23/12/2024

Trung Quốc nếm trái đắng ở châu Âu

Trung Quốc nếm trái đắng ở châu Âu

Những diễn biến mới nhất cho thấy quan hệ của Trung Quốc và châu Âu đang lâm vào bế tắc, và những chính sách ngoại giao được đánh giá là cứng rắn của Bắc Kinh đã phản tác dụng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình /// Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình  REUTERS

Nỗ lực bất thành

Hồi tuần trước, nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu với kết quả áp đảo nhằm đóng băng quá trình phê chuẩn một hiệp định đầu tư với Trung Quốc – thỏa thuận mà 6 tháng trước Bắc Kinh đã xem là thắng lợi chiến lược đáng kể của mình.
Theo tờ Nikkei Asia ngày 27.5, động thái của nghị viện châu Âu đã mang đến làn sóng lo lắng ở Trung Quốc, giữa bối cảnh chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ tới sự kiện quan trọng nhất trong thời kỳ lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình là 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc (ngày 1.7).
Theo đó, có sự lo ngại trong nội bộ Trung Quốc rằng quan hệ của Trung Quốc với châu Âu bế tắc và không khí trước sự kiện thế kỷ nêu trên sẽ bị giảm sút vì vấn đề ngoại giao.
Cuối năm 2020, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) ký Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI) – sự kiện được Bắc Kinh ca ngợi là một chiến thắng lớn trên trường chính trị quốc tế. Khi đó, giới phân tích cho rằng nó có ý nghĩa chiến lược lớn hơn là lợi ích kinh tế đơn thuần.
Thời điểm đó, quan hệ của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và EU có những vấn đề căng thẳng và Trung Quốc được cho là đã tính toán kỹ lưỡng để thúc đẩy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với EU.
Tuy vậy, “mây đen” phủ xuống tương lai thỏa thuận đầu tư sau quyết định ngày 20.5 của Nghị viện châu Âu. Việc đóng băng quá trình phê chuẩn CAI cũng đồng nghĩa với việc thỏa thuận này khó có thể thực thi trong tương lai gần.
Theo Nikkei Asia, Trung Quốc đã hết sức nỗ lực cứu thỏa thuận này tới phút cuối. Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 17.5 còn điện đàm với người đồng cấp Ý Mario Draghi, kêu gọi rằng hai bên nên hợp tác để đảm bảo thỏa thuận đầu tư được ký và có hiệu lực sớm. Tuy nhiên, nỗ lực của ông Lý không có kết quả.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và EU rõ ràng nhất hiện nay là vấn đề cáo buộc nhân quyền liên quan đến khu tự trị Tân Cương. Hai bên đã có màn cấm vận qua lại, được xem là cứng rắn nhất kể từ sau sự biến Thiên An Môn năm 1989. Và giới quan sát cho rằng bất đồng này không dễ hóa giải vì nó liên quan tới các giá trị mà châu Âu theo đuổi.

Mất “bạn”

Nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc cũng gặp khó thêm khi Lithuania hôm 22.5 tuyên bố rút khỏi cơ chế hợp tác 17+1 giữa Trung Quốc và 17 nước Trung – Đông Âu. Cơ chế này rất quan trọng với nỗ lực tạo dựng và tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực và cũng gắn liền với Sáng kiến Vành đai, Con đường của nước này.
Để chứng minh Trung Quốc duy trì cam kết với cơ chế 17+1, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham gia cuộc họp trực tuyến hồi tháng 2. Sự kiện như thế này thường do Thủ tướng Lý Khắc Cường dự.
Theo Nikkei Asia, một số nước 17+1 là thành viên EU và Bắc Kinh luôn có mục tiêu tác động chính sách của EU theo hướng có lợi cho mình thông qua các đối tác tại cơ chế 17+1. Tuy nhiên quyết định mới nhất của Lithuania đã “dội gáo nước lạnh” vào đúng mục tiêu của Trung Quốc.
Hồi tháng 3, khi cuộc đấu cấm vận qua lại giữa Trung Quốc với EU diễn ra, trong số 10 cá nhân EU bị trừng phạt có 1 thành viên nghị viện châu Âu là người Lithuania.
Quyết sách này của Trung Quốc khi đó bị đánh giá là đã phản tác dụng. Giờ đây, việc phê chuẩn CAI sẽ không thể tiếp tục nếu Trung Quốc không dỡ bỏ các lệnh cấm vận nói trên.
Lithuania hồi tháng 3 thậm chí tuyên bố sẽ mở văn phòng đại diện thương mại tại Đài Loan. Hôm 20.5, nghị viện Lithuania còn bỏ phiếu thông qua nghị quyết xem chính sách của Trung Quốc với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương là “tội ác diệt chủng”.
Tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc đã đáp trả bằng bài viết nhấn mạnh Lithuania “không có tư cách tấn công Trung Quốc và đó không phải cách mà một nước nhỏ nên làm”.
NGỌC MAI
TNO