Góc ngẫm nghĩ: Đừng để học sinh phát biểu bằng cảm nghĩ của người lớn
Góc ngẫm nghĩ: Đừng để học sinh phát biểu bằng cảm nghĩ của người lớn
Ở môi trường giáo dục, mỗi năm thường có một số ngày lễ để học trò phát biểu cảm nghĩ. Những lời phát biểu của học sinh, thực sự mà nói, khá ít của ‘chính chủ’, đa phần học sinh đọc… phát biểu cảm nghĩ của người khác.
Tôi xin kể ba trong hàng chục lần tham dự và được biết về các buổi lễ mà học trò đọc… cảm nghĩ của thầy cô chứ không phải từ cảm nghĩ chân thực của các em.
Một lần đi dự lễ tổng kết năm học của cậu con trai “tốt nghiệp” mầm non, tôi rất ngỡ ngàng trước bài phát biểu của cô bé tuổi sắp lên sáu.
Cháu đọc một bài viết khá dài. Về nội dung thì phải nói rằng “chuẩn không cần chỉnh”, không phải người lớn nào cũng viết được như thế. Bài viết rất hay, rất ý nghĩa, tri ân nhà trường và các cô giáo công tác ở đây. Chuẩn bị vào lớp 1, mới làm quen một số chữ cái, sao cháu viết được hay đến thế? Nếu cháu tự mình suy nghĩ và viết lên được hay như vậy thì chắc cháu phải là “thần đồng đất Việt”, là nhân tài của đất nước.
Có nên để học sinh bậc mầm non phát biểu? Các cháu tuổi còn nhỏ, mới tập làm quen chữ cái, sao người lớn lại viết những bài văn hay như thế rồi đem cho con trẻ đọc lời tri ân? Hãy để các cháu được ngây thơ, hồn nhiên, được trong sáng. Đừng gieo giá trị ảo cho các cháu như thế!
Một lần khác dự lễ tổng kết, nghe một nam sinh lớp 12 phát biểu trước lúc tạm biệt mái trường, thầy cô, bạn bè, em phát biểu rất hay. Bố cục rõ ràng, lời văn mạch lạc, thứ bậc để nói lời tri ân và tạm biệt mái trường… rất hoàn hảo. Đại biểu, phụ huynh, thầy cô tấm tắc khen hay, chỉ có nhân vật trung tâm – những cô cậu học trò thì “chịu đòn bởi những lời sáo rỗng”. Sau buổi lễ kết thúc, hỏi ra vì sao em viết hay vậy, em cho biết mình chỉ đóng vai người đọc từ bài viết của giáo viên đưa.
Một lần sau khi dự lễ khai giảng, anh bạn đồng nghiệp chia sẻ mấy hôm chuẩn bị lễ khai giảng, cô học trò được phân công phát biểu cảm nghĩ nhân ngày khai trường nhờ anh hướng dẫn viết, anh nói: “Con cảm nghĩ thế nào thì viết thế đấy. Con không cần viết văn hoa màu mè làm gì”. Hôm khai giảng, trước giờ vào lễ, học trò đưa anh xem. Đọc gần nửa trang giấy, anh tá hỏa hỏi: “Thư của Chủ tịch nước là A, sao con lại viết là B?”. Học trò thành thật nói: “Con có lấy mấy ý từ trên mạng”. Chính vì thế mà thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch A đương nhiệm mà em lại nhắc thư của B. Anh bạn nói với tâm trạng buồn: “Mình không trách gì học trò. Tại người lớn chúng ta mà ra”.
Lời phát biểu của học sinh nhân ngày khai giảng, ngày Nhà giáo Việt Nam hay lễ tổng kết năm học vẫn thường được thầy cô viết sẵn để cho học sinh đọc. Điều này khá phổ biến trong ngành giáo dục bao lâu nay. Sợ học sinh viết không hay, phát biểu trước quan khách chưa được như ý muốn nên thầy cô chính là tác giả của những bài viết đầy cảm xúc ấy. Những lời tấm tắc khen hay đều mang giá trị ảo. Tôi muốn lời phát biểu ấy chính từ tấm lòng của học sinh chứ không phải từ những người thầy chúng tôi. Tôi thích những lời phát biểu mộc mạc, đơn sơ và giản dị mà chân thành, còn hơn những lời hoa mỹ mà sáo rỗng.
Hãy để những cô cậu học trò phát biểu chính từ suy nghĩ của các em, dù câu chữ còn vụng về, nhưng đó mới là lời tri ân ý nghĩa và cao quý. Cần xây dựng một nền giáo dục thiết thực, thiết thân và trên hết là chân thực.
THÁI HOÀNG
TNO