Nhiều chợ ở TP.HCM tấp nập, lo ‘quả bom’ COVID-19
Nhiều chợ ở TP.HCM tấp nập, lo ‘quả bom’ COVID-19
Khách đông đúc khiến nhiều chợ ở TP.HCM tiềm ẩn nguy cơ cao về lây nhiễm dịch COVID-19. Ngược lại, hiện tình hình mua bán tại nhiều siêu thị ổn định nhờ áp dụng các biện pháp mạnh, trong đó có khai báo y tế.
Sáng 1-6, một chợ lẻ không tên trên đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) thu hút khá đông kẻ bán người mua trong không gian nhỏ hẹp, thậm chí nhiều thời điểm khách hàng chen nhau bởi đoạn đường nhỏ hẹp lại bị kẹt xe.
Tương tự, tại chợ tạm trên đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh), dù giáp ranh với vùng dịch là Q.Gò Vấp nhưng chợ vẫn thu hút đông khách hàng. Một số người bán còn không đeo khẩu trang. Theo bà Minh – một người bán tại đây, chợ buổi sáng đông nhưng lượng người cũng chỉ bằng 1/3 buổi chiều, đặc biệt khung giờ từ 17-18h, người dân đi làm về, ghé chợ rất đông.
Đặc thù là chợ đông ngay trên đường, với hai bên vỉa hè có đến hàng trăm người bán, chợ Hiệp Bình (TP Thủ Đức) hằng ngày đều thu hút lượng lớn người dân mua sắm, cảnh mua bán diễn ra nhộn nhịp.
Trong khi đó, tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), nơi được kiểm soát dịch COVID-19 chẳng mấy ai đi chợ, còn khu vực ít kiểm soát thì đông như trẩy hội.
Trong hai khung giờ cao điểm 9-11h và 16-18h, các cung đường quanh chợ luôn bị ùn ứ, kẹt cứng do thu hút cả nghìn lượt người đi chợ. Ngược lại, trong khu vực nhà lồng được ban quản lý chợ cho biết đang kiểm soát dịch COVID-19 thì vắng hoe, nhiều người nghỉ bán.
Theo bà Trúc, một tiểu thương tại đây, hiện chợ có phần còn đông hơn trước khi TP áp dụng quy định giãn cách, bởi nhiều người dân có tâm lý sợ hết hàng, tranh nhau đi chợ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online mới đây, ông Huỳnh Thanh Trường – trưởng ban quản lý chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) – cho biết trong 17 cửa của chợ hiện có 2 cửa đặt trạm kiểm tra y tế, các cửa còn lại được giám soát liên tục. Bên cạnh đó, đơn vị tung lực lượng thanh kiểm tra nhắc nhở đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách…
Tuy vậy, ông Trường thừa nhận các giải pháp trên chủ yếu được áp dụng trong nhà lồng, còn buôn bán phía bên ngoài hiện còn đông đúc chủ yếu do lượng người bán hàng rong nhiều gấp 4-5 lần trong chợ.
Ban quản lý nhiều chợ thừa nhận dù đã tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nhưng việc giãn cách gặp khó do hàng rong, chợ tự phát nhiều, và thói quen đi chợ cùng khung giờ của người dân.
Trong khi đó, bà Vân (Q.Bình Thạnh) cho rằng không phải cái gì cũng mua online nên đi chợ là nhu cầu tất yếu của nhiều người, đặc biệt người lớn tuổi. Do đó, để giảm tình trạng đông đúc, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ cơ quan nhà nước.
“Người dân nên chuyển qua đi chợ vào khung giờ thấp điểm, cơ quan quản lý nghiên cứu chia ca bán đối với tiểu thương, hoặc kiểm soát lượng khách vào chợ bằng các trạm kiểm tra y tế có sẵn hiện nay tại chợ”, bà Vân kiến nghị.
Theo bà Trương Minh Kiều – phó chủ tịch UBND Q.5, quận đã ra văn bản về việc tăng cường phòng chống dịch COVID-19 đến 12 chợ, trong đó có chợ An Đông. Đối với chợ tự phát, bà Kiều thừa nhận việc quản lý, phòng chống dịch khó hơn chợ truyền thống do người bán di chuyển liên tục. Tuy nhiên, quận đã và sẽ làm cương quyết để dẹp tình trạng này.
Trong khi đó, sáng 1-6, tình trạng mua bán tại hầu hết các điểm siêu thị ở TP.HCM đều ổn định, lượng hàng dồi dào, khách chỉ rải rác. Tuy vậy, để đảm bảo phòng chống dịch, nhiều siêu thị đã tăng cường thêm giải pháp mạnh.
Theo ông Nguyễn Anh Đức – tổng giám đốc Saigon Co.op, hiện 100% siêu thị trong hệ thống của đơn vị như Co.opmart, Co.op Food… đều thực hiện việc khống chế lượng khách hàng khi vào mua sắm cùng thời điểm, đứng xếp hàng theo vạch để đảm bảo khoảng cách. Đơn vị áp dụng việc khai báo y tế online và theo mẫu giấy cho khách hàng để lưu thông tin, phòng trường hợp truy tìm khi cần.
Tương tự, các hệ thống khác như Vinmart, Thế giới di động cho biết đang áp dụng đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, và kiểm soát số lượng khách hàng vào bên trong siêu thị để hạn chế tình trạng đông đúc ùn ứ, đảm bảo việc giãn cách.
Nhiều siêu thị cho biết nhờ làm việc sớm với các nguồn cung, và lượng hàng dự trữ nhiều, luân chuyển hàng hóa kịp thời nên dù sức mua tăng mạnh khi TP.HCM thực hiện giãn cách nhưng nguồn hàng tăng cường lên quầy kệ ngay, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm thiết yếu nhiều loại tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Phạt nhiều tiểu thương
Theo ông Huỳnh Thanh Trường, vài ngày qua, ban quản lý chợ Bà Chiểu đã phối hợp lực lượng chức năng xử phạt 2 tiểu thương mỗi trường hợp 1 triệu đồng, và nhắc nhở đình chỉ kinh doanh 3 ngày với nhiều trường hợp khác do vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19.