26/12/2024

Phương Tây tung 1 tỉ liều vắc xin ‘kết liễu’ COVID-19 ra sao?

Phương Tây tung 1 tỉ liều vắc xin ‘kết liễu’ COVID-19 ra sao?

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 10-6 tiết lộ nhóm G7 sẽ chia sẻ 1 tỉ liều vắc xin COVID-19 với thế giới, trong đó có “hàng triệu liều đến từ kho dự trữ của Anh”. Các nước Mỹ, Nhật, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đã hưởng ứng.

 

Phương Tây tung 1 tỉ liều vắc xin kết liễu COVID-19 ra sao? - Ảnh 1.

Máy bay vận tải Mỹ chở 750.000 liều vắc xin viện trợ cho vùng lãnh thổ Đài Loan, một động thái bị Trung Quốc chỉ trích – Ảnh: REUTERS

Theo Thủ tướng Johnson, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến ​​sẽ cung cấp 1 tỉ liều vắc xin cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ vắc xin và tài trợ để chấm dứt đại dịch vào năm 2022.

Con số 1 tỉ liều ông Johnson nêu ra dường như bao gồm 500 triệu liều Pfizer mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ngỏ ý sẽ tặng.

Theo Hãng tin Reuters, nhà lãnh đạo Mỹ đã kêu gọi các nền dân chủ thể hiện trách nhiệm chia sẻ khó khăn với thế giới.

Hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) dự kiến sẽ cung cấp 200 triệu liều vào năm 2021 theo yêu cầu của Mỹ.

300 triệu liều tiếp theo sẽ được giao vào năm 2022 để hoàn tất việc chia sẻ cho 92 quốc gia thu nhập thấp và Liên minh châu Phi.

Tại châu Âu, chính quyền London cam kết tài trợ ít nhất 100 triệu liều, trong đó có 5 triệu liều sẽ được phân phối trong vài tuần tới.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu – bà Ursula von der Leyen – trước đó thông báo EU tài trợ 100 triệu liều cho các nước có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021. Con số này bao gồm 60 triệu liều từ Đức và Pháp, 15 triệu liều từ Ý.

Chính quyền Paris cũng cho biết đã tặng 184.000 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca cho Senegal thông qua chương trình chia sẻ vắc xin COVAX.

Nhật Bản, một nước thuộc G7, cũng cam kết sẽ tài trợ 30 triệu liều vắc xin sản xuất trong nước nhưng chưa tiết lộ tên vắc xin.

Hồi tuần trước, Tokyo đã chuyển 1,24 triệu liều AstraZeneca cho vùng lãnh thổ Đài Loan và đang cân nhắc viện trợ vắc xin cho một số nước Đông Nam Á.

COVAX, sáng kiến của WHO và Liên minh toàn cầu về vắc xin – tiêm chủng (GAVI), đã đặt mục tiêu đảm bảo được ít nhất 2 tỉ liều cho các nước thu nhập thấp trong năm 2021.

Theo thống kê của Reuters, đã có 2,2 tỉ liều vắc xin COVID-19 được tiêm trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 560 triệu liều ở các nước G7.

BẢO DUY
TTO