18/11/2024

Kêu gọi công bằng vắc xin cho các quốc gia

Kêu gọi công bằng vắc xin cho các quốc gia

‘Không một quốc gia, không một người dân nào được an toàn khi chưa đảm bảo được tiêm vắc xin phòng COVID-19’ – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói với trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti.

 

Kêu gọi công bằng vắc xin cho các quốc gia - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội tiếp trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam – Ảnh: CTV

Ông Giorgio Aliberti đến Nhà Quốc hội Việt Nam hôm qua (21-5) theo nghi lễ chào xã giao Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhưng câu chuyện trao đổi lại rất thời sự và thực chất.

Nước giàu tích trữ vắc xin, dịch sẽ kéo dài

“Chúng tôi hiểu rõ rằng, chúng ta sẽ chỉ được an toàn khi tất cả mọi người trên khắp thế giới đều an toàn. Bởi vậy, chúng tôi mong rằng các quốc gia và nhà sản xuất phải ưu tiên cho những giải pháp mang tính toàn cầu” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Ông cho rằng “tình hình chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn nhiều khi các quốc gia hay các tổ chức có công nghệ và sản xuất được nhiều vắc xin, sẵn sàng chia sẻ vắc xin thông qua Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19 COVAX của Ủy ban thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu hay các cơ chế khác”.

Hoàn toàn nhất trí với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Giorgio Aliberti khẳng định EU là đối tác ủng hộ mạnh mẽ cơ chế “Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19”, đến nay đã cung cấp 2,4 triệu liều cho Việt Nam và con số này còn tiếp tục tăng lên từ nay đến cuối năm.

Ông Giorgio Aliberti cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 hiện nay; bày tỏ vui mừng khi Việt Nam đã quyết định mua sắm và sử dụng vắc xin bằng nguồn vốn ngân sách và các nguồn ủng hộ hợp pháp khác.

Đại sứ Giorgio Aliberti tin tưởng Việt Nam có tiềm năng sản xuất vắc xin và gợi ý Việt Nam có thể đề nghị sự hỗ trợ thêm của WHO trong chuyển giao công nghệ liên quan đến phát triển vắc xin và với sự hỗ trợ này Việt Nam sẽ có bước phát triển mới trong nghiên cứu phát triển vắc xin.

Nguồn cung và độ phổ rộng của vắc xin ngừa COVID-19 đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay không phải chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu. Trên tạp chí Nature, GS.TS Gavin Yamey, giám đốc Trung tâm Tác động chính sách trong y tế toàn cầu, Đại học Duke (Hoa Kỳ), đã nhận định: “Nếu thế giới giàu có tiếp tục tích trữ vắc xin, đại dịch sẽ kéo dài thêm bảy năm nữa”.

Vị giáo sư này khẳng định: “Có một nguyên lý trong sức khỏe toàn cầu là dịch bệnh bùng phát ở bất cứ đâu cũng có thể dẫn đến bùng phát ở khắp mọi nơi. Và đó là lý do tại sao cộng đồng quốc tế vì lợi ích chung bắt đầu chia sẻ liều lượng vắc xin để bảo đảm mở rộng nguồn cung cấp vắc xin toàn cầu”.

Giáo sư Yamey cho biết việc không tuân thủ COVAX sẽ khiến hàng tỉ người ở các quốc gia nghèo hơn không được bảo vệ trong một năm hoặc lâu hơn. Điều đó cho phép virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan và làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có thể lây lan nhanh hoặc gây chết người.

Chia sẻ vắc xin mới là hi vọng

Tình hình như vậy có thể gây ra những tác động kinh tế nghiêm trọng đối với cả các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập thấp. Ông trích dẫn một nghiên cứu ước tính việc để các quốc gia nghèo hơn không được bảo vệ có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 9.000 tỉ USD, một nửa thiệt hại trong đó là từ các quốc gia có thu nhập cao.

Các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đều đang đặc biệt nỗ lực trong việc huy động các kênh để có được đủ nguồn cung vắc xin phục vụ cho toàn dân, theo đúng kết luận của Bộ Chính trị đã được ban hành từ hồi tháng 2-2021.

Đến nay Việt Nam mới tiêm vắc xin cho khoảng 1 triệu người, tương ứng với 1,3% dân số trên 18 tuổi cần phải tiêm phòng. Hiện ở châu Âu, việc này có thể bảo đảm diện bao phủ 67% dân số được tiêm chủng vắc xin.

Nhìn ở bức tranh chung của thế giới, theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom, trong hơn 900 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới hiện nay, chỉ có 0,3% là ở các nước thu nhập thấp – một con số mà Tổng thống Pháp Macron mô tả là “không chấp nhận được”.

Hồi tháng 3 đã nổ ra cuộc “khẩu chiến” giữa các cường quốc về vấn đề vắc xin khiến châu Âu đã không còn là một “lục địa bao dung”. Liên minh châu Âu đặt mua vắc xin của Hãng AstraZeneca là liên danh Anh – Thụy Điển, nhưng AstraZeneca nói không thể cung cấp đơn hàng đúng hạn cho EU theo hợp đồng đã ký do trục trặc về khâu sản xuất nên thiếu hàng.

Châu Âu cho rằng AstraZeneca “qua mặt” mình, giao hàng cho các đối tác khác mà không đảm bảo hàng cho châu Âu trong khi chương trình tiêm chủng ở đây có khả năng bị ảnh hưởng do thiếu vắc xin. Kết quả là ngày 24-3, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua việc sửa đổi cơ chế minh bạch và kiểm soát xuất khẩu, dẫn đến việc EU cấm xuất khẩu vắc xin trong sáu tuần để ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho các nước EU.

“Cuộc chiến” vắc xin đến nay đã bớt phần “nóng” khi các nhà lập pháp Nghị viện châu Âu ngày 20-5 đã bỏ phiếu thông qua việc kêu gọi EU ủng hộ đề xuất tạm thời bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin, thiết bị và phương pháp điều trị COVID-19 nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêm ngừa vắc xin.

Mỹ cũng ủng hộ tạm thời bỏ bản quyền vắc xin COVID-19… Song tất cả những chuyển biến này hiện vẫn là khá mong manh trước những lực cản từ lợi nhuận, bù đắp các chi phí nghiên cứu…

Nhưng có những điều còn hơn thế, từ tư tưởng bình đẳng, bác ái cần được nhen lên trong mỗi con người, không phân biệt quốc gia, màu da nào.

ĐOÀN TRẦN
TTO