23/01/2025

Vì sao Trung Quốc an toàn giữa ‘bão’ COVID-19?

Vì sao Trung Quốc an toàn giữa ‘bão’ COVID-19?

Tốc độ phản ứng nhanh chóng được xem là chìa khóa để Trung Quốc kiểm soát tốt dịch bệnh ở Vũ Hán và nhiều đợt bùng phát khác rải rác suốt 18 tháng qua.

Vì sao Trung Quốc an toàn giữa bão COVID-19? - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng đợi tiêm vắc xin COVID-19 tại một địa điểm tiêm vắc xin ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 29-5 – Ảnh: REUTERS

Từng đứng đầu thế giới về số ca nhiễm đầu năm 2020, Trung Quốc hiện đang nằm ngoài danh sách 90 quốc gia/vùng lãnh thổ có số ca nhiễm cao nhất. Mỗi đợt dịch mới, tình hình tại Trung Quốc lại nóng lên nhưng nhanh chóng nguội đi nhờ công tác dập dịch mau lẹ.

Phân cấp, phân loại dập dịch

Sau 76 ngày phong tỏa Vũ Hán đầu năm ngoái, nhiều đợt bùng dịch khác cũng đã xuất hiện tại Trung Quốc trong năm qua.

Từ ổ dịch liên quan chợ Tân Phát Địa ở thủ đô Bắc Kinh (tháng 6-2020), đợt phong tỏa lớn ở tỉnh Hà Bắc (tháng 1-2021), vùng dịch tại thành phố biên giới Thụy Lệ của tỉnh Vân Nam (tháng 4-2021), cho tới sự tái xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng ở tỉnh Liêu Ninh và An Huy (tháng 5-2021)… Tuy nhiên, Trung Quốc đều đã xử lý nhanh được những đợt này.

Vào thời điểm hiện tại, tình hình dịch ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông lại đang nóng lên. Thành phố 15 triệu dân đã ghi nhận 20 ca nhiễm mới trong tuần qua. Con số này dù rất nhỏ so với hàng trăm ngàn ca nhiễm mỗi ngày ở Ấn Độ, song nhà chức trách Trung Quốc đã tỏ ra không hề chủ quan.

Vì sao Trung Quốc an toàn giữa bão COVID-19? - Ảnh 2.

Một khu vực bị chặn lại trên đường Bạch Hạc Động ở quận Lệ Loan, thành phố Quảng Châu ngày 29-5, khi người dân được yêu cầu ở lại trong nhà chống dịch – Ảnh: Tân Hoa xã

Theo thông báo ngày 29-5 của Cơ quan chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 của thành phố Quảng Châu, họ sẽ khởi động phương án “phân loại, phân cấp” để chống dịch tùy vào tình hình cụ thể.

Theo đó, một số khu vực của quận Lệ Loan sẽ được đưa vào diện kiểm soát nghiêm nhất, gồm đường Hải Long, đường Bạch Hạc Động, đường Trung Nam, đường Đông Giác, đường Xung Khẩu.

Mọi người dân trong năm khu này đều phải ở nhà và dừng mọi hoạt động không cần thiết. Hằng ngày, mỗi hộ chỉ được cử một người ra ngoài mua nhu yếu phẩm.

Tất cả địa điểm giải trí, nhà trẻ… đóng cửa, các trường học tạm dừng học trực tiếp trong khi việc xét nghiệm triển khai đến từng nhà. Khoảng 700.000 người tại Quảng Châu đã được xét nghiệm tính tới ngày 26-5.

Ở các khu vực khác của quận Lệ Loan cùng một số đường thuộc các quận khác của thành phố Quảng Châu, người dân được yêu cầu hạn chế ra ngoài, không tụ tập đông người.

Tham vọng, nhanh, mạnh

Giai đoạn đầu, khi chưa có vắc xin COVID-19, Trung Quốc đã dựa vào các “biện pháp can thiệp phi dược phẩm” để xử lý đại dịch.

Đầu tiên và trước hết chính là kiềm chế virus thông qua kiểm soát nguồn lây và ngăn chặn lây lan, chặt đứt chuỗi lây nhiễm.

“Tốc độ phản ứng của Trung Quốc là yếu tố quyết định” – ông Gregory Poland, giám đốc nhóm nghiên cứu vắc xin thuộc Trung tâm y tế Mayo Clinic (Mỹ), đánh giá trong một bài viết đăng trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet.

Ông nhắc lại: “Trung Quốc hành động rất nhanh để ngăn dịch lây lan. Còn với các nước khác, dù có thời gian dài hơn để chuẩn bị trước khi đại dịch xâm nhập, họ đã chần chừ trong phản ứng và điều đó đồng nghĩa với việc họ mất khả năng kiểm soát”.

Ngoài ra, theo bà Elanah Uretsky – nhà nhân học y tế tại Đại học Brandeis (Mỹ), sau dịch SARS (2002-2003) Chính phủ Trung Quốc đã cải thiện công tác đào tạo chuyên gia y tế công và thiết lập một trong những hệ thống giám sát dịch bệnh tân tiến nhất thế giới.

Trong báo cáo do nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố sau chuyến đi tới Trung Quốc hồi tháng 2, họ đã nêu cách Trung Quốc phản ứng với đại dịch: “Đối mặt với loại virus chưa từng được biết tới, có lẽ Trung Quốc đã triển khai nỗ lực kiềm chế dịch bệnh nhiều tham vọng, nhanh nhẹn và mạnh bạo nhất trong lịch sử”.

Trong bối cảnh đã có vắc xin, Trung Quốc vừa phát triển kinh tế, mở lại trường học, đưa cuộc sống trở lại bình thường tại những nơi hết dịch, vừa nỗ lực xử lý các chuỗi lây nhiễm COVID-19 ở những nơi còn dịch.

Dù số ca nhiễm đã giảm, nhiều tỉnh thành Trung Quốc vẫn đẩy mạnh đầu tư về giường bệnh và năng lực y tế công. Giờ đây nước này đang tăng cường triển khai tiêm vắc xin COVID-19, với tổng cộng 584 triệu liều đã được phân phối trên toàn quốc tính tới ngày 28-5.

Mỹ đứng đầu, Trung Quốc thứ 98

Ngày 29-5, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết có 16 ca nhiễm mới được ghi nhận ở Trung Quốc đại lục trong 24 giờ, trong đó có 14 ca “nhập khẩu” và 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở tỉnh Quảng Đông.

Tính đến ngày 29-5, Trung Quốc công bố đã ghi nhận tổng cộng 91.061 ca nhiễm và 4.636 ca tử vong vì COVID-19. Theo trang Worldometers, Trung Quốc đứng thứ 98 về số ca nhiễm trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ, đứng đầu hiện vẫn là Mỹ với 34 triệu ca.

BẢO ANH
TTO