TP.HCM quyết liệt ngăn dịch vào khu công nghiệp
TP.HCM quyết liệt ngăn dịch vào khu công nghiệp
Chỉ trong 5 ngày, TP.HCM đã có đến 200 ca dương tính Covid-19 liên quan Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (Q.Gò Vấp). Đáng lưu ý, dịch đã tấn công vào các doanh nghiệp, khu công nghiệp…
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, sáng 1.6, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM.
Lây nhiễm theo cấp số nhân
Báo cáo tại cuộc làm việc, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết ổ dịch liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (hẻm 415 Nguyễn Văn Công, P.3, Q.Gò Vấp) từ 27 – 31.5 đã là 200 ca. Địa phương có số ca bệnh nhiều nhất (tính đến cuối ngày 31.5) là Q.Gò Vấp (52 ca), Q.12 (23 ca), Q.Bình Thạnh (22 ca), Q.Tân Phú (22 ca), Q.Tân Bình (22 ca)… TP đã truy vết, xác định được 3.028 trường hợp F1, 15.206 trường hợp F2, xét nghiệm mở rộng đến 181.000 mẫu, nhất là các phường có ca bệnh nhiều. Kết quả giải trình tự gien SARS-CoV-2 của 5 người bệnh đầu tiên trong ổ dịch liên quan Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đều thuộc biến chủng Ấn Độ B.1.617.2.
|
Hiện toàn TP có 20/22 quận, huyện có ca bệnh, trừ Q.11 và H.Cần Giờ. Các quận này thuộc nhóm địa phương có mật độ dân số cao của TP.HCM, là yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định đợt bùng phát dịch liên quan Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng tại TP.HCM đã trải qua 4 – 5 chu kỳ lây nhiễm. Đây là ổ dịch có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát so với các đợt bùng phát từ trước đến nay tại TP.HCM. “Trường hợp đầu tiên có triệu chứng từ ngày 13.5 đến khi được phát hiện đã quá 13, 14 ngày. Trong khi đó, với chủng vi rút này, chu kỳ lây nhiễm rất nhanh, có thể 2 – 3 ngày hoặc sớm hơn. Chúng tôi đánh giá dịch tại TP.HCM có thể 4 – 5 chu kỳ lây nhiễm và việc lây nhiễm này diễn ra theo cấp số nhân, cực kỳ nguy hiểm”, Bộ trưởng Y tế nhận định.
Dịch đã vào KCN
GS-TS Bỉnh thông tin thêm, Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng có 55 người trực tiếp sinh hoạt, đến nay đã có 40 người mắc Covid-19, từ đó lây lan ra thêm 160 người khác trong cộng đồng dân cư tại TP.HCM thông qua nơi làm việc, tiếp xúc gia đình và bạn bè. Một số ổ dịch là cơ sở lao động, có nhiều ca bệnh phát sinh từ người trực tiếp sinh hoạt trong Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Cụ thể, Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN (số 1 Hoàng Việt, Q.Tân Bình) có 34 ca; Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS (Q.Tân Phú) 9 ca; Trường mầm non Kid Town (44 Dương Thị Giang, P.Tân Thới Nhất, Q.12) 6 ca; Tòa nhà 30 Đặng Văn Ngữ (Q.Phú Nhuận) 4 ca; Công ty Concentric (Công viên phần mềm Quang Trung) 4 ca; Cửa hàng cà phê Trung Nguyên Legend (104 Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình) và trụ sở tại Bùi Thị Xuân (Q.1) 5 ca (3 người cùng làm tại cửa hàng và 2 người tại trụ sở); tòa nhà công ty trên đường Nguyễn Du (Q.1)
2 ca. GS-TS Bỉnh nhận định ngoài sự lây nhiễm từ sinh hoạt tại điểm nhóm truyền giáo thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm. Dự báo trong những ngày tới, số ca F0 chuyển từ F1 đang cách ly có thể lên 500 ca.
Đáng lưu ý, TP.HCM cũng đã ghi nhận 3 ca bệnh là người làm việc trong các khu công nghiệp (KCN): Tân Bình, Tây Bắc Củ Chi và Vĩnh Lộc – Hóc Môn. Tối 30.5 có 1 ca được phát hiện dương tính tại Long An, nhưng là nhân viên làm việc ở Công ty Coats Phong Phú (P.Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức) có 1.082 người lao động. Hiện TP.HCM đã xác định F1 là 146 người để cách ly tập trung và xét nghiệm. Số công nhân viên còn lại sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát.
|
“Ngoài ra có một số người sinh hoạt theo điểm nhóm truyền giáo này cũng làm việc tại các công ty trong KCN. Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào KCN hoặc ngược lại thông qua người lao động. Môi trường làm việc và sinh hoạt tập thể tập trung rất đông người trong các KCN là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan nhanh và mạnh ra cộng đồng”, GS-TS Bỉnh nhận định, đồng thời cảnh báo dịch còn lây lan đến các tỉnh thành lân cận qua sinh hoạt, giao lưu và làm việc…
Chuẩn bị ứng phó mọi tình huống
Trong buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM thường xuyên kiểm tra, giám sát các KCX-KCN. TP.HCM sẽ lấy mẫu xét nghiệm công nhân của các KCX-KCN, khu công nghệ cao với 280.000 công nhân, 3.000 chuyên gia. Tổng tất cả công nhân trong và ngoài KCX-KCN, khu công nghệ cao tại TP.HCM là 1,6 triệu người, từng bước TP.HCM sẽ quyết tâm lấy mẫu xét nghiệm diện rộng toàn TP.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho hay TP.HCM đã giao chủ tịch UBND quận/huyện và Ban quản lý (BQL) các KCX-KCN ký cam kết với chủ doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch đối với từng doanh nghiệp. Nếu có nguy cơ cao theo điểm của bảng tiêu chí thì sẽ dừng hoạt động; những doanh nghiệp bên ngoài, chính quyền phải ký cam kết với doanh nghiệp, vi phạm phải chịu trách nhiệm…
TP.HCM muốn mua vắc xin Covid-19
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, TP.HCM có 7,2 triệu người trên 18 tuổi, nhu cầu tiêm vắc xin Covid-19 rất lớn nhưng nguồn cung không đủ (chỉ 1,2 triệu người thuộc diện ưu tiên theo quy định của Nghị quyết 21). Vì vậy, TP.HCM xin Chính phủ cơ chế, Bộ Y tế quyết định vấn đề nhập vắc xin, TP.HCM sẽ chủ động nguồn và phương thức thanh toán. “Bây giờ các biện pháp 5K cũng chưa đủ mà phải cộng với vắc xin mới giải quyết được tình hình”, ông Phong nói.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng TP.HCM nên chủ động huy động nguồn lực, xã hội hóa vận động quỹ vắc xin cho TP.HCM. Ông cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét đề xuất các cơ chế để TP.HCM có thể vận động các nguồn lực xã hội, nguồn lực của các doanh nghiệp để tìm nguồn mua vắc xin dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của ngành y tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong thời gian tới, TP.HCM có thể xuất hiện ổ dịch không rõ nguồn lây. “TP.HCM cần xác định sự nguy hiểm tại ổ dịch này và có biện pháp quyết liệt. Chúng tôi cho rằng sắp tới, TP.HCM sẽ xuất hiện thêm nhiều ca bệnh chứ không dừng lại con số 200 như Bộ Y tế công bố. Nguyên nhân là sự lây nhiễm lan rộng tại các tòa nhà văn phòng, KCN”, Bộ trưởng Y tế nhận định và cảnh báo: “Với tòa nhà, trường học, hàng quán… chúng ta có thể thực hiện ngay việc giãn cách nhưng KCN thì không. Đây là môi trường khép kín. Chúng tôi cho rằng TP.HCM đã rất sáng suốt khi đưa ra quyết định giãn cách xã hội nhưng cần tập trung cao độ, nghiêm ngặt, đề phòng lây nhiễm trong KCN”.
Tại cuộc làm việc, đại diện Văn phòng Chính phủ cũng cho biết Bắc Ninh, Bắc Giang khá lúng túng khi dịch xảy ra trong KCN. Do đó, đề nghị Bộ Y tế cần xem xét rút kinh nghiệm từ các tỉnh này về những việc làm tốt và những vấn đề cần tránh để chia sẻ với các địa phương có KCN.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết qua kiểm tra một số KCN và khu cách ly tại ký túc xá, TP.HCM đã ban hành khá đầy đủ bộ tiêu chí quản lý an toàn, phòng chống dịch bệnh. Dù vậy, TP cần rà soát bổ sung bộ tiêu chí cho đầy đủ hơn và quan trọng là triển khai thực hiện bộ tiêu chí tại cơ sở. “Trong điều kiện dịch bệnh thì cần tăng cường kiểm tra, giám sát hơn. Phải góp ý phòng dịch ở khu vệ sinh, ăn uống, sản xuất, các sinh hoạt cần có vách ngăn, tấm chắn… Nếu sơ hở là có khả năng lây lan. Kiểm tra, giám sát và triển khai thành kế hoạch, hành động. Đồng thời nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra phát sinh dịch bệnh”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Đối với khu cách ly ký túc xá, Phó thủ tướng lưu ý có những phòng 4 – 5 người là không đảm bảo. “Phòng cách ly phải đảm bảo 2 người/phòng, có vách ngăn. Nếu cần thì đề nghị doanh trại, quân đội sẵn hàng hỗ trợ nơi cách ly. TP phải có tiêu chí đảm bảo khu cách ly, không để xảy ra lây nhiễm trong khu cách ly”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý ngành y tế cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi có hàng chục ngàn ca nhiễm, không để bị động trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Thần tốc phong tỏa khi phát hiện ca nghi nhiễm
Chiều 28.5, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa, cách ly y tế Công ty cổ phần thiết bị nhà bếp VINA thuộc KCN Tân Bình do có ca nhiễm Covid-19. Trước đó, 1 gia đình gồm ba, mẹ và con gái, cư trú tại P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú đến khám tại Bệnh viện Q.Tân Phú và được xác định nhiễm Covid-19. Qua truy vết, biết được người vợ làm tại căn tin phát đồ ăn thuộc Công ty cổ phần thiết bị nhà bếp VINA từ ngày 16 – 26.5. Ngay trong đêm phong tỏa, lực lượng y tế thực hiện mở rộng lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân viên tại đây là 700 mẫu theo hình thức mẫu gộp 5 (mỗi nhóm 5 mẫu).
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên chiều 1.6, đa số các xe vận chuyển, xuất nhập hàng hóa trong KCN Tân Bình vẫn lưu thông bình thường. Tại khu vực của công ty trên hiện vẫn đang treo biển báo khu vực cách ly, người bên trong không được ra ngoài. Đồng thời, các xe đến xuất nhập hàng chỉ được đậu trước cổng, sau đó, nhân viên công ty sẽ thực hiện công tác khử khuẩn, kiểm kê, phân loại.
Trong đêm 31.5, một kho hàng của Công ty cổ phần Tiki thuộc KCN Vĩnh Lộc (thuộc địa phận xã Bà Điểm, H.Hóc Môn) phải phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19 là nhân viên phân phối hàng hóa cho người giao hàng vận chuyển. Nhân viên này được phát hiện nhiễm qua đợt triển khai lấy mẫu rộng tầm soát toàn bộ người dân cư trú tại P.15, Q.Gò Vấp. Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, có 25 người tiếp xúc gần nhân viên trên và được đưa cách ly, xét nghiệm; đồng thời 150 người được cách ly ngay tại kho hàng trên. Đến tối 1.6, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết địa điểm này đã được gỡ phong tỏa, 150 người trong kho hàng trên phải thực hiện cách ly tại nhà theo quy định.
Tối 1.6, Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động làm việc tại đây với số lượng khoảng 45.000 người.
Phạm Thu Ngân – Sỹ Đông
DUY TÍNH – PHAN THƯƠNG
TNO