23/01/2025

Lao đao vì dịch Covid-19: Xe khách nằm yên, tàu hoả, máy bay đi… chở hàng

Lao đao vì dịch Covid-19: Xe khách nằm yên, tàu hoả, máy bay đi… chở hàng

Các doanh nghiệp vận tải sau 2 năm lao đao vì dịch đang cố gắng cầm cự thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công, hoặc chuyển hướng sang chở hàng hoá để duy trì phần nào hoạt động.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có công văn gửi UBND các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên đề nghị hỗ trợ bà con nông dân vận chuyển nông sản đi các tỉnh miền Trung và miền Nam bằng tàu hỏa /// Ảnh Ngọc Thắng
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có công văn gửi UBND các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên đề nghị hỗ trợ bà con nông dân vận chuyển nông sản đi các tỉnh miền Trung và miền Nam bằng tàu hỏa  ẢNH NGỌC THẮNG
Chỉ riêng dịp lễ 30.4 và 1.5, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có tới 11.383 vé (gần 4 tỉ đồng) bị trả lại. Việc hạn chế đi lại cùng tình trạng dịch lan rộng tại nhiều tỉnh thành khiến ngành đường sắt phải cắt giảm gần như hết số đoàn tàu. Chỉ trong tháng 5, tổng số đoàn tàu khách cắt giảm là 393 đoàn.
Theo thống kê của VNR, doanh thu vận tải khách 5 tháng của doanh nghiệp này đã sụt giảm nghiêm trọng, chỉ bằng 51,4% so với cùng kỳ 2020. Các doanh nghiệp vận tải đường sắt đều lao đao, trong đó Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội dự kiến năm 2021 doanh thu vận tải chỉ bằng 84,4% cùng kỳ 2020, lỗ gần 193 tỉ đồng.
Tương tự, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn dự kiến doanh thu vận tải bằng 87,1% cùng kỳ, dự kiến lỗ hơn 227 tỉ đồng. Hiện, gần 1.200 người phải tạm hoãn hợp đồng lao động và hơn 130 lao động đang phải nghỉ không lương.
Để cầm cự, ngành đường sắt đã chuyển hướng sang chở hàng hoá nhằm bù đắp cho vận tải khách suy giảm nặng nề. Kết quả 5 tháng đầu năm, sản lượng vận tải hàng hóa xếp đạt 2,4 triệu tấn, bằng 126,9% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 713,5 tỉ đồng, bằng 121,8% so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo VNR, doanh nghiệp này đang chủ động thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch để duy trì chạy tàu hàng liên vận quốc tế, đặc biệt là chở hàng sang Trung Quốc, cũng như tích cực tìm kiếm nguồn hàng mới vận chuyển trong nước.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với ngành hàng không, doanh thu từ chở khách sụt giảm đến mức thấp nhất khiến các hãng bay đều “vận động” quay hướng sang chở hàng hoá.
Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2021, bất chấp tình trạng máy bay nằm la liệt tại bãi đỗ hay các hãng hàng không thua lỗ lớn, mảng vận tải hàng hóa và logistics sân bay vẫn duy trì doanh thu và lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp thậm chí còn có lãi. Quý 1/2021, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Noibai Cargo) có doanh thu hơn 166 tỉ đồng và lãi sau thuế 51 tỉ đồng, giảm không đáng kể so với quý gần nhất.
Cả 3 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đều đẩy mạnh chở hàng, trong đó VNA đặt mục tiêu xây dựng và khai thác đội máy bay chuyên dùng chở hàng, Bamboo Airways thậm chí tham vọng phát triển mảng vận chuyển hàng hóa với kế hoạch Bamboo Airways Cargo.

Xe khách xin giảm thuế

Hậu quả đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với xe khách liên tỉnh thê thảm hơn rất nhiều các lĩnh vực khác. Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng, doanh nghiệp này đã phải tạm dừng khoảng 80% hoạt động. Trong số các xe còn hoạt động, lượng khách cao nhất trên xe cũng chỉ đạt khoảng 20%.
Hiệp hội vận tải Hải Phòng cũng đã có văn bản cầu cứu, kiến nghị các bộ, ngành giảm thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo hiệp hội này, qua các đợt dịch, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách, bến xe giảm trung bình 70 – 80% doanh thu. Nhiều đơn vị phải dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, khiến sản lượng hành khách sụt giảm mạnh dẫn đến thu không đủ chi.
Doanh nghiệp không có nguồn để trả gốc và lãi vay ngân hàng, các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động. Nhiều doanh nghiệp hiện có nguy cơ phá sản và người lao động mất việc làm do dịch bệnh và khó khăn kinh tế.
Hiệp hội vận tải Hải Phòng cũng kiến nghị Bộ GTVT và các ngành có liên quan giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 12 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bến xe; giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải. Đối với các doanh nghiệp vận tải, bến xe còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị cho doanh nghiệp được giãn nộp số nợ đến 31.12.2021 (không tính lãi nộp chậm)…
Tương tự, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP.Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp giảm từ 3 – 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp vận tải khách công cộng được ngừng đóng (không phải đóng) bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021, miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021.
MAI HÀ
TNO