23/01/2025

Xây dựng ‘khuôn thước’ vừa chống dịch vừa sản xuất

Xây dựng ‘khuôn thước’ vừa chống dịch vừa sản xuất

Một số doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn sản xuất tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang đang gấp rút chuẩn bị những công việc cuối cùng để đón công nhân trở lại làm việc.

 

 

Xây dựng khuôn thước vừa chống dịch vừa sản xuất - Ảnh 1.

Công nhân tại các doanh nghiệp ở Bắc Giang được trang bị thiết bị phòng hộ để phòng chống dịch – Ảnh: Đ.KHANG

Không ít khó khăn sẽ phải đối mặt, nhưng cả chính quyền, doanh nghiệp (DN) và người lao động đều đang nỗ lực tối đa để khởi động lại hoạt động sản xuất trong thời gian sớm nhất.

Ăn ở ngay tại nơi làm việc

Những ngày gần đây, một nhóm công nhân tại Nhà máy giấy Xương Giang (Khu công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng) thuộc Công ty CP Xuất nhập khẩu Bắc Giang luôn tất bật dựng các container để làm khu nhà ở dã chiến cho công nhân. Đây là 1 trong 8 DN được thí điểm sản xuất trở lại vào ngày 29-5, dự kiến sẽ đón khoảng 100 công nhân quay lại làm việc.

Ông Ngô Văn Khanh, chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Bắc Giang, cho biết trước đó DN đã bố trí chỗ ở cho khoảng 200 công nhân, nhưng với việc được mở rộng sản xuất, DN đã mua thêm các container để làm khu nhà tạm cho công nhân ăn ở và làm việc tại chỗ theo yêu cầu của chính quyền.

DN không có ca nhiễm F1 hay F2, chỉ một số công nhân là F3. Tuy nhiên, để đảm bảo chống dịch hiệu quả, 500 công nhân của DN này đều phải xét nghiệm âm tính, sau 2-3 ngày ổn định mới được quay trở lại làm việc, đưa vào nhà xưởng sản xuất.

“Khi được sản xuất trở lại, vấn đề nan giải nhất là lo chỗ ở cho công nhân, vì ăn ở và làm việc tại chỗ. DN đã cố gắng tối đa nhưng không có đủ diện tích xây nhà cho công nhân, nên chúng tôi phải mua thêm container làm nhà ở dã chiến, tuy nhiên cũng chỉ đáp ứng được 2/3” – ông Khanh cho biết.

Theo ông Khanh, dù phải tăng chi phí nhưng nếu dừng sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ bị thiệt hại lớn hơn nên DN cố gắng khắc phục để sớm sản xuất. Dự kiến DN sẽ khôi phục sản xuất được hơn 50% công suất, nhưng việc vận chuyển sản phẩm đến khách hàng lại gặp nhiều khó khăn, nhất là bị yêu cầu kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 với lái xe, thậm chí phải cách ly lái xe.

Chẳng hạn, khi xe vận chuyển hàng đến cho khách ở Thái Nguyên, tài xế bị địa phương này yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính với thời hạn 3 ngày, với chi phí xét nghiệm 700.000 đồng/ca. Trong khi đó, nhiều trường hợp mất 2 ngày mới có kết quả xét nghiệm, chưa kịp chuyển hết chuyến hàng đã hết thời hạn, gây nhiều khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng thông suốt.

Thậm chí, Hải Phòng còn yêu cầu tài xế đến hay đi từ Bắc Giang phải cách ly 21 ngày, khiến các DN vận chuyển container Hải Phòng không dám nhận chở hàng cho vùng dịch.

Sản xuất nhưng phải an toàn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Ngọc, phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, cho hay để chuẩn bị thí điểm cho 8 DN hoạt động trở lại vào ngày 28-5, thời gian qua ban quản lý và chính quyền địa phương đã tổng rà soát, kiểm tra việc đáp ứng yêu cầu phòng dịch của DN.

Đến nay, 237 DN được rà soát cơ bản đều đáp ứng yêu cầu, trong đó 35 DN có mức độ ít lây nhiễm, 44 DN có mức độ trung bình, 152 DN có mức độ lây nhiễm thấp và chỉ có 6 DN có nguy cơ cao.

“Chúng tôi vừa thống nhất triển khai các văn bản hướng dẫn, quy trình để đưa các DN quay trở lại sản xuất. Với tinh thần vừa chống dịch vừa khôi phục sản xuất, nên các ngành y tế, lao động, vận tải đều có các hướng dẫn cụ thể về quy trình, tiêu chí đảm bảo an toàn sản xuất, phòng dịch, lưu trú của công nhân, vận chuyển hàng hóa” – ông Ngọc nói.

Đồng thời cho biết các văn bản này đã được triển khai đến 8 DN thí điểm hoạt động trở lại trong đợt đầu.

Cũng theo ông Ngọc, khó khăn lớn nhất hiện nay của DN là bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt cho công nhân, trong khi đây là tiêu chí bắt buộc để từng bước khôi phục sản xuất vừa đảm bảo an toàn dịch.

Do đó, với những DN đủ yêu cầu, có thể cải tạo nhà xưởng, nhà kho chưa có máy móc hoạt động, bỏ trống, hoặc tận dụng tối đa nhà ăn, văn phòng, hội trường để bố trí sắp xếp nơi ở, sinh hoạt cho công nhân, song vẫn phải đảm bảo đủ điều kiện giãn cách, nên số công nhân quay trở lại làm việc sẽ chỉ ở tỉ lệ rất nhỏ.

Ông Lê Ánh Dương, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho hay sau khi rà soát, cơ quan chức năng sẽ đánh giá DN nào có khả năng đáp ứng yêu cầu bộ tiêu chí về an toàn phòng dịch tại cơ sở sản xuất để hướng dẫn đi vào hoạt động. DN làm việc trở lại sẽ chỉ sản xuất ở công suất phù hợp, bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt cho công nhân, đảm bảo mật độ công nhân vừa phải, không có sự tập trung cao.

“Chúng tôi mong muốn càng nhiều DN quay lại hoạt động sớm càng tốt, nhưng điều này phụ thuộc vào mức độ đáp ứng các yêu cầu phòng dịch của các DN”, ông Dương nói.

Đồng thời cho biết sẽ cử nhân viên y tế vào kiểm soát dịch cùng DN, xây dựng tổ an toàn COVID-19 trong xưởng sản xuất, thiết lập tổng đài điện thoại thường xuyên hỏi han công nhân về tình hình sức khỏe để đưa ra đánh giá mức độ an toàn…

Công nhân muốn sớm trở lại làm việc

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Dũng, chủ tịch công đoàn Công ty Si Flex Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang), cho biết công nhân phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu mới được trở lại làm như cam kết ở lại công ty, phải test RT-PCR hai lần, lần đầu trong ngày đầu đi làm và lần thứ hai vào ba ngày sau…

“Công ty đã xây dựng gấp phòng có sức chứa 300 – 400 người để công nhân ở lại, chưa kể phòng để cách ly và 2.000 bộ xét nghiệm nhanh nhập từ Hàn Quốc nếu phát hiện ca dương tính. Chúng tôi đang gửi danh sách đến ban quản lý, ngay khi có kết quả sẽ thông báo thời gian cho công nhân đi làm”, ông Dũng cho biết thêm.

Anh Lữ Tuấn Vũ, công nhân kỹ thuật HP, Công ty Si Flex Việt Nam, cho biết sẽ đi làm trở lại từ đầu tháng 6-2021 và sẵn sàng ở lại công ty do chưa vướng bận chuyện gia đình. Anh Nguyễn Thanh Hà, nhân viên kỹ thuật Công ty Si Flex, cũng cho biết muốn đi làm ngay trở lại do hai vợ chồng đều đang nghỉ bởi dịch, trong khi phải nuôi hai con nhỏ.

“Do chính sách công ty đưa ra tốt như hỗ trợ ăn, ngủ, nghỉ tại nơi làm việc nên mình sẵn sàng quay lại làm việc, kể cả tăng ca để hỗ trợ anh em công nhân khác phải cách ly trong tâm dịch”, anh Hà nói.

Chị Thân Thị Thảo, nhân viên phụ trách chất lượng Công ty Sanwa Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Trám, Việt Yên, Bắc Giang), cũng cho biết muốn trở lại làm việc để kiếm tiền nuôi hai con nhỏ ở nhà.

“Khi công ty gửi thông báo kêu trở lại làm việc, mình đồng ý ngay do công ty có mức đãi ngộ rất tốt. Ngoài đồ dùng sinh hoạt, công ty cũng hỗ trợ 5 bữa/ngày (3 bữa chính, 2 bữa phụ), lương thưởng và phụ cấp tăng ca”, chị Thảo cho biết.

HÀ QUÂN

NGỌC AN
TTO