Tiêm vắc xin thời điểm nào trong ngày thì tốt nhất?

Tiêm vắc xin thời điểm nào trong ngày thì tốt nhất?

Trước sự tấn công của vi khuẩn và virus, hệ miễn dịch nhanh chóng hành động để bảo vệ cơ thể, và giới khoa học phát hiện khung thời gian có thể nâng cao hiệu quả uống thuốc và tiêm vắc xin trong ngày.
Tiêm vắc xin vào buổi sáng tạo ra phản ứng kháng thể cao hơn nhóm tiêm vào buổi chiều /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Tiêm vắc xin vào buổi sáng tạo ra phản ứng kháng thể cao hơn nhóm tiêm vào buổi chiềuẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Nỗ lực nghiên cứu hơn nửa thế kỷ qua cho thấy hệ miễn dịch ở người phản ứng khác nhau vào ban ngày và đêm tối. Tác nhân cho sự khác biệt này chính là đồng hồ sinh học của cơ thể, cũng như năng lực “đọc được thời gian” trong ngày của mỗi tế bào của chúng ta, bao gồm tế bào miễn dịch.

Năng lực kỳ diệu

Hàng triệu năm qua, đồng hồ sinh học ở người không ngừng tiến hóa, cho phép nhân loại sinh tồn đến ngày nay. Bằng cách nào đó, các tế bào của cơ thể tập hợp được những bộ sưu tập protein để chúng nắm rõ thời gian cụ thể trong ngày, từ đó điều chỉnh chức năng và hành vi phù hợp. Ví dụ thời điểm chúng ta cần ngồi vào bàn ăn, hoặc khi đi ngủ.
Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của chúng ta bao gồm nhiều loại tế bào miễn dịch khác nhau, thường xuyên tuần tra cơ thể nhằm tìm kiếm những dấu hiệu bị nhiễm trùng hoặc tổn thương. Thế nhưng chính đồng hồ sinh học mới là công cụ quy định nơi xuất hiện của các tế bào đó vào những thời điểm cụ thể trong ngày, theo báo The Conversation.
Nói một cách nôm na, các tế bào miễn dịch di trú bên trong mô vào ban ngày và đến tối lại chu du khắp cơ thể. Có vẻ như nhịp sinh học của các tế bào miễn dịch đã tiến hóa theo hướng cho phép loại tế bào này sẽ “tạm trú” bên trong các mô vào thời điểm chúng ta dễ bị nhiễm trùng nhất.
Ban đêm, các tế bào miễn dịch chu du khắp cơ thể và ngừng lại ở các hạch bạch huyết. Tại đây, chúng ghi nhận ký ức về những gì vừa đối mặt trong ngày, bao gồm những trường hợp bị nhiễm trùng hoặc virus tấn công. Đây là cơ chế cho phép chúng có thể đáp trả hiệu quả hơn khi chạm trán lần tới.

Thời gian và hiệu quả thuốc

Trước sự kiểm soát của đồng hồ cơ thể đối với hệ miễn dịch của chúng ta, không ngạc nhiên khi một số báo cáo ghi nhận thời điểm cơ thể nhiễm virus (chẳng hạn như cúm hoặc viêm gan) có thể dẫn đến bệnh nặng hoặc nhẹ hơn. Còn theo các cuộc nghiên cứu khác, thời điểm uống thuốc trong ngày có thể ảnh hưởng đến dược lực của thuốc men.
Trong khi đó, ngày càng có thêm chứng cứ cho thấy đồng hồ sinh học cũng tác động đến hiệu lực của những dòng vắc xin, cũng như thời gian tiêm chủng.
Ví dụ, cuộc khảo sát năm 2016 đã được thực hiện ngẫu nhiên đối với hơn 250 người từ 65 tuổi trở lên. Theo kết quả thu được, tiêm vắc xin vào buổi sáng (từ 9 đến 11 giờ) tạo ra phản ứng kháng thể cao hơn nhóm tiêm vào buổi chiều (từ 15 đến 17 giờ).
Gần đây, những người độ tuổi giữa 20 được tiêm vắc xin phòng lao từ 8 đến 9 giờ cũng ghi nhận hiệu quả tốt hơn so với nhóm tiêm từ giữa trưa đến 13 giờ.
Vẫn chưa rõ lý do đằng sau cơ chế trên. Giới khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu với hy vọng có thể tìm ra lời giải cho sự tương tác của hệ miễn dịch và thuốc men cũng như vắc xin để mang đến hiệu quả bảo vệ cao hơn cho con người.
HOA GIẤY
TNO