cho một số sản phẩm mía đường có xuất xứ Thái Lan ở mức 47,64%. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.
Trước đó, ngày 21.9.2020, Bộ Công thương đã có quyết định tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm mía đường có xuất xứ từ Thái Lan. Đến ngày 9.2.2021, trên cơ sở kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 477 áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Dự kiến, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi tác động của biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, tình hình sản xuất, cung-cầu, giá cả… để triển khai các biện pháp ổn định thị trường đường theo đúng quy định.
NGUYÊN NGA
TNO