Miễn dịch cộng đồng: Mục tiêu rượt đuổi
Miễn dịch cộng đồng: Mục tiêu rượt đuổi
Đạt miễn dịch cộng đồng là mục tiêu quan trọng nhất để chấm dứt một đại dịch. Song với COVID-19, mục tiêu này đang liên tục “di động”, phải rượt đuổi vì các biến thể mới liên tục xuất hiện và tâm lý ngại vắc xin gia tăng.
Miễn dịch cộng đồng với chủng virus gốc năm ngoái lẽ ra có thể đạt được. Nhưng chúng ta đang đối mặt với các biến thể khác, những loại sẽ tiếp tục xuất hiện và lây nhiễm trong số những người đã tiêm vắc xin.
Ông Andrew Pollard, trưởng nhóm vắc xin Oxford thuộc khoa nhi ĐH Oxford.
Miễn dịch cộng đồng là khái niệm mô tả trạng thái một tỉ lệ dân số đã có thể miễn dịch với mầm bệnh (hoặc do miễn dịch tự nhiên có được sau khi khỏi bệnh, hoặc nhờ tiêm chủng vắc xin) đạt đến một ngưỡng nhất định đủ để xóa sổ căn bệnh.
Liên tục điều chỉnh
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác biệt về “ngưỡng” này. Theo báo Financial Times, lúc dịch mới bùng, một số nhà khoa học hy vọng ngưỡng đó là 60%. Trong năm ngoái, ông Peter Hale – giám đốc điều hành Quỹ Nghiên cứu vắc xin tại Washington DC – cho rằng các cơ quan y tế Mỹ nhận định một cách không chính thức ngưỡng đó khoảng 75%.
Nhưng rồi, sau khi căn cứ vào thực tế biến thể B.1.1.7 phát hiện lần đầu ở Anh hiện đang lây lan mạnh tại Mỹ, ông Peter Hale điều chỉnh lại ngưỡng để đạt miễn dịch cộng đồng hiện nay là gần 80%.
Trong khi đó, bà Lauren Ancel Meyers, giám đốc Liên minh nghiên cứu mô hình COVID-19 của ĐH Texas, cho rằng để đạt được miễn dịch cộng đồng, tỉ lệ dân số đã được tiêm chủng phải từ 60 – 80%.
“Tôi sẽ không nói là không thể đạt được miễn dịch cộng đồng – bà Lauren Ancel Meyers nói – Nhưng tôi muốn nói rằng miễn dịch cộng đồng sẽ rất khó đạt được trong tương lai gần, tại hầu hết các cộng đồng và tại hầu hết các thành phố của Mỹ cũng như trên toàn thế giới”.
Các ước đoán của giới chuyên gia về ngưỡng tỉ lệ tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng có biên độ khá lớn lvì họ đang bị chi phối bởi hai yếu tố rất khó đoán: virus biến đổi và tâm lý con người.
Cho tới nay, các nhà khoa học không thể biết các biến thể virus mới sẽ còn giúp nó dễ lây lan và nguy hiểm hơn thế nào, cũng như không thể biết bao nhiêu người sẽ chịu đi tiêm vắc xin COVID-19. Dù nhiều nước tặng quà, tiền, học bổng để dân đi tiêm vắc xin, nhưng theo thăm dò mới đây của Gallup, có đến 1 tỉ người trên thế giới “ngại” tiêm.
Hãy quên miễn dịch cộng đồng?
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Elpais những ngày cuối tháng 5, ông Andrew Pollard – trưởng nhóm vắc xin Oxford thuộc khoa nhi ĐH Oxford, cũng là người đã phụ trách các thử nghiệm lâm sàng với vắc xin COVID-19 của Hãng AstraZeneca – đã nói: “Chúng ta nên quên đi chuyện miễn dịch cộng đồng. Đó là một quan niệm sai vì các biến thể virus”.
Ông Pollard cho rằng không giống như châu Âu, tại nhiều nơi trên thế giới cuộc chiến chống virus corona chỉ vừa mới bắt đầu. Theo ông, không nên bàn về miễn dịch cộng đồng nữa vì các biến thể virus mới – vốn thường xuyên xuất hiện – sẽ khiến mục tiêu đó không thể đạt được.
Cũng theo ông Pollard, việc mọi người chỉ tập trung lo lắng về biến thể tìm thấy ở Ấn Độ cũng là điều không hợp lý. “Vì nó chỉ là một trong nhiều biến thể sẽ xuất hiện trong các tháng tiếp theo”, ông nói.
Nhà khoa học này tin rằng trong tương lai, các chủng biến thể mới của SARS-CoV-2 sẽ tìm ra những cách thức lây nhiễm và gây ra những ca bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không triệu chứng.
Lại có những nhà khoa học có quan điểm cho rằng nên nhìn nhận miễn dịch cộng đồng như một quá trình tích lũy thay vì một “vạch đích” cần phải vượt qua.
Ông John Edmuns, giáo sư tại Trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London, cho rằng đó không phải là “cái công tắc tắt – mở”. “Mức độ miễn dịch trong dân số càng cao thì nó càng làm cho virus lây lan chậm lại”, ông nói.
Tóm lại, dù ngưỡng miễn dịch cộng đồng có đạt được hay không, tăng cường tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vẫn là cách tốt nhất để tiến tới mục tiêu kết thúc dịch bệnh, đồng thời hạn chế lây nhiễm và tử vong do dịch bệnh.
Nhiều nước khổ sở với biến thể Delta
Theo trang New Scientist, tại Vương quốc Anh, số ca mắc biến thể Delta (hay B.1.617.2) – biến thể virus corona đầu tiên tìm thấy tại Ấn Độ – đang tăng lên chóng mặt, đe dọa kế hoạch gỡ bỏ những hạn chế phòng dịch dự kiến cuối tháng này.
Theo Đài BBC, tính tới ngày 31-5, Anh đã ghi nhận gần 8.000 ca mắc biến thể Delta, trong khi ở Scotland là hơn 1.000 ca, xứ Wales là 82 ca và Bắc Ireland là 19 ca.
Theo trang Nymag, cho tới nay biến thể Delta đã lây lan tới hơn 60 quốc gia, trong đó có Việt Nam.