23/01/2025

Còn nhiều đề thi sai sót do đâu?

Còn nhiều đề thi sai sót do đâu?

Theo dõi đề thi tuyển sinh lớp 10 những năm gần đây, tôi cho rằng những sai sót trong đề thi thường tập trung vào những vấn đề như: Ngữ liệu đọc hiểu gây tranh cãi hoặc lời dẫn hay câu lệnh có vấn đề.
Những đề thi còn nhiều tranh cãi /// Chụp lại màn hình

Những đề thi còn nhiều tranh cãi  CHỤP LẠI MÀN HÌNH
Thực tế cho thấy, thực hiện đúng chủ trương của Bộ GD-ĐT, đa số các tỉnh, thành phố đã lựa chọn ngữ liệu đọc hiểu ngoài sách giáo khoa. Chúng tôi đánh giá rất cao cách làm này. Ngữ liệu đọc hiểu trong đề thi của một số địa phương như TP.HCM, Khánh Hòa còn có khả năng kết hợp với câu nghị luận xã hội, nghị luận văn học để hình thành một trục chủ đề chặt chẽ, gửi gắm những thông điệp tích cực về nhân sinh.
Tuy vậy, không thể chối bỏ thực tế phức tạp, đa chiều trong sự tiếp nhận của độc giả. Chính điều này đã khiến ngữ liệu đọc hiểu bị xét nét về giá trị, mục đích của người ra đề đôi khi bị hiểu sai, bị công kích. Hơn thế, việc chưa căn cứ vào nguồn trích dẫn chính xác, tin cậy hoặc lỗi đánh máy cũng khiến ngữ liệu đọc hiểu vướng phải những sai sót không đáng có, khiến dư luận phê phán nặng nề.
Còn ở yếu tố lời dẫn hoặc câu lệnh có vấn đề đó là tranh cãi về yêu cầu “cảm nhận” hay “phân tích” trong câu nghị luận văn học. Điều này vẫn sẽ âm ỉ kéo dài trong nhiều năm. Bên cạnh đó, việc người ra đề chưa chú trọng phân tích kỹ từng câu chữ, lường trước mọi cách hiểu cũng nhiều khả năng gây ra phản ứng.
Việc dư luận cho rằng lời dẫn “Nếu phải ở trong nước sôi” đặt ra rất phản cảm là một ví dụ cụ thể. Trách dư luận vô tình hay cố ý không đặt lời dẫn ấy trong ngữ cảnh cụ thể của đề thi là việc cần làm. Nhưng người ra đề, nhất là cán bộ phản biện cần nhắc mình cẩn trọng hơn, nhất là khi dư luận vốn không chỉ đóng khung trong phạm vi những tiếng nói có am hiểu nhất định về vấn đề kiểm tra đánh giá, về thực tế dạy ngữ văn ở phổ thông.
Những yêu cầu cho một đề thi văn
Đối với ngữ liệu đọc hiểu, để đáp ứng mục tiêu đánh giá năng lực, tăng cường các yêu cầu về vận dụng tổng hợp, yêu cầu thực hành, sáng tạo cũng như gắn với các tình huống thực tiễn và yêu cầu giải quyết vấn đề, văn bản sử dụng làm ngữ liệu phải nằm ngoài sách giáo khoa hiện hành.
Văn bản cần trích từ tài liệu dạng sách in do nhà xuất bản uy tín chịu trách nhiệm biên tập, phát hành, được ghi rõ năm xuất bản, trích ở/ từ trang bao nhiêu để tiện cho việc kiểm soát, đối chiếu.
Văn bản được chọn phải thực sự có giá trị nghệ thuật, đậm tính nhân văn, ngôn ngữ chuẩn mực của những tác giả thực sự đã được thời gian khẳng định vị trí.
Văn bản phù hợp với kinh nghiệm tiếp nhận, với nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý, mối quan tâm của học sinh, cần phải đúng trình tự nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Với đề thi phục vụ cho tuyển sinh lớp 10 đại trà, câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học nên có đầy đủ từ lời dẫn, trích dẫn đến yêu cầu cụ thể về nội dung, giới hạn phạm vi tư liệu, thao tác, cách thức làm bài…
Với đề thi phục vụ cho tuyển sinh vào lớp chuyên, giáo viên cần chú ý đến việc trích dẫn ý kiến nêu vấn đề cho học sinh trình bày quan điểm cần chính xác, cụ thể, tập trung. Dù ra đề theo định hướng đóng hay mở thì đề thi cần tạo cơ hội để học sinh thể hiện nhận thức, kiến giải sâu sắc về vấn đề, năng lực tổ chức bài viết, diễn đạt sáng tạo, bộc lộ cá tính, tình cảm, thái độ, quan niệm riêng trước đối tượng và vấn đề nêu trong đề bài.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi

(Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

TNO