18/11/2024

Giảm phí, phải giảm cả thủ tục

Giảm phí, phải giảm cả thủ tục

Bộ Tài chính vừa có công văn xin ý kiến các bộ, cơ quan liên quan về việc kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí đã được quy định tại Thông tư 112/2020 đến hết ngày 31.12.2021.
Chỉ giảm một số phí, lệ phí chưa đủ hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn mùa dịch /// ẢNH: NGUYÊN NGA
Chỉ giảm một số phí, lệ phí chưa đủ hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn mùa dịch  ẢNH: NGUYÊN NGA
Ước tính, số tiền giảm thu từ phí và lệ phí đợt này khoảng 1.000 tỉ đồng.

Giảm phí cho 29 dịch vụ đến hết năm nay

Thông tư 112/2020 ban hành cuối năm 2020 quy định giảm 29 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm nay. Một số lĩnh vực được giảm từ 50% trở lên như mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng và 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; lệ phí đăng ký doanh nghiệp (DN) được giảm 70%; phí công bố thông tin doanh nghiệp được giảm 67%. Còn lại một số dịch vụ được giảm từ 10 – 30%.
Ví dụ, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở được giảm 50%. Nếu dự án có tổng mức đầu tư là 100 tỉ đồng thì phí thẩm định trước đây là 12,5 triệu đồng thì nay DN chỉ còn nộp 6,25 triệu đồng. Hay phí thẩm định, phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy với dự án dân dụng quy mô vốn đầu tư 100 tỉ đồng được giảm từ 4,8 triệu đồng xuống còn 2,4 triệu đồng. Hoặc ô tô đầu kéo cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên có phí sử dụng đường bộ là 17,16 triệu đồng/năm thì nay được giảm 10% xuống còn 15,44 triệu đồng/năm…
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty dịch vụ vận tải Kim Phát, cho rằng việc giảm một số loại phí, thuế là điều đáng mừng cho DN vì “có còn hơn không”. Tuy nhiên, các DN vẫn đang rất khó khăn khi dịch Covid-19 lại bùng phát mạnh và phức tạp, nhưng mức phí này thu theo năm, DN không có hàng chuyên chở vẫn phải đóng. Việc thu phí đường bộ hiện nay cần phải được xem xét lại vì đang tồn tại tình trạng phí chồng phí. Các trạm thu phí trên các tuyến đường bộ hiện khá dày đặc và DN đã phải đóng phí khá nhiều, nên vẫn còn duy trì phí sử dụng đường bộ là chưa hợp lý.
Bà Nguyễn Bính, chủ cơ sở Bún Bính Thủ Đức, cho rằng có nhiều khoản giảm không đáng kể. Đơn cử lệ phí khi làm giấy phép an toàn thực phẩm lần đầu 150.000 đồng, giảm 10%, bớt 15.000 đồng/lần. Hay là phí cấp giấy xác nhận tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ 30.000 đồng/lần, giảm 10% thì DN còn đóng 27.000 đồng/lần. Đưa những phí này vào khung giảm nhằm hỗ trợ Covid-19 là điều thiếu thực tế, vì DN thiếu tiền trăm triệu, tiền tỉ để duy trì hoạt động chứ không phải “sống” được nhờ tiết kiệm mấy chục ngàn đồng nói trên.
Hay với các DN bất động sản, mức phí giảm vài triệu đồng đối với họ cũng không “thấm vào đâu” khi so với chi phí thực hiện dự án hàng trăm tỉ đồng hoặc các loại chi phí không chính thức khác…

Giảm thủ tục ngăn chồng chéo, quy định bất hợp lý

Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN do Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) thực hiện và công bố vào tháng 3.2021 cho thấy, các khó khăn lớn nhất với DN tư nhân trong đại dịch xếp theo tỷ lệ chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%) và chuỗi cung ứng (33%). Còn dịch bệnh đã gây nên những xáo trộn nhiều nhất đối với doanh nghiệp FDI là về tiếp cận khách hàng (63%), dòng tiền (42%), chuỗi cung ứng (41%) và lao động (34%).
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận xét việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua có tác động khá tích cực đến hoạt động của DN. Đặc biệt giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin DN, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động…
Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng DN, giảm phí thôi chưa hẳn giải quyết khó khăn khi các quy định về thủ tục vẫn cứng nhắc, gây tốn hao nhiều chi phí khác hơn cho DN. Một mặt hàng vẫn qua 2 – 3 lần kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm… Chẳng hạn, giảm phí kiểm tra lô hàng nhập khẩu, nhưng lô bột mì phải có 3 tờ giấy trên, hay sữa bột phải có giấy kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Như vậy, cùng một sản phẩm, cùng một mục đích nhưng DN phải trả chi phí kiểm tra xét nghiệm 2 – 3 nơi là gây khó cho DN.
Trong bối cảnh hiện nay, DN có thể còn khó khăn hơn cả năm 2020. Đặc biệt, các ngành du lịch, dịch vụ giải trí (rạp chiếu phim, khu vui chơi, khu du lịch)… trước đây cố gắng cầm cự và hy vọng bước sang năm 2021 sẽ đỡ, làm lại. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, DN đều rơi vào tình thế không biết khi nào hết dịch để hoạt động. Thế nên, với những ngành đặc thù bị ảnh hưởng lớn vì đại dịch, Chính phủ cần có đánh giá hỗ trợ cụ thể hơn, không chỉ là chuyện giảm phí.
Cần nhanh chóng sửa đổi những quy định bất hợp lý mà các DN, trong đó minh bạch quy trình thực hiện cũng như rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép cho các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Tương tự, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng theo tôi được biết hầu hết DN nhiều ngành nghề đều rất khó khăn và cần được khai thông hơn nữa. Đó mới là các vấn đề quan trọng hơn việc chỉ giảm một số khoản phí, lệ phí.
Ông Lê Hoàng Châu
Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh: Chi phí trong kinh doanh rất cao, chi phí đầu vào tăng mạnh, đặc biệt giá nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng tăng vọt khiến nhiều ngành lao đao. Thế nên, việc duy trì giảm phí là tốt, cần gắng cắt giảm phí chồng chéo giữa các bộ. Thứ hai là giảm các đợt thanh tra định kỳ kiểu theo quý, theo tháng đối với cả DN nhà nước lẫn tư nhân, ngoại trừ DN có vi phạm pháp luật. Việc tiết giảm thanh tra định kỳ giảm rất nhiều chi phí cứng, chi phí mềm cho DN. Thứ ba, một chương trình mà DN cần sự hỗ trợ từ nhà nước rất lớn đó là chuyển đổi phương thức kinh doanh, chuyển đổi số. Nên chăng, cần có một chương trình mang tầm quốc gia, hỗ trợ DN chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hình thức số hóa, giảm thiểu nhiều chi phí là quá tốt.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu lấy câu chuyện một DN mới đây nộp hồ sơ lên một sở quản lý, nhưng đã 20 ngày trôi qua hồ sơ vẫn nằm im. Như thế, DN phải chờ đợi mất thời gian, công việc không hoạt động thì tốn bao nhiêu chi phí? Vì vậy, ông cho rằng nếu thật sự để hỗ trợ cho DN, các bộ ngành phải tập trung cắt giảm thủ tục hành chính như về việc tính tiền sử dụng đất; quy trình thủ tục về đầu tư xây dựng nhà ở; xây dựng lại chung cư cũ…
MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA
TNO