19/11/2024

EU muốn ‘quên nhanh’ COVID-19

EU muốn ‘quên nhanh’ COVID-19

Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng khởi động kế hoạch hồi phục hậu COVID-19 vào tháng 6 năm nay sau khi toàn bộ 27 nước thành viên thông qua kế hoạch mới: Next Generation EU.

 

EU muốn quên nhanh COVID-19 - Ảnh 1.

Một khu phố mua sắm sầm uất tại thủ đô Paris, Pháp, hôm 20-3-2021 – Ảnh: Reuters

Thông tin trên được Thủ tướng Bồ Đào Nha, ông Antonio Costa – chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu – công bố ngày 31-5. Ủy ban châu Âu lúc này đã có thể đại diện các nước thành viên tiếp cận thị trường vốn để có nguồn ngân sách chi trả cho kế hoạch hồi phục nhiều tham vọng.

Gói hỗ trợ 750 tỉ euro

Next Generation EU được soạn từ tháng 7-2020 và có trị giá lên đến 750 tỉ euro (910 tỉ USD) song kế hoạch này chỉ vừa được 27 nước thành viên đồng thuận, cho phép Ủy ban châu Âu đứng ra vay tiền trên danh nghĩa của khối.

“Chính phủ và quốc hội của 27 nước thành viên EU đã cho thấy tinh thần đoàn kết và trách nhiệm mạnh mẽ. Chúng ta không nên lãng phí thêm thời gian. Chúng ta phải đảm bảo phê duyệt nhanh chóng gói hồi phục đầu tiên và các kế hoạch liên quan vào cuối tháng 6” – ông Costa nhấn mạnh.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Pháp – ông Clement Beaune – ngày 1-6 cho biết EU sẽ chi hơn 100 tỉ euro (khoảng 122 tỉ USD) để phục hồi kinh tế của khối trong năm nay.

Theo ông Beaune, Ủy ban châu Âu sẽ bắt đầu quy trình phát hành trái phiếu từ ngày 1-6 bằng cách kêu gọi các ngân hàng lớn của quốc tế và châu Âu tham gia. Sau đó, trái phiếu của EU sẽ được tung ra trong cùng tháng và EU sẽ bắt đầu chi số tiền thu được trong đợt phát hành trái phiếu này từ tháng 7-2021.

Thông tin trên trang chính thức của Ủy ban châu Âu cho biết gói hỗ trợ 750 tỉ euro sẽ giúp các nước EU khôi phục kinh tế và giải quyết những tác động xã hội từ đại dịch COVID-19.

Trong đó, EU sẽ chi 312,5 tỉ euro hỗ trợ và thêm các khoản vay với tổng trị giá 360 tỉ euro cho đầu tư công và các cải cách thiết yếu khác theo kế hoạch từng nước.

Tây Ban Nha và Ý, hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19, được xem là những nước hưởng lợi chính từ gói hỗ trợ mới. Mỗi nước sẽ nhận gần 70 tỉ USD từ gói này.

Theo Hãng tin AFP, Next Generation EU cũng tập trung củng cố cơ sở hạ tầng và các dự án môi trường tại châu Âu như phát triển hệ thống trạm sạc cho ôtô chạy điện. Ngoài ra, quỹ này cũng sẽ trích một phần để cải thiện hệ thống viễn thông tốc độ cao và các cơ sở lưu trữ dữ liệu của châu Âu.

Động lực quan trọng

Giới quan sát toàn cầu kỳ vọng nhiều hơn vào gói hỗ trợ mới của EU kể từ sau bước ngoặt quan trọng hồi cuối tháng 4 – khi ba nền kinh tế lớn nhất của khối là Đức, Pháp và Ý cùng công bố kế hoạch phục hồi kinh tế.

Thời điểm đó, báo Financial Times dẫn nhận định của bà Laurence Boone – nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) – cho rằng gói phục hồi kinh tế mới sẽ “giúp các nước như Ý và Tây Ban Nha có được kế hoạch đầu tư mạnh mẽ”. “Tôi không chắc điều này sẽ khả thi nếu không có kế hoạch hỗ trợ của EU” – báo Financial Times trích lời bà.

Trong bài phỏng vấn với Hãng tin Bloomberg công bố hôm 31-5, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý Ignazio Visco nhận định việc phát hành trái phiếu chung sẽ giúp EU tránh được những cú sốc không đều giữa các thành viên, đồng thời hỗ trợ chính sách tiền tệ của từng nước trong khối.

“Một gói chi tiêu chung, kèm theo những sửa đổi trong các quy định tài chính công, nên được lập ra dựa trên khả năng phát hành nợ chung và được đảm bảo bởi các dòng vốn tự chủ” – ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị thống đốc ngân hàng trên còn cho rằng cách này có thể biến euro trở thành một đồng tiền quốc tế thực thụ. Ông Visco là thành viên hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Sau khi Next Generation EU chính thức được thông qua, Hãng tin AFP nhận định đây sẽ là lần đầu tiên EU tạo ra nhóm nợ chung, được chia sẻ giữa các thành viên khối. Phương pháp này sẽ giúp các nền kinh tế yếu hơn trong khối giảm chi phí vay.

Sản xuất trong eurozone tăng mạnh

Theo khảo sát của Hãng tài chính IHS Markit ngày 1-6, hoạt động sản xuất trong khối đồng tiền chung euro (eurozone) đã tăng trưởng kỷ lục trong tháng 5.

Cụ thể, IHS Markit ghi nhận chỉ số quản lý thu mua (PMI) tại khu vực này đã tăng từ 62,9 trong tháng 4-2021 lên 63,1 trong tháng 5-2021. Đây là mức PMI cao nhất kể từ khi IHS Markit bắt đầu khảo sát từ tháng 6-1997.

Theo Hãng tin Reuters, số liệu trên cho thấy sản xuất trong eurozone có thể đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn nếu không gặp khó khăn về nguồn cung như hiện nay. Hoạt động sản xuất tại đây vẫn diễn ra bình thường và phần lớn các nước khối này đang dần nới lỏng các hạn chế phòng dịch bệnh.

NGUYÊN HẠNH
TTO