23/01/2025

Kịch tính vụ chính quyền Belarus ‘cướp’ máy bay nước khác giữa không trung

Kịch tính vụ chính quyền Belarus ‘cướp’ máy bay nước khác giữa không trung

Nhiều nước châu Âu đang lên án mạnh mẽ vụ chính quyền Belarus điều động chiến đấu cơ để ép 1 máy bay chở khách bay ngang qua Belarus phải hạ cánh để bắt giữ nhân vật đối lập đang có mặt trên chuyến bay.

 

 

 

Chuyến bay FR4978 của Ryanair bị ép đáp xuống Minsk /// AFP
Chuyến bay FR4978 của Ryanair bị ép đáp xuống Minsk AFP

Hôm qua 23.5, chiếc máy bay Boeing 737 mang mã FR4978 của Hãng hàng không Ryanair đang chở theo 170 hành khách đã bị chiến đấu cơ của Belarus ép buộc chuyển hướng khi đang bay từ Athens (Hy Lạp) đến Vilnius – thủ đô của Lithuania (Litva), theo Reuters.

Chiêu nội ứng – ngoại hợp ?

Cụ thể, trong lúc di chuyển qua bầu trời Belarus giữa hành trình từ Athens đến Vilnius, chiếc máy bay trên bất ngờ bị chiến đấu cơ Mig-29 của Belarus tiếp cận khi chỉ còn 2 phút là đến không phận của Litva. Khi đó, chiến đấu cơ Mig-29 ra lệnh máy bay FR4978 phải chuyển hướng đến thủ đô Minsk (Belarus) vì lý do có bom trên chuyến bay.

Sau khi chiếc máy bay đáp xuống Minsk thì kết quả kiểm tra cho thấy không hề có bom như cảnh báo. Tuy nhiên, chính quyền sở tại đã tiến hành bắt giữ một hành khách trên chuyến bay là nhà hoạt động đối lập lưu vong Roman Protasevich – biên tập viên điều hành kênh truyền thông Nexta.

Kịch tính vụ chính quyền Belarus ‘cướp’ máy bay nước khác giữa không trung - ảnh 1

Ông Protasevich trong một lần ra tòa ở Minsk vào năm 2017  REUTERS

Toàn bộ hành khách cùng máy bay đã phải tiếp tục ở lại Minsk trong vài tiếng trước khi được cho phép cất cánh trở lại để bay đến Vilnius. Máy bay FR4978 sau đó đã hạ cánh an toàn xuống thủ đô của Litva.

Liên quan vụ việc, biên tập viên Stepan Putilo – cũng tham gia điều hành kênh Nexta – viết trên mạng xã hội Twitter cho rằng các đặc vụ của Belarus đã lên chuyến bay trên từ Athens.

Theo nhà báo Putilo, khi chuyến bay ngang qua bầu trời Belarus, thì các đặc vụ nước này tuyên bố có bom trên chuyến bay và máy bay đã bị không tặc. Tiếp đó, theo đúng kịch bản được chuẩn bị từ trước, chiến đấu co Mig-29 xuất kích để ép máy bay FR4978 chuyển hướng, đáp xuống Minsk nhằm thực hiện phi vụ vắc giữ ông Protasevich. Tuy nhiên, cáo buộc về kịch bản “nội ứng, ngoại hợp” này chưa được xác nhận của chính quyền nước nào cũng như Hãng hàng không Ryanair.

Làn sóng chỉ trích

Ngay sau vụ việc, lãnh đạo nhiều nước châu Âu đã chỉ trích hành động của Belarus. Reuters dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định các nước trong khối sẽ đánh giá hậu quả vụ việc và có thể sớm tiến hành trừng phạt Belarus.

Viết trên Twitter, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng vụ việc là nghiêm trọng và cần tiến hành điều tra ở cấp quốc tế. Tương tự, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố hành động của Belarus là “hành động của một nhà nước khủng bố”. Đại diện của Đức yêu cầu Belarus phải giải thích vụ việc ngay tức khắc.

Bà Sviatlana Tsikhanouskaya, Lãnh đạo phe đối lập Belarus và hiện lưu vong tại Litva, kêu gọi Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) phải loại bỏ tư cách của Belarus trong tổ chức này.

Phía ICAO cũng đã lên tiếng cho rằng hành động của chính quyền Minsk có dấu hiệu vi phạm Công ước Chicago – vốn là nền tảng nguyên tắc của hoạt động hàng không dân dụng. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về vụ việc.

Nhân vật đối lập bị bắt giữ là ai ?

Nhà đối lập Protasevich (26 tuổi) lưu vong tại Litva trước khi bị bắt giữ trong vụ việc trên. Vào những năm 2010, ngay khi còn là học sinh, ông đã tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối chính quyền của ông Alexander Lukashenko – người giữ chức Tổng thống Belarus từ năm 1994 và được cho là rất thân thiết với Nga.

Sau khi học đại học ngành báo chí, ông Protasevich tiếp tục tham gia nhiều hoạt động đấu tránh phản đối chính quyền của Tổng thống Lukashenko.

Kịch tính vụ chính quyền Belarus ‘cướp’ máy bay nước khác giữa không trung - ảnh 2

Ông Lukashenko làm Tổng thống Belarus từ năm 1994 đến nay REUTERS

Theo Media Solidarity – nhóm hỗ trợ các nhà báo Belarus, thì vào năm 2019, Protasevich đến Ba Lan để tránh sự đàn áp của chính quyền. Nhà báo này cũng đưa cả cha mẹ sang Ba Lan khi gia đình ông bị chính quyền Belarus theo dõi chặt chẽ. Tại Ba Lan, ông làm biên tập viên tại kênh Nexta Live – kênh thông tin dựa trên ứng dụng nhắn tin Telegram – có hơn 1 triệu người đăng ký theo dõi.

Sau một thời gian ở Ba Lan, ông chuyển đến Vilnius – nơi lãnh đạo phe đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya đóng trụ sở.

Năm 2020, Belarus tổ chức bầu cử tổng thống với kết quả được chính quyền công bố là phần thắng thuộc về ông Lukashenko. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng kết quả bầu cử bị gian lận, phần thắng đúng ra phải thuộc về bà Tsikhanouskaya. Nhiều nước châu Âu cũng không công nhận kết quả ông Lukashenko thắng cử.

Từ giữa năm 2020, trước khi cuộc bầu cử diễn ra, nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ đã nổ ra tại Belarus. Đến tháng 8, sau khi ông Lukashen tuyên bố chiến thắng thì phong trào biểu tình càng dâng cao và lực lượng an ninh nước này đã mạnh tay đàn áp, khiến cho EU áp đặt các lệnh trừng phạt nhiều quan chức Belarus vì “bạo lực, đàn áp đối lập và gian lận kết quả bầu cử”.

Kịch tính vụ chính quyền Belarus ‘cướp’ máy bay nước khác giữa không trung - ảnh 3

Một cuộc đại biểu tình tại Minsk hồi tháng 8.2020  AFP

Đến nay, các phong trào biểu tình vẫn chưa hoàn toàn kết thúc ở Belarus. Trong khi đó, Nexta được xem là nơi kêu gọi người dân xuống đường để phản đối kết quả bầu cử. Sau các diễn biến vừa nêu, nhà đối lập Protasevich bị chính quyền Belarus liệt vào danh sách “khủng bố”.

Ngoài kênh Nexta, ông Protasevich còn giữ vai trò tổng biên tập của một “Belarus of the Brain” – một kênh thông tin chính trị của Belarus được tổ chức trên ứng dụng Telegram và hiện có khoảng 250.000 người đăng ký theo dõi.

PHÁT TIẾN

TNO