22/12/2024

GDP tăng, vì sao thu nhập của dân giảm?

GDP tăng, vì sao thu nhập của dân giảm?

Việc Tổng cục Thống kê công bố Bình Dương có thu nhập bình quân cao nhất cả nước đặt ra nhiều vấn đề và bài học, trong đó có chuyện thu nhập chung giảm nhưng có địa phương tăng. Các chuyên gia tham gia giải đáp câu chuyện này.

 

GDP tăng, vì sao thu nhập của dân giảm? - Ảnh 1.

Anh Ruel Chavez Tulagan (bìa trái, quốc tịch Philippines) chọn kinh doanh ở Bình Dương vì thuận lợi, có thu nhập tốt – Ảnh: BÁ SƠN

Một nghịch lý trong năm 2020, theo nhiều chuyên gia kinh tế, là tăng trưởng GDP của cả nước đạt 2,91% nhưng thu nhập dân cư giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Vì sao thu nhập chung giảm?

Theo giải thích của ông Nguyễn Thế Quân, phó vụ trưởng Vụ Xã hội – môi trường (Tổng cục Thống kê) – người trực tiếp thực hiện cuộc điều tra khảo sát mức sống dân cư năm 2020, nghịch lý này là do phương pháp tính GDP khác với phương pháp tính thu nhập của người dân.

Trong khi tính toán thu nhập người dân phải trừ đi thuế, phí, khấu hao thì khi tính toán GDP lại cộng gộp cả thuế, phí và khấu hao tài sản. Sự khác biệt nằm ở chỗ một cái cộng vào, một cái trừ đi. Trong năm 2020, thu nhập của người dân chỉ chiếm 78,7% quy mô GDP cả nước, phần còn lại của GDP nằm ở thuế, phí và khấu hao tài sản.

Một chuyên gia về thống kê cũng khẳng định không thể đánh đồng giữa GDP bình quân đầu người và thu nhập của dân cư.

Theo vị này, Việt Nam cơ bản chỉ tính GDP theo phương pháp sản xuất rồi phân bổ cho các nhân tố của sử dụng cuối cùng như tiêu dùng của hộ gia đình, tiêu dùng Chính phủ, tích lũy gộp tài sản (bao gồm khấu hao tài sản cố định) và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Hơn nữa, một phần tăng trưởng GDP đang nằm ở xuất khẩu của khu vực FDI, trong khi lợi nhuận của khu vực này được chuyển ra nước ngoài nên không có ý nghĩa trong cải thiện thu nhập dân cư.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 giảm khoảng 2% (giảm 71.500 đồng/tháng) so với năm 2019 (đạt 4,2945 triệu đồng/tháng).

Nguyên nhân chủ yếu, theo ông Nguyễn Thế Quân, là do dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị gián đoạn bởi dịch bệnh, số người mất việc làm và mất khoản thu nhập chính tăng tại nhiều nơi.

Thu nhập của người dân nhiều tỉnh thành năm 2020 giảm so với năm 2019, điển hình như Hà Nội giảm 420.000 đồng/tháng, TP.HCM giảm 220.000 đồng/tháng, ngay Bình Dương cũng giảm 410.000 đồng/tháng…

Trong khi nhiều tỉnh thành vùng sâu, vùng xa lại cải thiện, trong đó Điện Biên tăng 150.000 đồng/tháng, Sơn La tăng khoảng 140.000 đồng/tháng…

Cẩn thận khoảng cách giàu nghèo

Kết quả khảo sát mức sống năm 2020 của Tổng cục Thống kê ghi nhận: nhóm 20% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân 9,1 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm 20% dân số nghèo nhất có thu nhập 1,13 triệu đồng/tháng; nhóm người giàu có thu nhập bình quân hằng tháng gấp 8 lần nhóm người nghèo.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam, cho rằng số liệu tổng điều tra của Tổng cục Thống kê công bố là đáng tin cậy nhất vì được tiến hành bài bản, liên tục nhiều năm.

Ông nhấn mạnh: Thu nhập dân cư không phải bình quân đầu người GDP cả nước hay GRDP của các địa phương (bao gồm cả các thành tố khác như thuế, thậm chí cả lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chuyển về nước)…

Theo chuyên gia kinh tế – TS Ngô Trí Long, thu nhập bình quân chỉ là một chỉ tiêu phản ánh mức sống người dân các tỉnh, thành phố. Đây là mức thu nhập bình quân chia đều cho tất cả các nhóm người già, người trẻ, người trong độ tuổi lao động. Còn lương của người lao động có thể sẽ cao hơn, nhưng khi chia đều sẽ thấp hơn.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Quang Đồng – viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, qua chỉ số thống kê vừa công bố, rõ ràng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội đang rất lớn.

Thu nhập nhóm giàu nhất gấp 8 lần nhóm nghèo nhất, điều này có thể làm bất bình đẳng xã hội gia tăng. Cần giải quyết bài toán chênh lệch thu nhập giữa các nhóm khác nhau để giải quyết bài toán bất bình đẳng trong xã hội.

Thành quả tăng trưởng kinh tế cần gắn với công bằng xã hội để tạo ra một tầng lớp trung lưu mới. Giới siêu giàu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM nhiều hơn ở một tỉnh như Bình Dương, trong khi thu nhập bình quân người dân Bình Dương lại cao hơn; theo ông Đồng, điều đó phản ánh khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tại Hà Nội và TP.HCM lớn hơn rất nhiều so với Bình Dương.

GDP tăng, vì sao thu nhập của dân giảm? - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Bài học cải thiện thu nhập

Ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh việc Bình Dương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước năm 2020, vượt Hà Nội và TP.HCM, là bình thường. Bởi vì tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh này rất cao; phần lớn lao động làm việc trong khu vực chính thức, trong các nhà máy, lực lượng lao động kỹ thuật cao cũng vượt trội.

Theo một lãnh đạo Tổng cục Thống kê, để cải thiện nhanh chóng thu nhập của người dân, các địa phương cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế dựa trên lợi thế của từng địa phương. Bên cạnh đó, việc tăng thu nhập cho đa số dân cư cũng phụ thuộc nhiều vào mức độ thu hút vốn đầu tư vào sản xuất của các tỉnh thành.

Những năm qua, nhiều tỉnh thành như Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên… đã thành công trong cải thiện thu nhập của dân cư thông qua kênh thu hút đầu tư. Đáng lưu ý nhất là Hưng Yên – từ một tỉnh nghèo, đến năm 2020 đã nâng mức thu nhập của dân cư lên mức 4,04 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, địa phương nào thu hút được nhiều lao động chất lượng cao, có trình độ, làm trong ngành tạo ra giá trị lớn, tiền lương sẽ cao hơn, sẽ nhanh chóng cải thiện thu nhập của dân cư.

Thực tế của các địa phương trên cả nước cũng chỉ ra rằng ngoại trừ các thành phố trực thuộc trung ương có nền tảng thu nhập cao sẵn, hoặc các địa phương có thế mạnh làm nông nghiệp công nghệ cao như Lâm Đồng, thì địa phương nào có tốc độ công nghiệp hóa cao sẽ cải thiện thu nhập người dân nhanh hơn.

GS Nguyễn Quang Thái lưu ý đánh giá Bình Dương cao không có nghĩa là các địa phương khác “kém” nhiều. Chẳng hạn, TP.HCM có mức thu nhập thấp hơn một chút nhưng TP.HCM khi tính bình quân còn tính cả các huyện Cần Giờ, Củ Chi. Không ai có thể phủ nhận TP.HCM vẫn là đầu tàu lớn nhất cả nước.

Nhưng bài học tăng thu nhập cho dân ở Bình Dương khá rõ ràng. Theo ông Thái, chỉ tiêu thống kê thu nhập bình quân vừa công bố cho thấy do quản trị kinh tế tốt, có truyền thống từ nhiều năm, trên một không gian không lớn, sản xuất tập trung vào các hàng hóa dịch vụ chất lượng cao, nên Bình Dương đã đạt nhiều thành tựu đáng biểu dương. Điều này đã được các điều tra khác xác nhận và nhiều chuyên gia quốc tế thừa nhận.

TS Huỳnh Thế Du (Trường ĐH Fulbright VN):

TP.HCM đối diện nhiều thách thức

Hiện nay, TP.HCM đang đối diện với nhiều điều bất lợi trong việc tăng tốc nền kinh tế cũng như nâng cao thu nhập của người dân. Trong bối cảnh dân số TP ngày một tăng, muốn TP tiếp tục phát triển cần phải có nền tảng cơ sở hạ tầng và sự chuẩn bị tốt.

Hiện năng lực cạnh tranh của TP vẫn chưa cải thiện, so với đô thị khác trong khu vực thì TP.HCM đã bị bỏ lại khoảng cách xa.

Các địa phương trong nước đang tiến gần đến mức phát triển của TP.HCM. Bản chất của một đô thị đó là năng suất, khả năng sáng tạo và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, song TP.HCM vì không phát huy được những yếu tố đó nên đã dẫn đến những tồn tại như hiện nay.

Trong hai thập niên qua, TP dường như không có những ý tưởng mới mang tính đột phá cho quốc gia, nội tại của TP còn quá nhiều vấn đề cần cải thiện như về tính tiên phong, tính sáng tạo cũng như tinh thần đổi mới…

Để cải thiện sự phát triển TP và nâng cao thu nhập người dân nói riêng, TP.HCM phải giải quyết những vấn đề nội tại, thu hút người tài, người giàu, doanh nghiệp lớn đến TP, để họ tạo ra giá trị cho nền kinh tế. Đừng để những người giỏi, người giàu phải ra nước ngoài sinh sống, làm việc.

NGỌC HIỂN ghi

BẢO NGỌC
TTO