Mỹ tiếp sức cho COVAX

Mỹ lên kế hoạch mua thêm 500 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech ngừa Covid-19 để viện trợ cho 92 quốc gia thu nhập thấp và Liên minh Châu Phi thông qua chương trình COVAX.
Lô vắc xin Covid-19 theo chương trình COVAX đến Rwanda /// Ảnh: Reuters
Lô vắc xin Covid-19 theo chương trình COVAX đến Rwanda ẢNH: REUTERS
Được phân bổ thông qua chương trình COVAX (sáng kiến cho phép toàn cầu tiếp cận công bằng vắc xin ngừa Covid-19), 200 triệu liều sẽ được chia sẻ trong năm nay, đủ để tiêm đủ mũi cho 100 triệu người. Số còn lại sẽ được triển khai trong nửa đầu năm sau, theo tờ The New York Times. Sau khi có tin chính quyền Washington sẽ mua số vắc xin trên với giá “phi lợi nhuận”, Hãng Pfizer công bố quyết định quyên góp toàn bộ số liều vắc xin cho nỗ lực mới nhất của chính phủ Mỹ. Tất cả vắc xin viện trợ theo cam kết mới đều sản xuất tại Mỹ.

G7 kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19

Bloomberg hôm qua đưa tin bản thảo tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ có nội dung kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành cuộc điều tra “mới, minh bạch, dựa trên bằng chứng và không bị can thiệp” về nguồn gốc SARS-CoV-2 gây Covid-19. Theo Bloomberg, tuyên bố chung còn có các nội dung về chia sẻ vắc xin, vấn đề lao động cưỡng ép, biến đổi khí hậu, hoạt động tội phạm mạng, thỏa thuận hạt nhân Iran… Tuyên bố chung dự kiến được đưa ra vào cuối Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh, diễn ra từ ngày 11 – 13.6. Cũng trong hôm qua, các lãnh đạo EU kêu gọi một cuộc điều tra “không bị cản trở” đối với nguồn gốc đại dịch và nhấn mạnh các nhà điều tra phải được tiếp cận đầy đủ với dữ liệu cần thiết.    Bảo Vinh

Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng đang đàm phán với Hãng dược Moderna về khả năng mua thêm vắc xin Covid-19. Đài CNBC hôm qua dẫn nguồn thạo tin tiết lộ hợp đồng đang được thảo luận đề cập số lượng vắc xin tương tự thỏa thuận với Pfizer. Reuters dẫn lời người phát ngôn Moderna cho hay công ty quan tâm đến việc cung cấp vắc xin cho chính phủ Mỹ để phân phối cho những nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp, nhưng không tiết lộ thêm thông tin. Nhà Trắng cũng phê chuẩn các lô viện trợ cho đồng minh và đối tác, trong đó có Hàn Quốc, Đài Loan và Ukraine.

Con số trên nối tiếp cam kết trước đó của Washington là chia sẻ 80 triệu liều vắc xin Covid-19 tính đến hết tháng 6, trong đó 75% thông qua chương trình COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) thực hiện.
Sáng kiến vắc xin toàn cầu là một phần của chiến lược quy mô lớn của Tổng thống Joe Biden nhằm khôi phục sức ảnh hưởng và quyền lực mềm của Mỹ trên bình diện toàn cầu trước Nga và Trung Quốc.
Vào thời điểm Mỹ mới hứa viện trợ 80 triệu liều vắc xin, Trung Quốc và Nga đã ký xong các thỏa thuận bán khoảng 600 triệu liều vắc xin (mỗi nước) cho toàn cầu, theo Đài CBS News. Trong đó, Trung Quốc đã gửi vắc xin cho 66 quốc gia theo hình thức viện trợ, Tân Hoa xã đưa tin. Bắc Kinh không công khai số liệu của chương trình này, nhưng theo tính toán của Reuters, ít nhất 16,57 triệu liều vắc xin hiện đã được phân phát. Trung Quốc cũng cam kết cung cấp 10 triệu liều vắc xin cho chương trình COVAX. Hiện vẫn chưa có số liệu về số vắc xin Nga cung cấp cho các nước.
Tính đến ngày 8.6, chương trình COVAX đã gửi hơn 81 triệu vắc xin Covid-19 cho 129 quốc gia/lãnh thổ, theo chuyên trang Gavi.org. Trước khi đối mặt tình trạng thiếu mũi tiêm, một phần do dịch bệnh bùng phát khiến Ấn Độ giới hạn vắc xin xuất khẩu, COVAX có kế hoạch viện trợ ít nhất 2 tỉ liều vắc xin Covid-19 vào cuối năm nay. Hôm qua, Liên minh Châu Âu (EU) cân nhắc đóng góp khoảng 100 triệu liều vắc xin của Hãng Johnson & Johnson trong trường hợp quyết định đặt mua.
THUỴ MIÊN
TNO