18/11/2024

G7 cam kết hợp lực cứu thế giới

G7 cam kết hợp lực cứu thế giới

Nhằm hạn chế khí thải để cứu thế giới khỏi các nguy cơ do ô nhiễm môi trường, nhóm các nước G7 tái khẳng định cam kết kiểm soát mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C đến năm 2050 và ngừng hỗ trợ tài chính phát triển điện than trong năm nay.
Một nhà máy điện than tại Duisburg, Đức /// AFP
Một nhà máy điện than tại Duisburg, Đức  AFP
Các Bộ trưởng Môi trường từ nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 (Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý) đã tham gia hội nghị trực tuyến từ ngày 20 – 21.5, nhằm khẳng định cam kết đối với việc giảm phát thải khí nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050, theo Kyodo News.

Mục tiêu đầy tham vọng

Tại hội nghị, các bộ trưởng tái khẳng định cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C, loại bỏ dần và tiến tới hoàn toàn không sử dụng than đá trong thập niên 2030.
Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi đã giới thiệu tóm tắt với những người đồng cấp về mục tiêu mới của nước này là cắt giảm 46% lượng phát thải khí nhà kính vào năm tài chính 2030 so với năm tài chính 2013.
“Bằng cách trình bày các mục tiêu đầy tham vọng cùng với các thành viên G-7 khác, chúng tôi đã có thể tạo ra một động lực đáng kể hướng tới trung lập carbon trên cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nước phát thải lớn ngoài G-7”, ông Koizumi nói.

Ngừng phát triển điện than

Tại hội nghị, các nước G7 thống nhất ngừng cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc phát triển điện than ở nước ngoài, theo tờ The Guardian. G7 và các nền kinh tế lớn ngoài G7 như Trung Quốc và Hàn Quốc trước đây đóng vai trò lớn trong việc cung cấp tài chính phát triển điện than tại những nước nghèo hơn.
G7 cam kết hợp lực cứu thế giới - ảnh 1

Nhà máy điện than tại bang Alabama, Mỹ  AFP

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) mới đây kêu gọi toàn bộ việc phát triển nhà máy điện năng lượng hóa thạch phải chấm dứt trong năm nay nếu thế giới muốn giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C.
Đặc phái viên Mỹ về khí hậu John Kerry cho biết Mỹ cũng quyết tâm đưa ra các chính sách nhất quán với việc duy trì mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Ông Kerry cho biết Mỹ sẽ loại bỏ dần các nhà máy điện than không sử dụng công nghệ thu nhận và lưu trữ khí CO2.

Ông Kerry nói rằng cam kết của G7 trong việc đạt mức tăng nhiệt độ không quá 1,5 độ C cũng như đạt mức thải khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là một bước tiến lớn. Đây là lần đầu tiên các quốc gia lớn này khẳng định quyết tâm lớn như vậy.

Cuộc họp cũng được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, hay còn gọi là COP26, được hy vọng sẽ thúc đẩy động lực đạt được các cam kết đã đề ra trong Hiệp định Paris về khí hậu năm 2015.
Bộ trưởng Môi trường Pháp Barbara Pompili cho biết rất vui vì tuyên bố chung của G7 có thể giúp mang lại một thoải thuận. Bà Pompili nói rằng cam kết của G7 cho thấy than đá là loại năng lượng của quá khứ và không có chỗ trong tương lai.
Theo bà Pompili, việc các nước cam kết ngừng hỗ trợ tài chính cho phát triển điện than tạo tiền đề cho một quá trình chuyển đổi triệt để sang năng lượng sạch, góp phần cứu thế giới khỏi các thảm họa do ô nhiễm môi trường.
NGUYỄN LAN HƯƠNG
TNO