23/01/2025

Có cần quỹ bình ổn giá thép ?

Có cần quỹ bình ổn giá thép ?

Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng ý tưởng thành lập Quỹ bình ổn giá thép của lãnh đạo Bộ Công thương là không khả thi và không hợp lý.
Giá thép tăng phi mã khiến câu chuyện của ngành thép được đặc biệt chú ý trong thời gian gần đây /// CHÍ HIẾU
Giá thép tăng phi mã khiến câu chuyện của ngành thép được đặc biệt chú ý trong thời gian gần đây CHÍ HIẾU

Ngược xu thế

Giữa tuần qua, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép sau khi Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao bộ này nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, có giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước.
Kết luận cuộc họp, nhiều giải pháp đã được tư lệnh ngành công thương đưa ra để thúc đẩy ngành thép phát triển nhưng đáng chú ý là gợi ý của Bộ trưởng về việc nghiên cứu hình thành quỹ bình ổn giá thép, tạo cơ sở để giữ ổn định thị trường thép.
Chủ động chia sẻ với Thanh Niên về vấn đề này, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng điều này là “không phù hợp với nguyên tắc quản lý giá trong nền kinh tế thị trường” bởi thép không phải là mặt hàng do nhà nước quản lý giá. Nhà nước chỉ quản lý giá, định giá trần hoặc giá sàn đối với những mặt hàng có sự độc quyền hoặc có doanh nghiệp chiếm vị trí thống lĩnh, như xăng dầu, điện. Còn thép hiện nay rất nhiều “ông lớn” và có tính cạnh tranh, giá cả hoàn toàn do thị trường.
Theo chuyên gia này, trong trường hợp biến động lớn về giá thép, nếu nhà nước muốn can thiệp thì chỉ có thể dùng các công cụ gián tiếp như thuế, chính sách phòng vệ thương mại, hoặc tăng cường kiểm tra trên thị trường để chống đầu cơ, găm hàng, đẩy giá chứ không thể và không nên dùng công cụ tài chính trực tiếp. “Nếu dùng ngân sách nhà nước là vi phạm, còn nói muốn thành lập quỹ từ nguồn của doanh nghiệp thì thật ra doanh nghiệp nào cũng có dự phòng tài chính để giảm thiểu rủi ro, đề phòng nguyên vật liệu lên cao bằng “kỹ thuật hedging”, tức là các hợp đồng trong tương lai”, ông Long nói thêm.

“3 không”

Đại diện một doanh nghiệp lớn ngành thép cũng cho hay từ năm 2012, khi luật Giá ra đời thì thép đã được đưa ra khỏi danh mục bình ổn giá, nhà nước không còn quản lý giá. “Câu hỏi đặt ra là thép liệu có phải là mặt hàng chiến lược đối với Việt Nam chúng ta? Tôi cho là không vì thép không có gì khan hiếm, hoặc ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng hay an ninh năng lượng. Giá thép hiện nay hoàn toàn thị trường, giá tăng cao là do cung cầu và đang có dấu hiệu đi xuống. Chính trong một trả lời báo chí mới đây, đại diện Bộ Công thương cũng thừa nhận điều này cũng như đã bác bỏ khả năng có sự bắt tay để đẩy giá của các doanh nghiệp ngành thép”, vị này cho hay.
Trong khi đó, nói về ý định lập quỹ để nghiên cứu đầu tư vào các phòng thí nghiệm, sản xuất ra những mặt hàng thép đặc biệt thì đại diện Hiệp hội Thép cho biết hiện nay hầu hết doanh nghiệp lớn đều có ngân sách cho nghiên cứu phát triển (R&D) và phải không ngừng có sản phẩm mới, nhất là mặt hàng còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
“Điển hình như thép cuộn cán nóng. Trước đây chúng ta nhập hoàn toàn, nhưng lần lượt Fomorsa, rồi đến Hòa Phát nay đã sản xuất được. Tương tự là thép dự ứng lực như thép thanh và sợi cáp hiện nay cũng đã do doanh nghiệp nội làm ra. Mới đây nhất, Hòa Phát cho biết lần đầu tiên phôi của họ đã đủ tiêu chuẩn để làm đinh vít đại trà, và đã được doanh nghiệp trong nước đặt hàng lô lớn sau liên tục 10 năm đi nhập khẩu”, ông thông tin.
CHÍ HIẾU
TNO