23/01/2025

Thí sinh đổ dồn vào ngành “nóng”, có lo thất nghiệp khi ra trường ?

Thí sinh đổ dồn vào ngành “nóng”, có lo thất nghiệp khi ra trường ?

Thống kê của Bộ GD-ĐT và hồ sơ xét tuyển của các trường đại học những năm gần đây cho thấy người học đang có xu hướng đăng ký đổ dồn vào một số ngành nghề nhất định.
Nhiều học sinh quan tâm tới các ngành “nóng” khi tham gia chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên hồi tháng 4 năm nay /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhiều học sinh quan tâm tới các ngành “nóng” khi tham gia chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên hồi tháng 4 năm nay   ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Bản thân các trường cũng có sự phân bổ chỉ tiêu đào tạo lớn cho những ngành nhiều thí sinh quan tâm. Tình trạng này kéo dài có dẫn đến việc mất cân đối ngành nghề, sinh viên bị thất nghiệp trong tương lai?

Ngành nào thu hút thí sinh ?

Thống kê của Bộ GD-ĐT về tổng số nguyện vọng (NV) thí sinh (TS) toàn quốc đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT năm nay cho thấy có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các nhóm ngành nghề. Tính chung tổng số NV, TS có xu hướng đổ dồn vào nhóm ngành thuộc lĩnh vực kinh tế.
Cụ thể, trong tổng số hơn 3,8 triệu NV đăng ký vào các nhóm ngành nghề khác nhau, nhóm ngành kinh doanh và quản lý có sức hút lớn nhất, với hơn 1,2 triệu NV. Tính trong tổng số lượng NV, khối ngành này chiếm tới 33%, trong khi đó các nhóm ngành khác chỉ chiếm từ 6,1 – 9%.
Tổng số NV mà TS đăng ký vào nhóm ngành này cao gấp 3,6 lần so với nhóm ngành có số NV cao thứ 2 là máy tính và công nghệ thông tin. Đặc biệt, nếu so với 1 trong 2 nhóm ngành ít TS đăng ký nhất như dịch vụ xã hội, thì kinh doanh và quản lý cao gấp 93,5 lần.
Không chỉ ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, xu hướng chọn lựa nhóm ngành học kinh doanh và quản lý cũng tương tự ở phương thức xét học bạ.
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thống kê sơ bộ xu hướng chọn ngành ở đợt 1 xét tuyển học bạ năm nay có thể thấy TS tập trung vào một số ngành vốn nhiều người quan tâm các năm gần đây như: quản trị kinh doanh, kế toán, du lịch và lữ hành, công nghệ thông tin… Trong số hơn 7.000 hồ sơ nhận được, mỗi ngành kể trên trung bình có khoảng 500 hồ sơ.
Tương tự, trong tổng số hơn 5.000 NV xét tuyển bằng học bạ vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, những ngành có số lượng hồ sơ cao nhất liên quan nhiều đến khối quản lý, kinh tế, marketing và truyền thông.
Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, dù xét theo phương thức điểm thi tốt nghiệp hay điểm thi đánh giá năng lực thì TS vẫn tập trung đăng ký nhiều vào các ngành ngôn ngữ, tâm lý học, báo chí, truyền thông, quan hệ quốc tế…

Nhiều ngành thí sinh nhập học sẽ cao hơn chỉ tiêu

Điều này thể hiện trước hết qua việc các trường ĐH đang dành chỉ tiêu rất lớn cho các ngành vừa nêu trên, rõ nhất là lĩnh vực kinh tế. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong tổng số 530.561 chỉ tiêu ĐH năm nay, các trường thông báo tuyển mới gần 120.000 TS khối ngành kinh doanh và quản lý (chiếm trên 22,3%). Trong khi đó, nhóm ngành dịch vụ xã hội chỉ có trên 2.800 chỉ tiêu, khoa học xã hội và hành vi trên 29.000 chỉ tiêu…
Không chỉ thể hiện qua xu hướng NV đăng ký xét tuyển năm nay, mà thực tế sinh viên nhập học các năm càng thể hiện rõ khuynh hướng chọn ngành “nóng”.
Chẳng hạn, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM năm 2020 ngành cơ khí tự động có 60 chỉ tiêu nhưng số TS nhập học là 222. Ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng có 120 chỉ tiêu nhưng có đến 361 TS nhập học.
Thí sinh đổ dồn vào ngành “nóng”, có lo thất nghiệp khi ra trường ? - ảnh 1

Học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến diễn ra vào đầu tháng 7  ĐÀO NGỌC THẠCH

Trường ĐH Thủ Dầu Một năm 2020 ngành thiết kế đồ họa có 50 chỉ tiêu nhưng tuyển 126 TS, công nghệ kỹ thuật ô tô 90 chỉ tiêu tuyển 183, công nghệ thông tin 50 chỉ tiêu tuyển 115, logistics và quản lý chuỗi cung ứng 100 chỉ tiêu tuyển 200, du lịch 50 chỉ tiêu tuyển 102, ngôn ngữ Anh 270 chỉ tiêu tuyển 522.
Một số ngành kinh tế tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng có số TS thực tuyển cao hơn chỉ tiêu trong 2 năm vừa qua. Theo số liệu công bố trong đề án tuyển sinh của trường này, năm 2019 ngành kinh doanh quốc tế chỉ tiêu 110 nhưng có 206 TS trúng tuyển, marketing chỉ tiêu 280 nhưng có 454 TS trúng tuyển, quản trị kinh doanh 490 chỉ tiêu nhưng 721 TS trúng tuyển…
Không chỉ các trường trên, sự chênh lệch lớn số TS nhập học giữa các ngành nghề khác nhau trong cùng một trường là tình trạng phổ biến ở rất nhiều trường.

Người học có thất nghiệp khi ra trường ?

Việc TS có xu hướng đổ đồn vào một số ngành nghề nhất định trong một thời gian dài, vấn đề lo ngại nhất chính là việc làm sau khi ra trường.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng thực tế xét tuyển ĐH những năm gần đây cho thấy TS có xu hướng tập trung nhiều vào một số ngành học. Trong đó, riêng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tỷ lệ NV xét tuyển vào nhóm ngành kinh doanh quản lý dao động 30 – 32% trong số các nhóm ngành.
“Những con số này nếu đi theo đúng nhu cầu thực tế của xã hội, tức nhu cầu lao động nhiều nên chỉ tiêu nhiều và NV theo học của TS nhiều, là xu hướng phù hợp. Nhưng thực tế nhu cầu nhân lực các ngành này tính trên phạm vi toàn quốc cụ thể ra sao, hiện chưa có điều tra tổng thể. Do đó, nếu việc chọn ngành và đào tạo không phù hợp với yêu cầu thực tế, chắc chắn sẽ dẫn đến việc mất cân đối nhân lực”, tiến sĩ Nghĩa phân tích.
Minh họa cho nhận định trên, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa chỉ ra tình trạng TS đổ dồn vào ngành điều dưỡng đã từng xảy ra trong quá khứ. Hệ quả là có thời điểm dư thừa nhân lực ở ngành này, đặc biệt là điều dưỡng theo hướng xuất khẩu lao động.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng đồng tình với nhận xét TS có xu hướng lựa chọn những ngành “nóng” như: kinh tế, công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng… Trong khi đó, nhiều ngành thuộc khối ngành công nghệ và kỹ thuật TS ít quan tâm. Thực trạng này nếu kéo dài có thể ảnh hưởng tới cơ hội việc làm sau khi ra trường mà trước đây từng diễn ra ở lĩnh vực tài chính ngân hàng.
HÀ ÁNH
TNO