25/12/2024

Học sinh trường chuyên thi tín chỉ từ bậc phổ thông: Các trường đại học sẵn sàng

Học sinh trường chuyên thi tín chỉ từ bậc phổ thông: Các trường đại học sẵn sàng

Đề xuất của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc học sinh trường THPT chuyên được thi tín chỉ một số môn học ở đại học được các trường đại học ủng hộ và cho rằng các nước trên thế giới đã áp dụng cơ chế này lâu nay.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM  ĐÀO NGỌC THẠCH

Từng có nhiều kế hoạch

Trước khi có đề xuất của Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường đại học (ĐH) đã từng đề nghị cho học sinh (HS) THPT có thể học và thi trước một số tín chỉ ở ĐH.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, khoảng năm 2010 – 2011, ông cùng một số cộng sự đã làm đề án đề xuất HS THPT có thể học và thi tín chỉ một số môn học trước khi vào ĐH. Đề án dựa trên chương trình học AP (Advanced Placement), theo đó HS có thể chọn học trước nhiều môn học theo nhiều chuyên đề khác nhau (38 môn học theo 7 môn chính) ngay từ phổ thông.
Theo tiến sĩ Nghĩa, đề án được xây dựng trên nguyên tắc thí điểm áp dụng cho HS có học lực giỏi Trường Phổ thông năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Theo đó, HS lớp 11, 12 của trường này có thể được học trước một số tín chỉ giai đoạn đại cương của các trường ĐH thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM bằng cách đến trực tiếp các trường này. Sau đó, HS sẽ thi các môn và được chứng nhận hoàn tất môn học, sử dụng để vào học tại các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Tuy nhiên, sau đó đề án này không thể triển khai vì các trường ĐH thành viên không đồng ý bởi nhiều nguyên nhân trong đó có vấn đề học phí, cách cấp tín chỉ, cách tham gia học ĐH…
Năm 2014, một dự án khác được triển khai là chương trình “Trải nghiệm đại học tại Trường THPT” do lãnh đạo Trường Trương Vĩnh Ký liên kết cùng các trường ĐH RMIT, Nguyễn Tất Thành, FPT, Công nghệ TP.HCM thực hiện. Các trường ĐH tham gia chương trình với mục đích tạo cơ hội cho HS Trường Trương Vĩnh Ký được tìm hiểu và học tập các môn học do các trường ĐH tổ chức giảng dạy.
Theo tiến sĩ Trần Ái Cầm, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thời điểm đó, trường có hợp tác với Trường Trương Vĩnh Ký đào tạo một số môn học về kiến thức kỹ năng cho HS phổ thông. Trường sẽ xem xét giảm tín chỉ nếu các HS vào trường ĐH học sau này. Tuy nhiên, sau vài năm, chương trình không tiếp tục nữa vì Trường Trương Vĩnh Ký không tiếp tục triển khai cùng các trường ĐH.
Nói về chương trình này, ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Trương Vĩnh Ký, cho biết trường triển khai chương trình này để giúp HS có hiểu biết về ngành nghề, có kiến thức cơ bản về các nhóm ngành, tiếp cận cách học ở ĐH, có thể chuyển điểm một số tín chỉ khi lên học ĐH tại các trường. Tuy nhiên, triển khai được một thời gian thì trường đành dừng lại vì nhận thấy không còn nhiều hiệu quả mặc dù mục đích thực hiện ban đầu rất tốt.

Học sinh tiếp cận môi trường đại học càng sớm càng tốt

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết thời điểm có đề án cho HS Trường phổ thông Năng khiếu học và thi trước tín chỉ ở các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, vướng mắc lớn nhất là về quy chế. Quy chế chưa có quy định về việc HS THPT có thể đăng ký học tín chỉ và đến các trường ĐH để học.
“Ý tưởng trước đây của ĐH Quốc gia TP.HCM là cho HS THPT có thể đăng ký học một số môn cơ bản tại các trường ĐH để có thể hình dung về đào tạo ĐH, tích lũy tín chỉ. HS THPT lúc này xem như học dự thính tại các trường ĐH. Tuy nhiên, vấn đề là ở Việt Nam nếu chưa tốt nghiệp THPT thì có được đăng ký học tại các trường ĐH hay không? Vì vậy, đến bây giờ đề xuất của Sở GD-ĐT TP.HCM là rất hay nhưng nếu có áp dụng thì cần lưu ý để giải quyết được điều này”, tiến sĩ Hạ nhấn mạnh.
Cũng theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, đứng về góc độ một trường ĐH thì ông rất ủng hộ đề xuất này vì HS tiếp cận môi trường ĐH càng sớm càng tốt. HS sẽ định hình được rất rõ về hướng phát triển sau này. “HS trường chuyên thường rất giỏi. Các em thường xác định cho mình con đường học tập sau này ở ĐH rồi. Học trước tín chỉ ở ĐH thì HS sẽ tiếp cận được môi trường, cách học ở ĐH, rút ngắn thời gian đào tạo. Hy vọng là đề xuất này sẽ trở thành hiện thực”, tiến sĩ Hạ chia sẻ.
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng cho rằng vấn đề chủ yếu nằm ở chính sách. Đề xuất này rất tốt cho HS nhưng hiện tại chưa có quy chế HS THPT có thể tham gia đăng ký học tại trường ĐH. Chỉ cần Bộ GD-ĐT cho phép thì các trường ĐH có thể triển khai vì về kỹ thuật, thực hiện điều này không quá khó.
Học sinh trường chuyên thi tín chỉ từ bậc phổ thông: Các trường đại học sẵn sàng - ảnh 1

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) thực hiện tiết học vật lý  THANH SANG

Không nên giới hạn trong học sinh trường chuyên

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay câu chuyện này không còn mới và ý tưởng đề xuất này đã có từ cách đây khoảng 10 năm.
“Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu giáo dục theo định hướng nghề nghiệp, phát triển năng lực cá nhân thì đây chính là thời điểm thích hợp để thực hiện đề xuất này. Tuy nhiên không chỉ thực hiện trong phạm vi hẹp là HS trường, lớp chuyên mà nên mở rộng đối với HS có năng lực phù hợp”, tiến sĩ Hùng đề xuất.
Ông giải thích: “Trước đây khi bắt đầu có ý tưởng này là lúc HS còn có sự hạn chế về tài nguyên học tập. Thế nhưng trong giai đoạn hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của internet thì khoảng cách đó đã không còn. HS giờ đây hoàn toàn có thể tiếp cận với các chương trình giáo dục vì thế nếu HS nào có năng lực phù hợp, có định hướng nghề nghiệp thì có thể tham gia hoàn tất tín chỉ của bậc ĐH”.
Ông Nguyễn Bác Dụng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cũng cho rằng đề xuất này hợp lý vì tạo điều kiện cho HS phát triển đúng thời điểm, giải quyết được đam mê, khai thác năng lực ở thời điểm phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi. Nếu thực hiện thì sẽ giúp người học rút ngắn thời gian học tập cơ bản, tập trung vào chuyên môn sâu và là động lực để HS khác chủ động phát huy năng lực bản thân. Ông Dụng cũng đồng ý có thể áp dụng với tất cả những HS có năng lực, có đam mê.
Tương tự, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho rằng đề xuất này hoàn toàn phù hợp xu thế hiện nay và cũng phù hợp chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là giao quyền tự chủ cho địa phương trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy.
Theo ông Bình, hiện nhiều trường THPT đã đưa vào giảng dạy chương trình tin học văn phòng MOS, HS sau khi có chứng chỉ tin học MOS lên học ĐH sẽ được công nhận và không phải học lại môn này. Tương tự như vậy với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như TOEIC, IELTS… Đây cũng là một dạng công nhận tín chỉ.
Việc công nhận các môn học ở phổ thông sẽ giúp chương trình đào tạo chuyên thu hút HS hơn. Các em sẽ rút ngắn được thời gian học ĐH và không phải học lại những môn học đã học. Nhờ đó các em sẽ tập trung theo hướng chuyên sâu và phát triển năng khiếu dễ hơn. Điều quan trọng nhất là cần phải có quy định và hướng dẫn để triển khai. (còn tiếp)
Tiếp tục kiến nghị giao quyền cho TP.HCM công nhận tốt nghiệp THPT
Ngày 19.5, trong báo cáo về tình hình triển khai các nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất một số nội dung với Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, sở này đề xuất cho phép HS các trường chuyên, lớp chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường ĐH, cao đẳng để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản.
Đồng thời, Sở GD-ĐT tiếp tục kiến nghị Bộ giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ GD-ĐT định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC…) và công bố rộng rãi toàn quốc.
ĐĂNG NGUYÊN – BÍCH THANH
TNO