23/12/2024

CPI bình quân 5 tháng thấp nhất 6 năm, lạm phát được kiểm soát

CPI bình quân 5 tháng thấp nhất 6 năm, lạm phát được kiểm soát

Những lo ngại về lạm phát bùng lên khi giá xăng, dầu và nhiều mặt hàng “bốc hoả” tạm được xoa dịu khi Tổng cục Thống kê vừa công bố các số liệu vào sáng nay, 29.5.
Lạm phát vẫn được kiểm soát tốt /// Ảnh T.Vi
Lạm phát vẫn được kiểm soát tốt  ẢNH T.VI
Cụ thể, theo cơ quan này, so với tháng trước, CPI tháng 5 tăng 0,16%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, tháng này có 8 nhóm tăng giá so với tháng trước và 3 nhóm giảm giá.
Giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số CPI tăng.
Tuy nhiên, nếu so với tháng 12.2020 cũng mới tăng 1,43%. Đặc biệt, bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 5 tháng tăng 0,82%.
Về CPI cụ thể tháng 5, trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Nhóm giao thông tăng cao nhất 21,24% so với tháng 5.2020, chủ yếu do cùng kỳ năm trước giá xăng, dầu trong nước giảm sâu theo giá nhiên liệu thế giới.
Ở chiều ngược lại, trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm thực phẩm tháng 5 giảm 1,12% do cùng thời điểm này năm 2020, giá thịt lợn ở mức cao vì nguồn cung thiếu khi chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, các quán ăn, nhà hàng mở cửa trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu thực phẩm tăng làm giá các mặt hàng thực phẩm tăng cao.
Nhóm bưu chính, viễn thông có chỉ số giá giảm nhiều nhất với 0,88% do giá các loại điện thoại giảm.
CPI bình quân 5 tháng thấp nhất 6 năm, lạm phát được kiểm soát - ảnh 1

Giá xăng dầu và gạo… làm chỉ số giá tiêu dùng tăng nhưng chưa đáng lo ẢNH NGỌC THẮNG

Vẫn theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 25.5, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.837 USD/ounce, tăng 4,38% so với tháng 4. Các đồng tiền kỹ thuật số sụt giá mạnh, dòng tiền có xu hướng đổ vào thị trường vàng. Đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm là những yếu tố tạo đà cho vàng tăng giá.
Bên cạnh đó, giới đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của Mỹ và các nước châu Âu cũng làm tăng tính hấp dẫn của vàng. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5 tăng 1,68% so với tháng trước; giảm 0,88% so với tháng 12.2020 và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 19,24%.
Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm do giới đầu tư lo ngại về lạm phát của Mỹ gia tăng. Tính đến ngày 25.5, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 90,39 điểm, giảm 1,36 điểm so với tháng trước.
Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng nhà nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.160 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 0,02% so với tháng 12.2020 và giảm 1,15% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 5 tháng đầu năm 2021 giảm 0,85%
ANH VŨ
TNO