24/12/2024

Vì sao quan hệ EU – Trung Quốc lung lay chỉ trong 4 tháng?

Vì sao quan hệ EU – Trung Quốc lung lay chỉ trong 4 tháng?

Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu từ chối việc xem xét thỏa thuận đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) – Trung Quốc nếu Bắc Kinh không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại các nghị sĩ EP và các học giả.

 

 

Vì sao quan hệ EU - Trung Quốc lung lay chỉ trong 4 tháng? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas – Ảnh: AFP

Đây là một đòn giáng mạnh vào mối quan hệ giữa Trung Quốc với khối thương mại chung lớn nhất thế giới này.

Nghị quyết từ chối xem xét Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) giữa EU – Trung Quốc được EP thông qua với 599 phiếu ủng hộ, 30 phiếu chống và 58 phiếu trắng trong ngày 20-5.

Theo nghị quyết, EP yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi nghị viện có thể xem xét lại CAI. Thậm chí, các nghị sĩ EP cũng cảnh báo bản thân việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt sẽ không đảm bảo việc thỏa thuận trên được phê chuẩn.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) thừa nhận rằng những nỗ lực để phê chuẩn hiệp định CAI với Trung Quốc buộc phải dừng lại sau một loạt biện pháp “ăn miếng trả miếng” giữa Trung Quốc và EU trong thời gian qua.

Ngay ngày hôm sau  (21-5), Trung Quốc đã chỉ trích EU có “cách tiếp cận đối đầu” sau khi các nghị sĩ EP bỏ phiếu từ chối việc xem xét thỏa thuận đầu tư giữa EU – Trung Quốc.

Theo Hãng tin AFP, phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho rằng các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh là “phản ứng cần thiết và hợp lý” trước các biện pháp trừng phạt trước đây của EU nhằm vào các quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề ở Tân Cương.

Quan chức này cũng kêu gọi EU “từ bỏ cách tiếp cận đối đầu” và đưa quan hệ EU – Trung Quốc “trở lại đúng hướng của đối thoại và hợp tác”.

Trên thực tế, hiệp định đầu tư EU – Trung Quốc đã “chết”, nhưng cả châu Âu lẫn Trung Quốc đều giả vờ cho rằng nó có thể được hồi sinh.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào Trung Quốc đã đạt hơn 140 tỉ euro trong 20 năm qua, trong khi đầu tư từ Trung Quốc vào khối này đạt gần 120 tỉ euro. Các lĩnh vực chính mà các công ty EU đầu tư vào Trung Quốc là ôtô, vật liệu cơ bản (bao gồm hóa chất), dịch vụ tài chính, nông nghiệp thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng.

Đòn “phá đám” khéo léo của Mỹ

Theo báo The Straits Times, điều chắc chắn duy nhất hiện nay là quan hệ giữa Trung Quốc và EU đang rơi tự do và có lẽ là lần đầu tiên trong nửa thế kỷ qua, các chính trị gia ở cả Bắc Kinh lẫn các thủ đô của châu Âu đều không còn hứng thú với việc thậm chí giả vờ là họ đang duy trì được những điều kiện tốt đẹp.

Mối quan hệ được cho là tốt đẹp và đầy hứa hẹn này đã “chệch khỏi đường ray” như thế nào chỉ trong khoảng 4 tháng? Có hàng loạt nhân tố giải thích cho điều này.

Đầu tiên là các động lực chính trị trong nội bộ EU. Hiệp định đầu tư toàn diện (CAI), được hoàn tất một cách vội vã vào những ngày cuối năm 2020, đã nhận được sự ủng hộ của cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Sự phối hợp chặt chẽ của Đức và Pháp đã góp phần giúp hoàn tất thỏa thuận đầu tư có mục tiêu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu.

Một số quốc gia châu Âu nhỏ hơn đã tỏ ra phẫn nộ vì bị gạt sang bên lề. Một số khác nghi ngờ sự khôn ngoan của việc tách khỏi Mỹ trong những vấn đề then chốt như Trung Quốc, và họ đã đúng khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền.

Các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động về nhân quyền chỉ trích gay gắt văn bản CAI, và không có lời giải thích nào đủ hợp lý từ các nhà lãnh đạo Đức và Pháp để khiến họ im lặng.

Và chính quyền Biden đã tỏ ra khôn khéo hơn so với bất kỳ dự đoán nào trong việc xử lý vấn đề này. Thay vì làm EU mất mặt, các quan chức mới được bổ nhiệm của Mỹ đã khẳng định rằng họ hoan nghênh các nỗ lực của châu Âu khiến thương mại với Trung Quốc trở nên bình đẳng hơn, và chỉ băn khoăn liệu thỏa thuận này có đạt được các mục tiêu đề ra hay không.

Tổng thống Biden và các quan chức Mỹ đã đưa ra tuyên bố dồn dập về tác động của thỏa thuận này và đã tạo dựng khuôn khổ cho việc thảo luận các chính sách đối với Trung Quốc dựa trên nguyên tắc thay vì những tính toán thương mại lạnh lùng.

Chiến thuật đó đã phát huy tác dụng, được thể hiện rõ ràng trong sự thay đổi nhanh chóng về giọng điệu của các quan chức hàng đầu của EU. Đầu năm nay, Josep Borrell, người phụ trách các vấn đề đối ngoại của EU, thường nói về một châu Âu tự đặt mình vào vị trí đâu đó ở giữa Mỹ và Trung Quốc, một kiểu “cực thứ ba” trên thế giới.

Tuy nhiên, vào tháng 3 vừa qua, cả ông Borrell lẫn lãnh đạo các quốc gia EU đã bắt đầu trở nên “nhập nhằng” khi tuyên bố rằng mặc dù EU sẽ có chính sách Trung Quốc của riêng mình, nhưng điều này có thể không mâu thuẫn với những giá trị và lập trường mà Mỹ thúc đẩy.

Hoặc nói một cách thẳng thừng hơn, châu Âu sẽ không đứng chính giữa Bắc Kinh và Washington mà sẽ đứng ở đâu đó bên nửa sân của Mỹ.

Vì sao quan hệ EU - Trung Quốc lung lay chỉ trong 4 tháng? - Ảnh 3.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp trực tuyến với các lãnh đạo châu Âu ngày 30-12-2020 gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu – bà Ursula von der Leyen – Ảnh: THX

Ăn miếng trả miếng

Tuy nhiên, điều thực sự làm chệch hướng toàn bộ ý tưởng CAI là xung đột ngoại giao “ăn miếng trả miếng” giữa châu Âu và Trung Quốc trong vài tháng qua. Những bất đồng giữa hai bên đã lộ rõ, điều mới mẻ là lời lẽ chua cay bất thường được sử dụng trong những cuộc tranh cãi này.

Thay vì tìm cách can dự với những cộng đồng chính trị khác nhau này ở châu Âu, Bắc Kinh đã quyết định đương đầu với họ cùng một lúc.

Một chính sách truyền thông xã hội hung hăng đã được các đại sứ quán Trung Quốc ở châu Âu thực hiện và một loạt hành vi lạm dụng cá nhân không chỉ nhằm vào các chính trị gia EU mà còn nhằm vào cả các học giả EU đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc.

Và một số hành vi của các nhà ngoại giao Trung Quốc thậm chí đã bắt đầu đi chệch khỏi những  nguyên tắc ngoại giao cơ bản nhất. Ví dụ, tháng 3 vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Pháp đơn giản là đã phớt lờ yêu cầu đến Bộ Ngoại giao Pháp để tham vấn, với lý do có bất đồng về lịch làm việc.

Thậm chí Trung Quốc đưa vào danh sách trừng phạt “đáp trả” cả người đứng đầu Nghị viện châu Âu – cơ quan đã phê chuẩn thỏa thuận đầu tư CAI – một cách chắc chắn nhất để “khai tử” thỏa thuận này.

Có lẽ Bắc Kinh thực sự cho rằng các chiến thuật mạnh tay của mình có thể phát huy tác dụng, và EU sẽ lùi bước trước đòn đáp trả. Một cách giải thích khác là Trung Quốc đã kết luận rằng CAI sẽ không bao giờ được phê chuẩn và vì vậy có thể trở thành vật hi sinh.

Tuy nhiên, có khả năng phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc là do lo sợ rằng những biện pháp trừng phạt hạn chế mà châu Âu tiến hành hiện nay chỉ là phần mở đầu của một loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Trung Quốc trong tương lai.

Bắc Kinh chắc chắn đã lưu ý những gì từng xảy ra với Nga, nước phải hứng chịu hàng trăm loại biện pháp trừng phạt của châu Âu, mỗi loại nhằm vào một tranh chấp khác nhau với phương Tây, nhưng tất cả kết hợp lại tạo thành một nút thắt trừng phạt không thể tháo gỡ.

Ý NGUYÊN
TTO