Rưng rưng một kỳ thi trong dịch bệnh và mưa bão
Rưng rưng một kỳ thi trong dịch bệnh và mưa bão
Kỳ thi vào lớp 10 THPT ở Hà Nội vốn đã rất căng thẳng vì tính chất cạnh tranh, năm nay lại thêm thử thách đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp lại cộng với thời tiết không ủng hộ.
Kỳ thi lớp 10 THPT ở Hà Nội năm nay thực sự là thử thách đối với thí sinh và tất cả những người tham gia kỳ thi này khi diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp lại cộng với thời tiết mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 2, đúng vào giờ thí sinh đến trường thi cả hai buổi sáng 12 – 13.6.
|
Trên nhiều diễn đàn, các bố mẹ liên tục chia sẻ những trạng thái: thương, lo và cả sự xót xa khi con đi thi trong điều kiện hoàn toàn không bình thường như vậy.
Nhiều lời cảm thán kiểu như: “khổ thân lứa 2k6 (thí sinh dự thi năm nay sinh năm 2006) đã thi trong dịch bệnh lại còn mưa bão”…
|
Ngay cả việc Hà Nội yêu cầu phụ huynh không đứng chờ con ở cổng trường thi để phòng ngừa dịch bệnh cũng là đề tài khiến phụ huynh đưa ra bàn luận như một sự kém… may mắn của thí sinh đi thi năm nay.
Nhưng trực tiếp ở mỗi điểm thi, mới thấy: vì thi trong điều kiện khó khăn như vậy, những người chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức và thực hiện trong từng khâu của kỳ thi này đã vất vả hơn nhiều lần so những năm trước.
|
|
Từ việc “cân não” của Ban chỉ đạo thi TP. Hà Nội trong việc chọn thời gian nào để thi cho phù hợp, rút ngắn thời gian dự thi từng môn để giảm áp lực cho thí sinh dẫn tới đề thi phải tính toán lại cho phù hợp hơn,… Rồi việc thí sinh “có F”, thí sinh đang lưu trú ở khu vực phong toả không thể dự thi thì tuyển thẳng, đặc cách thế nào để vừa đọc được tin đảm bảo tính nhân văn nhưng không làm thí sinh khác bị ảnh hưởng quyền lợi…
Dù thay đổi là hoàn toàn vì thí sinh, vì an toàn cho kỳ thi với cả trăm nghìn người. Nhưng, mỗi khi công bố một quyết định thay đổi là một lần khiến không ít phụ huynh bất an, phản ứng…
Hai buổi thi rút gọn, giảm thời gian làm bài của từng môn thi đã kết thúc với những đề thi được chính thí sinh và hầu hết giáo viên đánh giá là thay đổi phù hợp với thời gian làm bài, không gây bất ngờ cho thí sinh.
|
Ở tất cả các điểm thi phải kể đến vai trò quan trọng của lực lượng thanh niên tình nguyện làm nhiệm vụ ở cổng trường thi. Từ việc che ô cho thí sinh vào điểm thi an toàn, hướng dẫn các em đi vào đúng làn đường để đảm bảo giãn cách, đo thân nhiệt…
Tại không ít điểm thi có hiện tượng thí sinh đến nhầm địa điểm và chính các tình nguyện viên cũng là lực lượng nhanh nhạy chở các em này đến đúng điểm thi cho kịp giờ…
Tại điểm thi Trường THCS Quang Trung (Q.Đống Đa) có thí sinh bị đau chân không tự vào phòng thi cũng được một tình nguyện viên cõng vào tận chỗ ngồi trong phòng thi…
|
Thi trong dịch bệnh, có những thủ tục chưa từng có trong các kỳ thi trước đây và đặt ra với yêu cầu rất cao cho mỗi điểm thi. Các cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên ở mỗi điểm thi không chỉ lo tổ chức thi sao cho nghiêm túc, khách quan mà còn lo công tác phòng dịch: đo thân nhiệt cho từng thí sinh, yêu cầu các em sát khuẩn tay trước khi vào phòng thi trong điều kiện giãn cách chứ không thể làm ào ào cho xong.
Giấy tờ thí sinh mang theo để dự thi năm nay không chỉ thẻ dự thi và giấy tờ tuỳ thân mà còn cả tờ khai y tế, điều kiện bắt buộc trước khi dự thi.
Tất cả những thủ tục ấy khiến những người làm thi vất vả hơn nhiều lần nhưng họ không những không phàn nàn mà còn nhanh nhạy ứng phó với những tình huống phát sinh.
|
Thi trong mưa gió, nhiều em đến trường thi ướt sũng cả bộ quần áo trong khi không có quần áo dự phòng, vậy mà các thầy cô cũng có cách kịp thời vì nếu chờ bố mẹ mang quần áo khác cho con sẽ bị chậm và các con có thể bị ốm vì ngấm lạnh.
Ví như điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.Ba Đình) huy động toàn bộ đồng phục còn của trường để cho học sinh mặc trước khi vào phòng thi. Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, do đóng ở ngay cạnh điểm thi này, sau khi nhận thông tin quá nhiều thí sinh bị ướt hết quần áo cũng quyết định “xuất kho” 100 bộ đồng phục mới tinh để mang sang tặng thí sinh thi tại Trường THPT Nguyễn Trãi.
|
Kỳ thi đã kết thúc sau hai buổi thi với đa số thí sinh thi vào các trường THPT công lập không chuyên. Nhưng bỏ qua tính chất căng thẳng để “giành suất” vào lớp 10, điều đọng lại sau kỳ thi này vẫn là những ấm áp từ sự nỗ lực, chung tay từ nhiều phía, từ mỗi cá nhân để có thể tổ chức một kỳ thi an toàn trong dịch bệnh và cả mưa bão.
TUỆ NGUYỄN
TNO