23/12/2024

Doanh nghiệp, tiểu thương chờ được hỗ trợ

Doanh nghiệp, tiểu thương chờ được hỗ trợ

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người kinh doanh bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là ở những địa bàn phải giãn cách xã hội hoặc bị phong toả, doanh nghiệp và hộ kinh doanh phải tạm ngưng hoạt động.

 

Doanh nghiệp, tiểu thương chờ được hỗ trợ - Ảnh 1.

Từng là khu vực rất sầm uất nhưng nhiều mặt bằng đắc địa trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đóng cửa trong thời gian TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội – Ảnh: NG.PHƯỢNG

Đó là đề xuất của các chuyên gia, doanh nghiệp và hộ kinh doanh khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Trong đó, TP.HCM, Bắc Giang và nhiều địa phương đang phải giãn cách xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nơi buộc phải đóng cửa hoàn toàn do nằm trong khu vực bị phong tỏa. Vậy tiểu thương, doanh nghiệp sẽ được giảm thuế, hỗ trợ như thế nào?

Doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh đều rất khó khăn. Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh có quy mô càng bé, vốn mỏng… càng chật vật mỗi khi dịch bùng phát, phải giãn cách xã hội, phải tạm ngưng hoạt động. Do đó rất cần có chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời.

Ông Đường Trọng Khang (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc)

Tiểu thương có được giảm thuế?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Trần Thị Xuân Thảo, tiểu thương chuyên kinh doanh các loại thực phẩm khô tại chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM), cho hay việc kinh doanh thời gian gần đây rất ế ẩm do dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Khi chưa có dịch, doanh thu của cửa hàng này lên đến 5 – 6 triệu đồng/ngày do có khách nước ngoài mua làm quà. Từ khi có dịch, doanh thu cửa hàng giảm dần nhưng chưa lần nào ế như đợt dịch này.

“Như hôm nay, dọn hàng từ sáng mà đến trưa mới bán được hơn 100.000 đồng. Do vậy, tôi không còn dám mướn người phụ như trước nữa” – chị Xuân Thảo nói. Đồng thời cho biết rất mong được giảm thuế và tiền hoa chi vì mức thuế khoán 1 tháng khoảng 700.000 đồng, hoa chi hơn 3 triệu, chưa kể các khoản khác như tiền vệ sinh, tiền điện…

Tương tự, chị Thủy – bán đồ ăn tối tại quận Phú Nhuận – cho hay doanh thu cửa hàng này giảm hẳn do quy định cấm tập trung đông người kể từ khi dịch tái bùng phát. Ban đầu là không được tập trung cùng lúc 30 người, sau giảm dần còn 20 người, 10 người. Đỉnh điểm một tuần nay chị phải nghỉ bán vì đặc thù món chỉ ăn tại chỗ chứ ít ai mua về, trong khi TP không cho bán hàng ăn tại chỗ để chống dịch.

“Tình hình này có khi phải nghỉ thêm 1 – 2 tuần nữa, mà tôi không biết có được giảm thuế hay hỗ trợ gì không?”, chị Thủy băn khoăn. Chủ một số quán cà phê tại quận Bình Thạnh cho biết mới mở vài tháng, bắt đầu có khách đều đặn lại phải đóng cửa chống dịch. TP.HCM mới giãn cách 1 tuần nhưng quán đã đóng trước đó 1 tuần, như vậy quán phải nghỉ ít nhất 3 tuần của tháng 5, đồng nghĩa với doanh thu bằng 0 nhưng chưa nghe thuế thông báo giảm.

Anh Mai Văn Bảo, chủ tiệm cắt tóc Gia Bảo trên phố Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cũng lo lắng chưa biết khi nào mới được mở cửa trở lại, trong khi sắp đến lịch đóng 6 tháng tiền thuê mặt bằng nhưng không biết lấy nguồn đâu để nộp.

“Để phòng dịch, cửa hàng phải đóng cửa nhưng tiền nhà vẫn phải nộp. Giá thuê mặt bằng là 10 triệu đồng/tháng. Tôi chưa biết có nên xoay xở để đóng tiếp tiền thuê hay tạm bỏ nghề”, anh Bảo băn khoăn.

Cần giảm thuế và tiền thuê đất

Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng cục Thuế cho biết ngành thuế đang thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất năm 2021 cho doanh nghiệp và hộ, cá nhân kinh doanh. Số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn cho các đối tượng được hưởng chính sách này là 115.000 tỉ đồng.

Ông Đường Trọng Khang, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, cho hay chính sách gia hạn thuế cũng hỗ trợ người kinh doanh có thêm nguồn vốn để cầm cự, đầu tư trong giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ cho doanh nghiệp được chậm nộp thuế trong mấy tháng, còn đến cuối năm sẽ phải nộp đủ toàn bộ tiền thuế được gia hạn vào ngân sách.

Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chính sách cần phải mạnh mẽ hơn, như tiếp tục giảm 30 – 50% tiền thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021 như đã áp dụng trong năm ngoái.

Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở khâu nhập khẩu chứ không chỉ gia hạn tiền thuế GTGT ở khâu nội địa để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ủng hộ đề xuất gia hạn tiền thuế GTGT ở khâu nhập khẩu song ông Ngô Xuân Tòng, cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, đề nghị để không bị thất thoát và trốn thuế, cần có bảo lãnh của ngân hàng. Trường hợp nhà nhập khẩu không nộp số tiền thuế GTGT được gia hạn, ngân hàng bảo lãnh sẽ phải nộp thay.

Với chính sách giảm 30% tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 cho những doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỉ đồng, một chuyên gia ngành thuế cho biết kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy chưa đến 30% doanh nghiệp được hưởng chính sách này bởi nhiều doanh nghiệp làm gì có lợi nhuận để phải nộp thuế. Nên những doanh nghiệp được giảm 30% tiền thuế năm 2020 là doanh nghiệp có lãi. Trong khi đó, doanh nghiệp thua lỗ, phải tạm ngưng hoạt động lại không được hỗ trợ, không được cứu kịp thời.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh, nhất là những đơn vị ở vùng tâm dịch, theo vị này, cần có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn như giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế chứ không chỉ dừng lại ở gia hạn.

“Ngoài việc nộp thuế, doanh nghiệp hoạt động còn tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp ổn định xã hội. Cứu doanh nghiệp chính là chia sẻ, hỗ trợ người lao động. Như vậy mới đúng là khoan thư sức dân”, vị này nói.

TP.HCM xem xét giảm thuế cho hộ kinh doanh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chi cục thuế cho hay Cục Thuế TP vừa có văn bản yêu cầu thống kê về tình hình hộ kinh doanh ngưng nghỉ hoặc bị ảnh hưởng do dịch để có cơ sở báo cáo UBND TP cũng như thực hiện miễn giảm thuế cho các hộ kinh doanh này.

chobenthanh1106 1(read-only)

Các sạp hàng tại chợ Bến Thành (quận 1) phải đóng cửa trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo đại diện Chi cục Thuế Q.1, cơ quan này đang nhận đơn xin ngưng nghỉ và giảm thuế của hộ kinh doanh, đồng thời sẽ phối hợp với ban quản lý chợ để xác minh, thực hiện miễn giảm. Riêng các hộ thuộc những đối tượng buộc phải đóng cửa 2 tuần do giãn cách xã hội, cơ quan thuế sẽ miễn giảm mà không cần khảo sát.

Lãnh đạo Chi cục Thuế Q.5 cũng cho biết đã nhận đơn của những hộ ngưng nghỉ và đã giải quyết đơn của một số hộ. Theo quy định, hộ kinh doanh phải gửi đơn cho cơ quan thuế đề nghị ngưng nghỉ, giảm thuế, trừ trường hợp ban quản lý chợ hoặc phường lập danh sách gửi sang cho cơ quan thuế. Về mặt pháp lý, đây cũng được xem như là đơn.

“Hộ kinh doanh ngưng kinh doanh từ tháng nào, cơ quan thuế giảm tháng đó. Do tỉ trọng hộ chiếm hơn 20% tổng thu trên địa bàn Q.5 nên số thuế giảm của các hộ khá lớn”, vị này nói.

Do nằm trong địa bàn chịu ảnh hưởng nặng của đợt dịch này và có khu vực buộc phải phong tỏa, cơ quan thuế Q.12 và huyện Hóc Môn cho hay vẫn tiếp nhận đơn đề nghị ngưng nghỉ, giảm thuế của các hộ kinh doanh qua đường bưu điện nhằm giảm tiếp xúc trực tiếp để giảm nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Các trường hợp hộ kinh doanh bị ảnh hưởng sẽ được giảm thuế hoặc giải quyết cho ngưng nghỉ, dù có nộp đơn sau thời hạn trên do ảnh hưởng của giãn cách xã hội.

Doanh nghiệp kiệt quệ vì dịch

Ông Lê Chung Hiếu, giám đốc Công ty Tây Bắc, cho biết sau hơn 15 năm hoạt động, chưa bao giờ kinh doanh khó khăn như 2 năm qua, nhất là sau đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư. Tâm lý lúc nào cũng nơm nớp lo lắng. Nếu ký hợp đồng mà lỡ dịch bùng phát, thi công phải cầm chừng và kéo dài thì nguy cơ thua lỗ rất lớn.

Nếu không ký hợp đồng, doanh nghiệp trong tình trạng “ngủ đông” thì không có doanh thu, nguồn tiền bị chặt đứt. Tình hình này đồng nghĩa với việc người lao động không việc làm, thu nhập giảm sút. Trong khi đó, các chi phí nhà xưởng, tiền thuê đất, mặt bằng, bảo trì máy móc, bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động… vẫn phải đóng.

“Để giữ mối với ngân hàng và tạo việc làm cho người lao động, doanh nghiệp vẫn phải cố gắng ký hợp đồng với đối tác dù biết rủi ro rất lớn. Đợt dịch lần này xem như doanh nghiệp thiệt hại nặng nề vì một loạt dự án đang triển khai dang dở ở Bắc Giang”, ông Hiếu than thở.

A.HỒNG – L.THANH
TTO