23/01/2025

Doanh nghiệp sẵn sàng chờ cơ hội mới

Doanh nghiệp sẵn sàng chờ cơ hội mới

Mặc dù dịch Covid-19 đang diễn ra khá phức tạp tại Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có kế hoạch chờ ngày kinh tế hồi phục.
Nhiều doanh nghiệp vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất hoặc lên kế hoạch tái khởi động sau dịch /// ẢNH: HOÀNG TRIỀU
Nhiều doanh nghiệp vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất hoặc lên kế hoạch tái khởi động sau dịch ẢNH: HOÀNG TRIỀU

Những kế hoạch triệu đô vẫn tiếp tục

TP.HCM vẫn đang trong giai đoạn giãn cách, nhưng Tập đoàn Kido hôm qua (7.6) vẫn tổ chức họp báo trực tuyến chính thức giới thiệu đến người tiêu dùng thương hiệu bán lẻ Chuk Chuk.
Hệ thống bán lẻ mới có tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là 100 tỉ đồng để bán các sản phẩm kem, trà, trà sữa trân châu, cà phê và các loại nước giải khát, bánh tươi. Kido đặt mục tiêu đưa Chuk Chuk trở thành thương hiệu quốc gia dẫn đầu thị trường thức ăn nhanh về độ phủ và độ yêu thích của khách hàng, phát triển chuỗi nhượng quyền thương hiệu với hệ thống 1.000 cửa hàng trên toàn quốc cho đến hết năm 2025 cũng như kết hợp với một số đối tác nước ngoài để phát triển mở rộng sang các nước châu Á.
ẢNH: NG.NGA

ẢNH: NG.NGA

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn Kido, cho biết: Dự án Chuk Chuk đã được ấp ủ từ lâu và bắt đầu chuẩn bị trong vòng 1 năm qua. Vì vậy dù có dịch hay không thì Kido vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch này. Nhưng nếu Chính phủ kiểm soát được dịch Covid-19 thì đó sẽ là cơ hội để Chuk Chuk phát triển mạnh. Đặc biệt, thời gian qua do dịch Covid-19 nên nhiều mặt bằng đẹp ở các vị trí trung tâm được bỏ trống khá nhiều là cơ hội cho thương hiệu mới tiếp cận.
Ông Nguyên dẫn chứng nếu trước đây một cửa hàng đẹp ngay tại Q.1 (TP.HCM) có giá thuê khoảng 1.000 USD/tháng thì nay Chuk Chuk dễ dàng thuê được và đã ký hợp đồng với hơn 10 cửa hàng với giá thuê chỉ còn một nửa so với trước đây. “Nếu đến tháng 9 dịch Covid-19 được kiểm soát tốt thì Chuk Chuk sẽ được mở rộng ra Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Hơn nữa, tất cả sản phẩm đều được sản xuất từ nhà máy của tập đoàn cùng toàn bộ nguyên liệu trong nước, nên giá thành sẽ thấp. Cộng với những lợi thế vốn có của Kido như dẫn đầu trong ngành kem, hệ thống logistics, hàng trăm ngàn điểm phân phối dầu ăn, kem… nên chúng tôi tự tin đặt ra mục tiêu phải có lãi ngay trong năm đầu tiên Chuk Chuk đi vào hoạt động”, ông Trần Lệ Nguyên nói.
Trước đó không lâu, “ông lớn” Masan cũng chính thức bắt tay với thương hiệu trà Phúc Long thông qua việc mua lại 20% cổ phần, tương đương 15 triệu USD. Theo giới chuyên gia, cú bắt tay là tiền đề hợp lý trong giai đoạn này vì sẽ giúp cho cả hai thương hiệu Việt cùng tăng sức mạnh và người tiêu dùng thấy hứng thú với những trải nghiệm mua sắm của họ với sản phẩm, dịch vụ của cả Masan và Phúc Long.
Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc VinCommerce (thuộc Masan), không giấu giếm tham vọng, sẽ biến mỗi cửa hàng VinMart+ trở thành biểu tượng phong cách sống mới và hiện đại, là điểm đến cho mọi lứa tuổi trên khắp Việt Nam (VN). “Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn đưa thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê Phúc Long vươn ra thế giới, góp phần lan tỏa bản sắc dân tộc và quảng bá các thức uống đặc sắc của VN. Đồng thời, hợp tác này cũng giúp thực thi chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life mà Masan đang hướng tới”, vị này nói.
Bất ngờ hơn là Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) mua lại toàn bộ siêu thị Emart từ nhà đầu tư Hàn Quốc. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, chia sẻ hai bên đã ký kết thỏa thuận nhượng quyền thương mại và Thaco độc quyền đối với mô hình đại siêu thị thương hiệu Emart tại VN trong 9 năm. Thaco sẽ vận hành Emart với 11 siêu thị trên cả nước vào năm 2025. Năm nay, Thaco đặt mục tiêu doanh thu lên tới 81.800 tỉ đồng, tăng hơn 29% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 5.380 tỉ đồng, tăng 40% so với 2020.
Tập đoàn Nova vốn có thương hiệu bất động sản Novaland nổi tiếng, nhưng cuối tháng 4 vừa rồi cũng đã “rẽ ngang” để phát triển mảng thực phẩm, thức uống, dinh dưỡng nhằm hiện thực hóa mô hình 3F – chuỗi sản xuất thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Cơ hội trong khó khăn

Bất chấp ngành hàng không vẫn được dự báo còn lâu mới có thể hồi phục, thế nhưng mới đây, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn đã rót 100 triệu USD (tương đương hơn 2.300 tỉ đồng) và đệ đơn xin thành lập hãng bay riêng chuyên chở hàng hóa (cargo).
Với bước đi này, IPPG chính thức bước vào “cuộc đua mới” của ngành hàng không VN – vốn đang nằm hoàn toàn trong tay các doanh nghiệp ngoại. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận định đại dịch Covid-19 bùng phát, thị trường mua sắm online tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vì không có chuỗi hệ thống logistics chuyên nghiệp, nên VN đã đánh mất nhiều cơ hội.
Các hãng hàng không cũng tận dụng máy bay thương mại để vận chuyển hàng hóa nhưng do không có thiết kế phù hợp, không đúng quy định bảo hiểm nên chỉ có thể vận chuyển ở mức rất hạn chế. Lúc này sẽ là tiền đề tốt để xây dựng thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trong nội địa VN. Từ đó hình thành và phát triển chuỗi logistics hiện đại, chuyên nghiệp, giành lại thị phần từ tay các hãng nước ngoài sau khi dịch Covid-19 chính thức được kiểm soát bằng vắc xin.
Đây cũng là hướng đi đang được các hãng hàng không thương mại như Vietnam Airlines, Bamboo hướng tới mở rộng kinh doanh sau dịch, thông qua việc chuẩn bị thành lập đội máy bay chuyên dụng chở hàng hóa, phát triển các đường bay chở hàng định kỳ…
Tương tự, Ban lãnh đạo Tập đoàn Tân Long nhận ra rằng thị trường nội địa sẽ giúp sức khỏe doanh nghiệp (DN) dồi dào hơn. Thế là từ một “nhà buôn” chuyên xuất, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm khô như gạo, điều, Tân Long đang bắt đầu đi vào thị trường nội địa với kế hoạch xây dựng chuỗi cửa hàng thực phẩm tươi sống, sau thành công của thương hiệu gạo A An mới ra mắt. Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, đánh giá sau khi VN đạt được miễn dịch cộng đồng, các hoạt động kinh doanh, sản xuất hồi phục nhanh chóng sẽ kích thích tiêu dùng bán lẻ, nội tiêu tăng cao. Do đó trong thời gian qua, Tân Long đã tập trung đẩy mạnh các nền tảng online, công nghệ, từ truyền thông cho tới hệ thống đặt hàng, quản trị tồn kho trên kênh bán hàng, quản lý dịch vụ giao hàng tận nơi… giúp mảng bán lẻ thực phẩm không bị đứt gãy, ghi nhận tăng trưởng tốt. Để đẩy mạnh hơn mảng bán lẻ thực phẩm tươi sống trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục tập trung thêm sự tiện ích cho khách hàng thông qua các nền tảng quản lý, phục vụ online.

Đón đầu nhu cầu xuất khẩu

Không chỉ lên kế hoạch đón đầu khi trong nước phổ cập tiêm vắc xin, nhiều DN cũng tận dụng cơ hội mở cửa từ thị trường Mỹ, châu Âu sau khi lượng người dân tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19 nhiều hơn, nhu cầu tiêu thụ gia tăng trở lại.
Vẫn chưa biết khi nào dịch Covid-19 có thể kiểm soát được tại VN và nhiều nước nhưng trong cái khó vẫn có cái thuận lợi cho các DN. Đó là chi phí về mặt bằng sẽ rẻ hơn nhiều cho các đơn vị muốn mở thêm cửa hàng. Hay hành vi của người tiêu dùng thay đổi khi mua hàng qua mạng nhiều hơn, thúc đẩy các DN đẩy nhanh việc phát triển đa phương thức kinh doanh trong hoạt động của mình, từ cửa hàng trực tiếp đến kinh doanh online. Bản thân các DN lớn sẽ có ưu thế hơn để đầu tư mở rộng nhưng các DN nhỏ cũng có thể lên kế hoạch cơ cấu lại hoạt động cho phù hợp với xu thế mới. Từ đó sẽ nhanh chóng hồi phục khi kinh tế phát triển trở lại.
TS Võ Trí Thành
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh)
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý 2/2021 sẽ tiếp đà tăng trưởng 10% và đạt khoảng 2,1 tỉ USD. Trong đó, mặt hàng tôm được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan 10%, xuất khẩu hải sản tăng 9,6%… Tương tự, hầu hết DN dệt may, đồ gỗ cũng đã có đơn hàng thực hiện đến hết quý 3, thậm chí có đủ cho cả năm nay.
Là một DN quy mô nhỏ với doanh số mỗi năm khoảng 1 triệu USD, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh, năm nay công ty cũng đầu tư 200.000 USD (khoảng 4,7 tỉ đồng) để mở rộng năng lực sản xuất. Ước tính 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Đức Minh đã tăng 20% so với năm trước trong khi tiêu thụ tại thị trường nội địa giữ nguyên. Ông kỳ vọng cả năm nay kế hoạch kinh doanh vẫn suôn sẻ khi hiện nay đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 8.
Việc giá hàng loạt nguyên vật liệu đã tăng nhanh cũng phần nào phản ánh được tình hình thị trường đang phát triển. Vị giám đốc này cho rằng thật khó để dự báo chính xác trong giai đoạn hiện nay. Nhưng khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại nhiều nơi thì xuất khẩu có thể tăng đến 30% trong năm nay.
MAI PHƯƠNG – HÀ MAI
TNO