23/01/2025

Cục Thú y: Sữa bột phải kiểm dịch! VASEP và các hiệp hội khác: Vô lý!

Cục Thú y: Sữa bột phải kiểm dịch! VASEP và các hiệp hội khác: Vô lý!

Đại diện Cục Thú y khẳng định những quy định về kiểm dịch với sản phẩm nguồn gốc động vật là phù hợp với pháp luật trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, VASEP và các hiệp hội khác cho rằng quy định này là vô lý, gây tốn kém, không cần thiết.

 

Cục Thú y: Sữa bột phải kiểm dịch! VASEP và các hiệp hội khác: Vô lý! - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản và thực phẩm phản ánh việc áp dụng quy định kiểm dịch của Bộ NN&PTNT dẫn tới việc kiểm tra bị chồng chéo, lãng phí – Ảnh: TẠ HÀ

Các sản phẩm dinh dưỡng như sữa bột đã qua xử lý nhiệt và với tiêu chuẩn rất cao mà vẫn phải yêu cầu kiểm dịch thì không hợp lý.

Ông TRẦN QUANG TRUNG

Theo các hiệp hội, có những mặt hàng như sữa bột vẫn phải kiểm dịch, một số mặt hàng phải thực hiện 2 – 3 kiểm tra chuyên ngành mới được thông quan là không cần thiết và lãng phí.

Cục Thú y vẫn giữ quan điểm

Phản hồi thông tin về bất cập trong kiểm dịch sản phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu (bài “Cục Thú y bị tố làm khó doanh nghiệp”, Tuổi Trẻ ngày 20-5), ông Nguyễn Văn Long – phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) – cho rằng các biện pháp kiểm dịch áp dụng với thủy sản nhập khẩu hiện nay dựa trên cơ sở pháp lý và thực tiễn.

Ông Long dẫn định nghĩa của Tổ chức Thú y thế giới (OIE): “Sản phẩm động vật thủy sản là động vật thủy sản đã chết và các sản phẩm từ động vật thủy sản”. Và theo quy định của Luật thú y năm 2015: “Sản phẩm động vật thủy sản là động vật thủy sản đã qua sơ chế hoặc chế biến ở dạng nguyên con; phôi, trứng, tinh dịch và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật thủy sản”…

Đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật bao gồm vi sinh vật, ký sinh trùng, trứng và ấu trùng của ký sinh trùng gây bệnh cho động vật, gây hại cho sức khỏe con người (khoản 18 điều 3). “Do vậy, sản phẩm thủy sản như đã định nghĩa nêu trên thuộc đối tượng kiểm dịch điều chỉnh của Luật thú y” – ông Long khẳng định.

Đại diện Cục Thú y cũng cho rằng Việt Nam có ngành nuôi trồng thủy sản đóng góp lớn cho nền kinh tế. Do đó, việc xây dựng các yêu cầu về kiểm dịch thủy sản nhập khẩu đã được Cục Thú y dựa trên các hướng dẫn của OIE và tình hình cụ thể để phòng ngừa xâm nhập tác nhân gây bệnh trên thủy sản vào Việt Nam. Việc đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y tương đương với các nước nhập khẩu thủy sản của Việt Nam là yếu tố quan trọng trong việc tiếp cận thị trường các nước.

Về việc trùng lắp giữa quy định kiểm dịch của Bộ NN&PTNT với quy định kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) của Bộ Y tế, ông Long cho biết các chỉ tiêu kiểm tra trùng lắp giữa kiểm dịch và kiểm tra ATTP chỉ phải làm một lần, thuận tiện và không phát sinh chi phí kiểm tra xét nghiệm.

Cục Thú y tìm hiểu chưa có quốc gia nào phân biệt chỉ tiêu này là ATTP hay kiểm dịch. Như bột cá của Việt Nam xuất khẩu sang các nước, mục đích không làm thực phẩm cho người nhưng vẫn phải kiểm tra chỉ tiêu Salmonella, E.Coli thì khó có thể gọi là chỉ tiêu ATTP hay không…

Thêm hiệp hội ngành hàng kêu khó

Trước thông tin phản hồi của Cục Thú y, đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề vẫn cho rằng nếu cứ căn cứ vào các quy định đã có nhưng chưa hợp lý hay cách hiểu về câu chữ khác nhau thì rất khó thực hiện các biện pháp cắt giảm thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Hoài Nam – phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho biết để có những kiến nghị giảm thủ tục gửi Bộ NN&PTNT, hàng trăm doanh nghiệp đã làm việc với các chuyên gia, hiệp hội nhiều ngành hàng trong và ngoài nước.

Ông Nam vẫn giữ quan điểm vì những kiến nghị được nêu dựa trên căn cứ của luật pháp, thông lệ quốc tế và thực tiễn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. “Việc thay đổi của những quy định như thế này phụ thuộc rất nhiều vào tư duy và tâm thế của người đứng đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những phản hồi và kiến nghị trong thời gian sắp tới” – ông Nam nói.

Theo ông Trần Quang Trung – chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, tổ chức này cũng mới gửi kiến nghị về quy định kiểm dịch lên Chính phủ để cải cách thủ tục hành chính với ngành sữa. Hiện một số sản phẩm đã qua xử lý nhiệt vẫn bị kiểm dịch như các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ đã đóng gói để bán lẻ và sản phẩm dinh dưỡng y tế, đồ uống chứa sữa tiệt trùng.

Theo ông Trung, các sản phẩm dinh dưỡng như sữa bột đã qua xử lý nhiệt và với tiêu chuẩn rất cao mà vẫn phải yêu cầu kiểm dịch thì không hợp lý.

“Vì vậy chúng tôi đề nghị hoặc là bỏ các chỉ tiêu này trong quy định kiểm dịch hoặc là Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế phải có quy định công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra để doanh nghiệp chỉ phải đi kiểm tra một lần và một nơi thôi” – ông Trung đề xuất.

Trong một văn bản góp ý gửi Bộ NN&PTNT, đại diện của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng việc diễn giải định nghĩa sản phẩm có nguồn gốc động vật trong Luật thú y cần làm rõ. Ví dụ cụm từ “các sản phẩm có nguồn gốc động vật khác” phải được hiểu là các bộ phận của cơ thể động vật nhưng chưa được nêu rõ như gân, tủy, vi cá…

Trong khi đó, trong thông tư của Bộ NN&PTNT thì bất cứ sản phẩm được sản xuất hay chế biến từ động vật đều quy thành “sản phẩm có nguồn gốc động vật”, dẫn đến việc áp dụng kiểm dịch quá rộng nằm ngoài phạm vi Luật thú y.

Ví dụ, từ thịt phân lập thành protein, từ protein lại tách ra thành các acid amin dùng trong dược phẩm/thực phẩm. Nếu theo quy định của cơ quan thú y, các acid amin dù là thuốc được tiêm vào cơ thể người vẫn bị coi là sản phẩm động vật và phải kiểm dịch. Thế giới không có nước nào làm vậy cả, OIE cũng không quy định như vậy.

Đã cắt giảm nhiều…

Theo ông Nguyễn Văn Long, những năm qua Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Thú y rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính. Với sản phẩm thủy sản có nguy cơ thấp (đã qua chế biến): cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu để kiểm tra (cứ 5 lô hàng thì chỉ lấy mẫu 1 lô hàng), cắt giảm 80% chi phí kiểm tra.

Với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ cao (sản phẩm ở dạng sơ chế, tươi sống, đông lạnh, ướp lạnh) cũng cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu kiểm tra, cắt giảm 80% chi phí kiểm tra…

“Bộ NN&PTNT thường xuyên rà soát các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành (kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP) để cắt giảm, thay đổi phương thức kiểm tra theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp” – ông Long cho biết.

Bộ NN&PTNT tạo quy định tốn kém vô ích?

Theo AmCham, trong danh mục kiểm dịch của dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 15/2018 do Bộ NN&PTNT xây dựng có nhiều mặt hàng phải trải qua 2 hoặc 3 kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan. Ví dụ như tinh bột mì hay tinh bột ngô vừa phải kiểm dịch, vừa phải kiểm tra chất lượng, vừa kiểm tra ATTP.

AmCham Việt Nam cũng đồng tình với VASEP khi cho rằng kiểm dịch thực phẩm có nguồn gốc động vật bao gói hiện nay hoàn toàn trùng với kiểm tra ATTP do cùng kiểm tra các vi sinh vật như E.Coli, Salmonella và không đúng với quy định của OIE. Dẫn tới trường hợp có nhiều mặt hàng vừa phải kiểm dịch ở Bộ NN&PTNT, vừa phải kiểm tra ATTP ở Bộ Y tế cho cùng chỉ tiêu. Điều này rất bất hợp lý, gây tốn kém vô ích. Nếu thống nhất khái niệm thì chỉ cần kiểm tra một lần và ở một nơi.

AmCham Việt Nam dẫn số liệu hải quan cho thấy trong năm 2019 có hơn 134.000 lô hàng nhập khẩu phải qua kiểm dịch nhưng không phát hiện vi phạm nào. Nếu tính chi phí mỗi lần kiểm dịch chỉ là 1 triệu đồng thì tổng chi phí là 134 tỉ, tức là chúng ta vứt đi hàng trăm tỉ mỗi năm vô ích trong khi kinh tế vẫn đang khó khăn và dịch bệnh.

TRẦN MẠNH – CHÍ TUỆ
TTO