23/01/2025

Hiệu quả thực của vắc xin Sinopharm, Trung Quốc là bao nhiêu?

Hiệu quả thực của vắc xin Sinopharm, Trung Quốc là bao nhiêu?

Mức độ hiệu quả của vắc xin Sinopharm chỉ trên 70% và giảm dần đối với các trường hợp không biểu hiện triệu chứng bệnh. Phía Sinopharm cho biết đây chỉ là báo cáo kết quả tạm thời.

 

Hiệu quả thực của vắc xin Sinopharm, Trung Quốc là bao nhiêu? - Ảnh 1.

Vắc xin COVID-19 do Sinopharm phối hợp với Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG) đã được tiêm tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong ảnh: vắc xin Sinopharm tại Bắc Macedonia – Ảnh: REUTERS

Theo báo South China Morning Post (SCMP), Sinopharm đã thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin trên hơn 40.000 người từ 18 đến 59 tuổi tại Bahrain và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Việc thử nghiệm được tiến hành từ năm ngoái nhưng kết quả chỉ được Sinopharm công bố hôm 26-5.

Dữ liệu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy vắc xin Sinopharm cho hiệu quả bảo vệ 78,1% với các trường hợp có biểu hiện triệu chứng COVID-19. Tỉ lệ này giảm xuống còn 73,5% với các trường hợp không biểu hiện triệu chứng.

Một loại vắc xin khác do công ty con của Sinopharm sản xuất cho hiệu quả thấp hơn, lần lượt là 72,8% và 64% cho các ca nhiễm có triệu chứng và không triệu chứng. Loại vắc xin này đang trong quá trình xin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép để sử dụng khẩn cấp.

Tổng cộng đã có 201 trường hợp gặp tác dụng ngoài ý muốn trong quá trình thử nghiệm. Có 2 trường hợp nghiêm trọng là một người đàn ông 30 tuổi bị tổn thương dây thần kinh và một phụ nữ 35 tuổi bị nôn mửa đến mức nhập viện.

Cho đến thời điểm hiện tại vẫn có nhiều người nghi ngờ về mức độ an toàn và hiệu quả của vắc xin Trung Quốc. Theo ước tính của báo SCMP, hơn 200 triệu liều vắc xin do Sinopharm sản xuất đã được tiêm trên toàn cầu, xếp sau AstraZeneca, Moderna và Pfizer-BioNTech về số lượng.

Nhà miễn dịch học Ashley St John (Singapore) chỉ ra điểm bất thường về đối tượng thử nghiệm của Sinopharm. Theo ông John, những người được tiêm gồm toàn người khỏe mạnh, thanh niên trai tráng không có hoặc có ít bệnh nền mãn tính.

Việc thiếu thử nghiệm trên nhóm dễ bị tổn thương (người cao tuổi và người có bệnh nền) lý giải vì sao vắc xin Sinopharm ít gặp ca biến chứng và đạt hiệu quả bảo vệ cao.

Báo SCMP lưu ý Sinopharm chỉ công bố mức độ hiệu quả của vắc xin sau khi WHO phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vắc xin của mình. Đây là loại vắc xin thứ 4 được WHO phê duyệt khẩn cấp, mở ra cơ hội cho vắc xin Trung Quốc tham gia cơ chế COVAX.

Hiệu quả thực tế thấp?

Hôm 18-5, Sinopharm đề nghị tiêm bổ sung liều thứ 3 cho những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin của hãng này ở UAE và Bahrain.

Theo Sinopharm, bất kỳ ai đã tiêm liều thứ 2 trước đó 6 tháng đều có thể tiêm thêm 1 liều nữa để tăng mức độ bảo vệ trước các biến thể virus corona mới.

Tuy nhiên, theo tờ The National của UAE, quốc gia này đã bắt đầu tiêm bổ sung liều thứ 3 cho “một số lượng nhỏ” những người không phát triển kháng thể dù đã được tiêm đủ 2 liều. Việc này tiến hành từ tháng 3-2021 và loại vắc xin được sử dụng trong cả 3 lần tiêm đều của Sinopharm.

Trao đổi với SCMP, giáo sư Nikolai Petrovsky thuộc Đại học Flinders (Úc) nhận định chỉ có việc hiệu quả vắc xin quá thấp mới dẫn tới việc phải tiêm bổ sung chỉ hơn 6 tháng sau khi tiêm đủ 2 liều.

UAE và Bahrain là những nước đầu tiên tiến hành tiêm bổ sung liều 3 và cũng nằm trong nhóm đầu tiên phê duyệt vắc xin Trung Quốc.

BẢO DUY
TTO