18/11/2024

Vải thiều ‘không COVID-19’

Vải thiều ‘không COVID-19’

Từ ngày 20-5, các diện tích vải thiều sớm tại Bắc Giang đã bắt đầu thu hoạch và dự kiến có lô hàng vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang Nhật vào ngày 26-5.

 

Vải thiều không COVID-19 - Ảnh 1.

Chốt kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 tại các tuyến đường cửa ngõ vào huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) để kiểm soát người ra vào vùng vải thiều – Ảnh: BÙI ĐƯỢC

Ngoài việc xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch COVID-19, kiểm soát chặt dịch bệnh và chủ động kết nối với thị trường tiêu thụ lớn, Bắc Giang cũng tổ chức dán tem “không COVID-19” trước khi đưa các lô vải thiều đi tiêu thụ.

Từ ngày 20-5, các diện tích vải thiều sớm tại Bắc Giang đã bắt đầu thu hoạch và dự kiến có lô hàng vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang Nhật vào ngày 26-5.

Trong năm 2020, toàn tỉnh Bắc Giang trồng 28.100ha vải thiều, sản lượng ước 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm trước và bắt đầu thu hoạch chính vụ từ ngày 10-6 đến 20-7.

Xét nghiệm nhanh, dán tem cho lô vải

Từ đầu năm đến nay, Lục Ngạn – thủ phủ trồng vải thiều của Bắc Giang với 15.400ha trồng vải và sản lượng khoảng 120.000 tấn – phải liên tục thay đổi kịch bản tiêu thụ vải thiều để phù hợp với tình hình dịch COVID-19.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thế Thi – phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn – cho biết theo kịch bản mới nhất được huyện ban hành cách đây một tuần (ngày 13-5), vải thiều Lục Ngạn sẽ xuất khẩu khoảng 32.000 tấn, tiêu thụ nội địa 67.000 tấn và chế biến – sấy khô khoảng 23.000 tấn.

“Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khả năng sản lượng xuất khẩu giảm nên chúng tôi phải điều chỉnh kế hoạch, tăng cường thêm chế biến và tiêu thụ trong nước.

Địa phương đã quyết định hỗ trợ cho các hộ dân 2 triệu đồng/lò sấy mới” – ông Thi nói, đồng thời cho biết địa phương đang nỗ lực đẩy lùi dịch COVID-19 trước khi bước vào mùa thu hoạch vải, tất cả các trường hợp F1 đã được cách ly tập trung tại tỉnh, các trường hợp F2, F3, F4 được cách ly ngay tại nhà dưới sự giám sát chặt chẽ của cả hệ thống chính trị.

Từ ngày 14-5, Ban chỉ huy quân sự huyện Lục Ngạn được giao chủ trì lập 7 chốt kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 tại các tuyến đường cửa ngõ vào huyện để kiểm soát người ra vào vùng vải thiều.

“Tại các trạm kiểm soát có treo biển khu vực bảo vệ chống dịch vào vùng vải an toàn. Mỗi chốt đều bố trí lực lượng liên ngành bao gồm công an, quân đội, y tế… Tất cả người dân, phương tiện khi đi qua đều phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt… để sàng lọc. Nếu trường hợp nào nghi ngờ, chúng tôi sẽ cách ly, lấy mẫu xét nghiệm” – ông Thi cho biết.

Ngành y tế tỉnh Bắc Giang đang tăng cường lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho toàn bộ nhà vườn, hộ nông dân, người thu mua, thương nhân, lao động trên địa bàn.

Các thương nhân, đại lý, điểm thu mua được yêu cầu phải đăng kỹ rõ ràng nơi thu mua, có bao nhiêu lao động, có bao nhiêu lái xe để vận chuyển hàng hóa…

Sau khi đóng hàng, các lô vải thiều sẽ được phun thuốc khử khuẩn bằng Cloramin B, đồng thời dán tem “Vải thiều không có dịch COVID-19” trên thùng hàng trước khi được vận chuyển đi tiêu thụ.

“Chúng tôi đang thiết kế, in hàng vạn tem dán “Vải thiều không có dịch COVID-19″ để cung cấp cho các tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm” – ông Thi nói.

Vải thiều không COVID-19 - Ảnh 2.

Vườn vải của ông Trần Văn Lân (trái) ở thôn Lâm, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu sang Nhật – Ảnh: CHÍ TUỆ

Kết nối với các thị trường tiêu thụ lớn

Theo ông Trần Quang Tấn – giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngay từ đầu mùa tỉnh Bắc Giang đã chủ động lên các kế hoạch tiêu thụ, xúc tiến tiêu thụ vải thiều.

“Từ đầu tháng 3-2021, Sở Công thương đã chủ động kết nối, làm việc với các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị như Mega Market, Aeon, Lotte, Central Retail, Co.op Mart, chợ đầu mối ở Hà Nội, TP.HCM… Đến nay, các đơn vị này đều cam kết đồng hành tiêu thụ vải thiều của tỉnh” – ông Tấn thông tin.

Với thị trường xuất khẩu, địa phương này đã làm việc trực tuyến để trao đổi, thông tin với các cơ quan tham tán thương mại tại nước ngoài, đặc biệt là cơ quan tham tán tại Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc), tại Nhật Bản, Úc, Singapore… về đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều, chuẩn bị cho công tác tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021.

Các cơ quan tham tán thương mại cũng đã phản hồi nhất trí hỗ trợ tỉnh Bắc Giang tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và tham gia các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại nước sở tại, tham dự và quan tâm hỗ trợ tổ chức các điểm cầu tham gia hội nghị trực tuyến.

Dự kiến hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều Bắc Giang sẽ được tổ chức ngày 8-6. Ngoài điểm cầu tại Trung Quốc, năm nay Bắc Giang mở thêm điểm cầu tại Nhật Bản, Úc và Singapore…

“Chúng tôi cũng trao đổi, cung cấp thông tin để tổng lãnh sự quán tại Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) quảng bá, giới thiệu và thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng trực tuyến yunnan.cn và nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com” – ông Tấn nói, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục duy trì sàn thương mại điện tử “Vải thiều Lục Ngạn” và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Hùng Thảo, một gian hàng trên trang Alibaba, kết nối các sàn thương mại điện tử khác như Sendo, Voso…

“Việc tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử là cơ hội bán hàng trực tuyến rất lớn với khách hàng trên toàn thế giới mà không cần qua các kênh makerting truyền thống. Qua đây nhằm giúp quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang thuận lợi, nâng cao giá trị hàng hóa” – ông Tấn nói.

Sẽ xuất khẩu lô vải sớm sang Nhật vào ngày 26-5

Tại huyện Tân Yên (Bắc Giang), địa bàn có 1.200ha vải sớm đang chuẩn bị cho thu hoạch. Dự kiến ngày 26-5, địa phương này sẽ tổ chức xuất khẩu lô vải sớm đầu tiên sang thị trường Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Viết Toàn – chủ tịch UBND huyện Tân Yên, địa phương này đã sớm xây dựng kế hoạch ứng phó ngay từ khi xảy ra dịch.

“Chúng tôi đã trích ngân sách mua khoảng 3.000 bộ kit thử nhanh xét nghiệm dịch COVID-19. Số lượng này sẽ dành cho các lái xe, lao động, thương nhân đến thu mua vải thiều trên địa bàn huyện.

Các lô vải từ Tân Yên xuất đi sẽ đủ các thủ tục chứng minh an toàn dịch COVID-19 như kết quả xét nghiệm của lái xe, lô vải thu mua từ vùng không có dịch, chủ vườn và người đóng gói đều an toàn với dịch COVID-19…” – ông Toàn nói.

47,5% sản lượng vải thiều được xuất khẩu

Vào vụ vải thiều năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhờ sự chủ động trong xúc tiến và kết nối tiêu thụ, người trồng vải tại Bắc Giang đã có một mùa vụ bội thu.

Theo số liệu của Sở Công thương Bắc Giang, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng toàn tỉnh vẫn tiêu thụ hết 165.000 tấn vải, trong đó tiêu thụ nội địa chiếm 52,5%, thị trường xuất khẩu 47,5%.

Với giá bán vải vẫn đạt bình quân 31.200 đồng/kg, tổng giá trị thu được từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 6.900 tỉ đồng (riêng vải thiều 5.200 tỉ đồng), tăng 600 tỉ đồng so với vụ vải năm 2019.

Cũng trong năm 2020, lần đầu tiên Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều quy mô lớn với 63 điểm cầu trên cả nước và 4 điểm cầu ở 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Châu (Trung Quốc), nên việc tiêu thụ vải thiều gặp nhiều thuận lợi khi dịch bắt đầu lắng xuống.

Nhiều loại nông sản bán chạy trên mạng

 

st25

Gạo ST25 đã được đưa lên mạng bán và thu hút người mua – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Một loạt nông sản, đặc sản của các địa phương đang được chào bán trên các sàn thương mại điện tử ngay khi Việt Nam bước vào mùa trái cây rộ nhất trong năm.

Đại diện sàn Lazada cho biết từ ngày 14-5, sàn này đã đưa bán thành công mặt hàng trái vải tươi Thanh Hà – một đặc sản của tỉnh Hải Dương.

Toàn bộ số vải tươi này được áp dụng hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng, đặc biệt có những đơn hàng được giao chỉ trong chưa đến một giờ.

Dù không cung cấp thông tin con số vải bán ra tính đến ngày 20-5 nhưng đại diện Lazada cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các đối tác khác để đưa nhiều đặc sản của Hải Dương lên sàn thương mại điện tử như bánh đậu xanh Rồng Vàng và tỏi đen…

Trong khi đó, sàn Tiki cũng đưa sầu riêng Ri6 và gạo ST25 lên bán trên gian hàng thực phẩm tươi sống và thu được kết quả tích cực.

Chỉ tính riêng trong ngày mở đầu dự án, đã có đến 2,5 tấn sầu riêng và 2 tấn gạo được bán ra, chiếm gần 75% tổng số đơn hàng của ngành hàng thực phẩm. Danh mục sản phẩm dự kiến tăng thêm nhiều đặc sản trái cây Việt Nam như mít, dâu, bơ, vải…

Theo các doanh nghiệp, ngoài vải và sầu riêng, thời điểm này còn nhiều loại nông sản cũng bắt đầu vào mùa cao điểm thu hoạch như thanh long, xoài, nhãn…

Đây là những mặt hàng có sản lượng xuất khẩu lớn nhưng năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, tình hình xuất khẩu sẽ bị khó khăn.

Để khuyến khích nhà vườn, doanh nghiệp lên sàn, các nhà bán lẻ cho biết sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ như tạo gian hàng, đăng sản phẩm… với quy trình đơn giản và nhanh chóng.

N.BÌNH

CHÍ TUỆ
TTO