24/01/2025

Nghị viện châu Âu ủng hộ bỏ bản quyền vắc xin COVID-19

Nghị viện châu Âu ủng hộ bỏ bản quyền vắc xin COVID-19

Cơ quan lập pháp châu Âu hối thúc Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ việc tạm thời bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa COVID-19 nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêm ngừa vắc xin.

 

Nghị viện châu Âu ủng hộ bỏ bản quyền vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Người dân tuần hành kêu gọi bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19 tại Anh ngày 11-5 – Ảnh: REUTERS

Hãng tin AFP ngày 20-5 cho biết các nhà lập pháp Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua việc kêu gọi EU ủng hộ đề xuất tạm thời bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin, thiết bị và phương pháp điều trị COVID-19.

Đề xuất do Ấn Độ và Nam Phi gửi lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tháng 5-2021 cũng tuyên bố ủng hộ việc này và sẽ đàm phán các điều khoản tại WTO.

Các nước châu Âu vẫn đang chia rẽ về vấn đề sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19. Trong khi một số nước ủng hộ, các nước lớn như Pháp, Đức cho rằng cần bảo vệ thành quả của các hãng dược.

“Chính năng lực và tiêu chuẩn chất lượng cao đang giới hạn việc sản xuất vắc xin chứ không phải bằng sáng chế” – người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.

Ủy ban châu Âu ngày 19-5 vạch ra kế hoạch mà cơ quan này cho là giải pháp hiệu quả hơn để tăng sản lượng vắc xin so với việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, lãnh đạo các nước thuộc nhóm G20 dự kiến ngày 21-5 ra tuyên bố ủng hộ các biện pháp tự nguyện, như cấp phép sản xuất vắc xin, chuyển giao công nghệ, thay vì bỏ quyền sở hữu trí tuệ như kêu gọi của Mỹ và các nước.

Tuy nhiên, tổng giám đốc WTO – bà Ngozi Okonjo-Iweala – cho rằng việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19 chưa đủ để thu hẹp khoảng cách “khổng lồ” trong việc phân phối vắc xin giữa các nước giàu và nghèo.

Ngoài việc kêu gọi đẩy mạnh sản xuất, bà Okonjo-Iweala khẳng định cần phải tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ và bí quyết bào chế vắc xin.

“Tôi tin rằng chúng ta có thể thống nhất một văn bản cho phép các nước đang phát triển tiếp cận linh hoạt, đồng thời bảo vệ các nghiên cứu và đổi mới công nghệ” – bà nói.

TRẦN PHƯƠNG
TTO