23/12/2024

Vì sao các nhà khoa học lo lắng về khả năng mầm bệnh rò rỉ từ phòng thí nghiệm?

Vì sao các nhà khoa học lo lắng về khả năng mầm bệnh rò rỉ từ phòng thí nghiệm?

Tin đồn cho rằng có sự liên quan giữa virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) với Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc, khiến dư luận chú ý đến hoạt động của các phòng thí nghiệm sinh học hàng đầu thế giới.

 

Vì sao các nhà khoa học lo lắng về khả năng mầm bệnh rò rỉ từ phòng thí nghiệm? - Ảnh 1.

Hình ảnh 3D của virus corona chủng mới SARS-CoV-2 – Ảnh: fda.gov

Có thể có sự cố

Phòng thí nghiệm thuộc Viện Virus học Vũ Hán thuộc nhóm các phòng thí nghiệm an ninh nhất thế giới, được xếp hạng an toàn sinh học cấp độ 4 (BSL4). Nơi này được thiết kế để đảm bảo hoạt động nghiên cứu được an toàn ngay cả với các vi khuẩn và virus nguy hiểm, có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng chưa có cách điều trị hoặc phòng ngừa.

Các phòng sạch ở đây có hệ thống lọc HVAC kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, giới hạn nhiễm khuẩn, áp suất… để virus không thể thoát ra ngoài qua đường không khí. Nước thải được xử lý với hóa chất và nhiệt độ cao không có sinh vật nào sống sót. Nghiên cứu viên được tập huấn kỹ về quy trình an toàn và luôn phải mặc đồ bảo hộ phòng độc.

Trên thế giới, chỉ có 59 cơ sở nghiên cứu tối tân như vậy, Hãng tin AFP dẫn một báo cáo về các phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, theo báo cáo này, chưa có tiêu chuẩn quốc tế ràng buộc nào về an toàn, an ninh và trách nhiệm với các mầm bệnh với các phòng thí nghiệm.

Sự cố ngoài ý muốn có thể xảy ra ngay cả ở những cơ sở cấp cao nhất, và thường xuyên hơn ở hàng ngàn phòng thí nghiệm trang bị kém hơn.

Năm 2001, một nhân viên bị rối loạn tâm thần của một phòng thí nghiệm sinh học ở Mỹ đã gửi các bào tử bệnh than đi khắp nước, khiến 5 người thiệt mạng. Hai nhà nghiên cứu Trung Quốc tiếp xúc với bệnh SARS năm 2004 đã lây bệnh cho nhiều người khác, làm một người chết.

Lynn Klotz, nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát và không phổ biến vũ khí, đã cảnh báo về đe dọa từ các phòng thí nghiệm sinh học trong nhiều năm. Theo ông, “sai sót do con người chiếm hơn 70% các lỗi trong các phòng thí nghiệm”.

Nghiên cứu tăng chức năng

Có bất đồng giữa chính quyền Mỹ, quốc gia tài trợ nghiên cứu về virus corona trên dơi ở Vũ Hán, với một số nhà nghiên cứu độc lập về việc liệu đây có phải là thí nghiệm tăng chức năng (GOF) hay không. Thí nghiệm tăng chức năng mô phỏng sự tiến hóa của mầm bệnh – như độc lực, khả năng lây lan – để nghiên cứu các đợt bùng phát tiềm ẩn và tìm ra cách khống chế mầm bệnh hiệu quả.

Lĩnh vực nghiên cứu này từ lâu đã gây tranh cãi, đỉnh điểm là năm 2011 khi có hai nhóm nghiên cứu có thể làm cho cúm gia cầm lây truyền giữa các loài động vật có vú.

Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học của Đại học Harvard, xác nhận với AFP rằng ông lo người ta “có thể tạo ra một chủng virus mà nếu chẳng may một nhân viên phòng thí nghiệm bị nhiễm, thì không chỉ người đó chết mà còn gây ra đại dịch ở khắp nơi”.

Năm 2014, Chính phủ Mỹ tạm dừng tài trợ từ liên bang cho các nghiên cứu tăng chức năng và duyệt từng hồ sơ cụ thể từ năm 2017. Tuy nhiên, quá trình xét duyệt bị chỉ trích thiếu minh bạch và đáng tin cậy.

Cuối năm 2020, một tổ chức phi chính phủ được tài trợ từ Mỹ cho nghiên cứu “dự đoán khả năng lây lan” của virus corona từ dơi sang người ở Vũ Hán. Trả lời Quốc hội Mỹ tuần qua, hai chuyên gia hàng đầu là Francis Collins và Anthony Fauci của Viện Y tế quốc gia Mỹ phủ nhận tiền tài trợ là phục vụ cho nghiên cứu tăng chức năng. Dù vậy, có một số ý kiến cho rằng nghi ngờ này là xác đáng.

Nghi ngờ nhưng cần bằng chứng

Không điều gì kể trên ám chỉ rằng COVID-19 đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Cho đến nay, không có bằng chứng khoa học nào ủng hộ khả năng tự nhiên hoặc sự cố trong phòng thí nghiệm làm nảy sinh đại dịch.

Tuy nhiên, có những sự tình cờ về hoàn cảnh khiến nhiều người nghiêng về khả năng thứ hai. Vũ Hán cách hang dơi – nơi có loài dơi cổ – khoảng 1.600km về phía bắc, một cự ly quá xa với tầm bay của dơi. Các nhà khoa học ở Vũ Hán lại thường xuyên đi đến các hang này để lấy mẫu.

Nghiên cứu công bố năm ngoái của bà Alina Chan – nhà sinh học phân tử của Viện Broad, ở Massachusetts, Mỹ – cho thấy không giống như virus SARS, virus SARS-CoV-2 không phát triển nhanh khi nó lần đầu tiên được phát hiện ở người – một bằng chứng khác gợi ý rằng virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm.

HỒNG VÂN
TTO