22/12/2024

Hệ luỵ từ viễn cảnh dân số thế giới suy giảm

Hệ luỵ từ viễn cảnh dân số thế giới suy giảm

Việc tỷ suất sinh giảm có thể gây nên những áp lực kinh tế, xã hội và việc già hoá dân số có thể tạo ra những thay đổi lớn đối với xã hội.
Việc dân số tăng trưởng chậm sẽ dẫn đến cảnh già hóa dân số đe dọa cách tổ chức và vận hành của xã hội /// Reuters
Việc dân số tăng trưởng chậm sẽ dẫn đến cảnh già hóa dân số đe dọa cách tổ chức và vận hành của xã hội REUTERS
Theo dự báo của một nhóm các nhà khoa học quốc tế được công bố năm 2020 trên chuyên san The Lancet, 183/195 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ có tỷ suất sinh dưới mức đủ để duy trì dân số ổn định vào năm 2100. Các nhà nhân khẩu học dự báo đến khoảng năm 2050 hoặc sớm hơn, dân số toàn cầu sẽ lần đầu tiên bước vào giai đoạn suy giảm bền vững.

Ngày càng đẻ ít

Tại Trung Quốc, bất chấp sự thay đổi chính sách vào năm 2016 cho phép các gia đình có hai con, số ca sinh trong năm 2020 chỉ khoảng 12 triệu ca, giảm 18% so với năm 2019, theo tờ South China Morning Post. Nhiều dự báo cho thấy dân số Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm từ 1,41 tỉ người hiện nay xuống còn khoảng 730 triệu người vào năm 2100.
Theo The New York Times, khoa sản trong bệnh viện ở một số nơi tại Ý dần ngừng hoạt động vì quá ít trẻ được sinh ra. Các “thành phố ma” mọc lên đầy vùng đông bắc Trung Quốc trong khi nhiều trường đại học tại Hàn Quốc chật vật trong việc tuyển đủ sinh viên. Tại Đức, hàng trăm khu bất động sản đã bị san bằng, và những nơi đó đã từng là công viên giải trí. Ngay cả ở các nước lâu nay được coi là nơi tăng trưởng dân số nhanh như Ấn Độ và Mexico, thì số lượng trẻ cũng đang giảm xuống hoặc đã thấp hơn mức 2,1 trẻ cho mỗi hộ gia đình.
Hệ lụy từ viễn cảnh dân số thế giới suy giảm - ảnh 1

Người dân tắm biển tại thành phố Durban, Nam Phi REUTERS

Tại Hàn Quốc, tỷ suất sinh của mỗi phụ nữ giảm xuống chỉ còn 0,92 trong năm 2019, thấp nhất trong số các nước phát triển. Tỷ suất sinh giảm, cùng với tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng đã dẫn đến việc người dân di cư từ nông thôn đến các thành phố lớn, và tạo ra hai hình thái xã hội đối lập. Trong khi dân cư tại các đô thị lớn như Seoul tiếp tục gia tăng, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng và nhà ở, thì ở khu vực nông thôn, rất dễ dàng tìm thấy các trường học bị đóng cửa và bỏ hoang, sân chơi cỏ mọc um tùm vì thiếu trẻ em.
Ở Nhật Bản, tã dành cho người lớn hiện bán chạy hơn tã dành cho trẻ sơ sinh. Ở Thụy Điển, một số thành phố đã chuyển trường đại học thành các trung tâm chăm sóc người cao tuổi.

Học cách thích nghi

Các nhà nhân khẩu học cho rằng tình trạng thiếu trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới đang kéo dài bởi các cặp vợ chồng lo lắng rằng họ không đủ tài chính nuôi con hoặc không đủ thời gian và thiếu người hỗ trợ trong việc nuôi dạy chúng vì họ quá bận rộn. Trong khi đó, cũng có người cho biết họ không muốn sinh con vì xã hội bất bình đẳng đối với phụ nữ. Với việc phụ nữ ngày càng tiếp cận nhiều hơn với giáo dục và các biện pháp tránh thai, cộng thêm nỗi lo đi kèm với việc có con đang ngày càng dâng cao, khiến các cặp vợ chồng trì hoãn việc mang thai và ngày càng ít trẻ được ra đời.
Xu hướng này buộc nhiều quốc gia phải thích nghi dần chứ không đơn thuần là chống lại. Những nơi có tỷ suất sinh từ 1,5 – 2 con của mỗi phụ nữ như Mỹ, Úc hay Canada giảm thiểu tác động bằng cách tiếp nhận thêm người nhập cư.
Tuy nhiên, không phải nước nào cũng có điều kiện để làm theo cách này. Các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc đang theo đuổi các biện pháp như nâng tuổi nghỉ hưu, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động hiện có với trình độ học vấn cao hơn và sử dụng nhiều máy móc và trí tuệ nhân tạo hơn để thay thế lao động con người.
Hệ lụy từ viễn cảnh dân số thế giới suy giảm - ảnh 2

Người dân tham gia lễ hội tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc  REUTERS

Tại Hàn Quốc, một số trường đại học đã cung cấp các suất học bổng và thậm chí cả điện thoại iPhone để thu hút sinh viên. Chính phủ Hàn Quốc đã phát tiền thưởng cho người sinh em bé, tăng trợ cấp cho trẻ và trợ cấp y tế cho các liệu pháp sinh sản và mang thai.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Hàn Quốc Hong Nam-ki thừa nhận rằng chính phủ đã chi hơn 178 tỉ USD trong 15 năm để khuyến khích phụ nữ sinh thêm con, nhưng vẫn không đạt được mục tiêu như mong muốn.
Trái đất với ít cư dân hơn sẽ giảm được sức ép về nguồn tài nguyên, quá trình hủy hoại môi trường do biến đổi khí hậu sẽ chậm lại và gánh nặng gia đình đối với phụ nữ sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, việc dân số tăng trưởng chậm sẽ dẫn đến cảnh già hóa dân số, lực lượng lao động ít đi trong khi người đến tuổi nghỉ hưu tăng lên, đe dọa cách tổ chức và vận hành của xã hội. Giới chuyên gia cho rằng điều này cũng có thể làm thay đổi khái niệm về gia đình, quốc gia.
NGUYỄN LAN HƯƠNG
TNO