23/01/2025

Myanmar: hoà bình còn xa quá

Myanmar: hoà bình còn xa quá

Trong lúc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nỗ lực tìm kiếm giải pháp giúp Myanmar thoát khỏi khủng hoảng chính trị, chính quyền quân sự Myanmar vẫn chưa có tín hiệu thay đổi lập trường.

 

Myanmar: hòa bình còn xa quá - Ảnh 1.

Thống tướng Min Aung Hlaing (phải) gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei Erywan Yusof tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar ngày 4-6 – Ảnh: AFP

Chúng tôi ủng hộ kế hoạch đồng thuận 5 điểm của ASEAN. Chúng tôi hiểu rằng ASEAN đang tham vấn tất cả các bên trong khu vực khi họ xúc tiến việc đó và mong muốn sự tham gia của họ thành công.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ WENDY SHERMAN nói hôm 2-6.

Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của nước chủ tịch luân phiên ASEAN (Brunei) – ông Erywan Yusof – đã tới Myanmar hôm 4-6.

Hai đại diện ASEAN đã có cuộc gặp và thảo luận trực tiếp với Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing – chỉ huy quân đội Myanmar đã nắm quyền sau cuộc chính biến ngày 1-2.

Nút thắt mang tên “bất ổn”

Sau cuộc họp ở Jakarta (Indonesia) hồi tháng 4, lãnh đạo các nước ASEAN đã đi đến 5 điểm đồng thuận về vấn đề Myanmar, trong đó có việc bổ nhiệm một đặc sứ phụ trách vấn đề Myanmar và duy trì đối thoại “giữa các bên” ở Myanmar. Tuy nhiên, việc thực thi các điểm này cho tới nay chưa mấy tiến triển.

Vì lẽ đó, chuyến đi của ông Erywan Yusof và ông Lim Jock Hoi được cho là nỗ lực mới nhất của ASEAN nhằm đối thoại với lãnh đạo quân đội Myanmar. Việc này ít nhất để mở đường cho chấm dứt bạo lực, đối thoại và tìm giải pháp hòa bình sau hơn 5 tháng khủng hoảng vì chính biến.

Dĩ nhiên, mấu chốt của giải pháp này phải xét tới vai trò của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân sự khác – những người đã bị bắt sau chính biến.

Nếu quân đội không chấp nhận kết quả bầu cử của bà San Suu Kyi và phe dân sự, câu hỏi đơn giản nhất lúc này là khi nào tổ chức bầu cử lại.

Thông tin trong ngày 5-6 cho thấy tình hình ít có chuyển biến. Hãng tin AFP dẫn tuyên bố từ cơ quan truyền thông của quân đội Myanmar cho hay Thống tướng Hlaing khẳng định sẽ tổ chức bầu cử khi “tình hình trở lại bình thường”.

Trước đây, quân đội Myanmar khẳng định sẽ tổ chức bầu cử lại trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, kế hoạch đó đang mờ mịt hơn khi Myanmar vẫn chìm sâu trong các cuộc biểu tình cũng như xung đột bạo lực giữa quân đội và các nhóm vũ trang.

Các số liệu không chính thức được truyền thông quốc tế dẫn ra lúc này cho thấy ít nhất 845 người chết và hơn 4.500 người bị bỏ tù. Thật khó để biết bao giờ mới có cái gọi là “bình thường”!

Căng thẳng hơn, phe đối lập với chủ yếu gồm các thành viên của Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã thành lập một “chính quyền” song song với tên gọi Chính quyền Thống nhất quốc gia (NUG).

Hồi giữa tuần này, NUG có tuyên bố rất quan trọng khi tỏ thái độ “làm lành” với người Rohingya (những người đạo Hồi thiểu số ở bang Rakhine), kêu gọi người Rohingya về phe với họ để chống đối chính quyền quân sự. Còn ở phía bên kia, chính quyền quân đội gọi NUG là “những kẻ khủng bố”.

Hiện không rõ hai vị quan chức ASEAN có gặp gỡ NUG hoặc các phe khác trong chuyến đi này không. Chỉ thấy nếu sự phân cực trong chính trị Myanmar tiếp diễn, tình thế bế tắc sẽ ngày càng tăng.

Áp lực thời gian

Sự có mặt của hai lãnh đạo ASEAN tại Myanmar ngày 4-6 cho thấy ASEAN đang rất khẩn trương tham gia xử lý khủng hoảng cùng quân đội Myanmar, trong bối cảnh kỳ vọng và thậm chí sức ép rất lớn đang đặt lên các nước Đông Nam Á.

Thành công của ASEAN trong vấn đề Myanmar không chỉ là câu chuyện giúp đỡ một thành viên của khối, mà còn chứng minh được vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề thế giới quan tâm.

Tại cuộc họp báo ngày 2-6 nhân chuyến đi qua Indonesia, Thái Lan và Campuchia, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman khẳng định Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và kế hoạch đồng thuận 5 điểm đã đạt được ở Jakarta trước đây.

Tuy nhiên, quan chức ngoại giao Mỹ cũng lưu ý tới áp lực thời gian, nhấn mạnh Washington đang “bớt dần kiên nhẫn” và mong có kết quả ngay lập tức khi căn cứ vào cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay tại Myanmar.

Bà Sherman nói: “Kế hoạch đồng thuận 5 điểm kêu gọi liên lạc với lãnh đạo quân đội Myanmar cũng như tất cả các bên, bao gồm các bên dân chủ (chính quyền dân sự – PV). Chúng tôi dĩ nhiên hy vọng điều này diễn ra càng sớm càng tốt. Không còn thời gian để chờ đợi khi chúng ta đều chứng kiến thảm họa nhân đạo của người Myanmar”.

Cũng theo Thứ trưởng Sherman, Mỹ tự tin mọi thứ đang tiến triển và tin rằng cộng đồng quốc tế ủng hộ công việc của ASEAN, sẽ nỗ lực cùng các bên để đối thoại với quân đội Myanmar.

Có thể thấy rằng bất kỳ sự chậm trễ nào về tình hình Myanmar đều không có lợi cho các bên. Giữa tuần qua, Reuters dẫn lời Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại – ông Josep Borrell, khẳng định EU đang lên kế hoạch tiếp tục trừng phạt các quan chức quân đội Myanmar. Ông Borrell cũng nhắc lại rằng các nỗ lực “tìm giải pháp chính trị cho Myanmar thuộc về ASEAN”.

NHẬT ĐĂNG
TTO