22/12/2024

Ngờ vực Trung Quốc, châu Âu loay hoay tìm hướng đi mới

Ngờ vực Trung Quốc, châu Âu loay hoay tìm hướng đi mới

Châu Âu đang định hình hướng đi riêng, sau thời gian tiếp cận Trung Quốc khi chính quyền Mỹ còn đặt dưới sự điều hành của cựu Tổng thống Donald Trump.
Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp trực tuyến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 29.4 /// Reuters
Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp trực tuyến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 29.4 REUTERS
Theo Reuters, Liên minh châu Âu (EU) vừa quyết định hoãn một hiệp định đầu tư quan trọng với Trung Quốc được ký kết vào tháng 12.2020 sau 7 năm đàm phán căng thẳng.
Giới quan sát cho rằng hiệp định này có thể là “mức trần” trong mối quan hệ song phương, vốn đang xấu lại nhanh chóng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lèo lái liên minh đến việc ký Hiệp định đầu tư toàn diện EU – Trung Quốc. Theo Bloomberg, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ursula von der Leyen khi đó cho rằng thỏa thuận là “một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc”.

Nhanh chóng cứng rắn trở lại

Tuy nhiên, thái độ của nhiều nước châu Âu sau đó đã cứng rắn trở lại, khi Hội đồng châu Âu và Đức đều ra các quy định khiến các tổ chức Trung Quốc khó đầu tư hơn, trong khi đứng về phía Mỹ dưới chính quyền của Tổng thống Joe Biden, trong các đòn cấm vận ăn miếng trả miếng với Trung Quốc.
Chính phủ Ý đã chuyển hướng từ bên ủng hộ nhiệt liệt đối với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc sang việc cấm các công ty Trung Quốc mua lại các công ty ở Ý theo kế hoạch.
Còn tại Pháp, Đại sứ Trung Quốc tại đây thậm chí còn không trình diện khi được triệu tập vào tháng 3, với “lý do lịch trình”. Loạt động thái trên báo hiệu quan điểm cứng rắn hơn của châu Âu đối với Bắc Kinh.
Giới quan sát cho rằng thay đổi lớn nhất vẫn chưa xảy ra, với các khảo sát cho thấy đảng Xanh của Đức có thể có vai trò quan trọng sau kỳ bầu cử tháng 9, kèm theo khả năng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ gia tăng ngờ vực đối với Trung Quốc.
Trong cuộc gặp trực tuyến vào tuần trước, bà Merkel và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết hợp tác sát sao hơn về vắc xin Covid-19 và biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, dư luận tại Berlin cho rằng sự lạc quan về mối quan hệ song phương đã không còn, và một quan chức Trung Quốc cho rằng mối quan hệ với châu Âu đang xuống dốc.
Dấu hiệu căng thẳng thể hiện qua cuộc gặp trực tuyến khi có nhiều chi tiết trái với thông lệ, như phát biểu khai mạc không được phát trực tuyến, và không hề có họp báo sau cuộc gặp.
Một bản ghi chép được đưa lên vài giờ sau đó từ phía Đức cho thấy bà Merkel đã đề cập đến vấn đề nhân quyền, và cho rằng vẫn còn ý kiến bất đồng nhất là về vấn đề Hồng Kông.

Tìm hướng đi riêng

Nhiều dấu hiệu căng thẳng cho thấy các nền kinh tế lớn ở châu Âu đang chuyển hướng gần hơn với quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong đối phó Trung Quốc.
Cuộc họp G7 tại London vào tuần này, châu Âu đã thể hiện quan điểm gần hơn với Washington, cho thấy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang hàn gắn dần sau khi bị ảnh hưởng bởi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, với những căng thẳng về thương mại, thuế quan và tiếp cận công nghệ.
“Đang có một sự thay đổi về tâm trạng”, theo ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu ở Trung Quốc. Ông cho rằng xu hướng trên là do “một cơn bão” động thái của Trung Quốc liên quan Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương. Bên cạnh đó, ông cho rằng Trung Quốc đã không hoàn toàn tuân thủ cam kết mở cửa nền kinh tế.
Theo chuyên gia Zhang Monan tại Viện Mỹ – Châu Âu thuộc Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh, EU có thể sẽ còn tiếp tục đối phó Trung Quốc và những xích mích sẽ tiếp diễn. Bà cho rằng EU sẽ hoạch định chính sách độc lập vì không muốn lệ thuộc Mỹ.
KHÁNH AN
TNO