23/12/2024

TP.HCM đánh thức đường trên cao

TP.HCM đánh thức đường trên cao

Lần lượt các tuyến đường trên cao của TP.HCM đang rục rịch được đánh thức sau 16 năm nằm trên giấy.
Đường trên cao giúp giải quyết giao thông thành phố thông suốt /// ẢNH: ĐỘC LẬP
Đường trên cao giúp giải quyết giao thông thành phố thông suốt  ẢNH: ĐỘC LẬP

Nhiều doanh nghiệp quan tâm

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về việc nghiên cứu dự án đường trên cao Bắc – Nam từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh. Đây là dự án do Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) đề xuất ý tưởng.
Theo đó, đường trên cao Bắc – Nam bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa – Trường Chinh đến đường Nguyễn Văn Linh là tuyến đường mới, kết hợp một phần tuyến đường trên cao số 1, 2 và 3 (theo quy hoạch) tạo thành hệ thống trục giao thông đô thị Bắc – Nam kết nối với đường vành đai 2, kết nối giữa khu vực nội thành và ngoại thành. Đồng thời, kết nối khu vực phía bắc TP (quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp và Q.12), khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với khu vực trung tâm (quận 1, 3, 4), khu đô thị nam Sài Gòn và ngược lại.
Điểm đầu của tuyến này là nút giao Cộng Hòa – Trường Chinh, chạy dọc theo đường Cộng Hòa – Bùi Thị Xuân – Hẻm 656 (CMT8) – Bắc Hải – Lý Thái Tổ – Nguyễn Văn Cừ – dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh. Toàn tuyến có chiều dài 14,1 km, chiều rộng 30 m, phần đường trên cao 4 làn xe 16 m. Tổng mức đầu tư ước khoảng 30.000 tỉ đồng, được đề xuất theo hình thức đối tác công – tư (PPP), hợp đồng BOT.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện CII thông tin, trước đây công ty đã đề nghị được tham gia nghiên cứu đầu tư tuyến đường trên cao số 1. Tuy nhiên sau thời gian khảo sát, CII nhận thấy tuyến đường này đi qua các trục đường gồm dày đặc các dự án mới, rất khó đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), nên doanh nghiệp (DN) đành tạm dừng và chuyển hướng sang nghiên cứu đường trên cao Bắc – Nam khả thi hơn.
Trước đó, Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO cũng đã đề xuất tự bỏ kinh phí nghiên cứu đầu tư dự án đường trên cao số 5 giai đoạn 1 theo hợp đồng BOT. Tuyến đường dài 21,5 km, quy mô 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao Trạm 2 trên xa lộ Hà Nội (TP.Thủ Đức) đi trùng QL1 đến ngã tư An Sương (Q.12), tổng vốn đầu tư hơn 15.400 tỉ đồng. Dự án thuộc danh mục TP.HCM kêu gọi đầu tư năm 2021, thực hiện giai đoạn 2021 – 2030 theo hợp đồng BOT. Phương án này được Sở GTVT ủng hộ, đề nghị Sở KH-ĐT hướng dẫn lập hồ sơ đầu tư.
Bên cạnh tuyến đường trên cao số 5, tuyến đường trên cao số 1 (từ Cộng Hòa – Lăng Cha Cả – Điện Biên Phủ – cầu Thủ Thiêm 1) dài khoảng 9,5 km, tổng vốn đầu tư hơn 17.000 tỉ đồng cùng nằm trong danh sách 55 dự án về hạ tầng giao thông mà Sở GTVT đề xuất UBND TP chấp thuận nghiên cứu chủ trương đầu tư ngay trong năm 2021, trình HĐND TP thông qua. Hai tuyến đường trên cao số 1 và 5 được coi là một trong những khung xương của hệ thống giao thông, biện pháp căn cơ giải quyết ùn tắc giao thông tại các nút giao.

Gỡ nút thắt nguồn vốn

Theo quy hoạch phát triển GTVT được Thủ tướng phê duyệt, chậm nhất đến năm 2020, TP.HCM xây dựng xong tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài 70,7 km. Tuy nhiên từ khi lên kế hoạch vào năm 2005 đến nay đã 16 năm, TP vẫn chưa có tuyến nào được đầu tư xây dựng. Đại diện Sở GTVT khẳng định về mặt kỹ thuật thì việc xây dựng các tuyến đường trên cao không gặp khó khăn gì. Tuy nhiên, khó khăn nhất là phương án tài chính để hoàn vốn. Hầu hết dự án đường trên cao đều đòi hỏi vốn lớn, mỗi dự án đều trên 10.000 tỉ đồng, chưa kể GPMB, giải tỏa hệ thống điện… Trong khi đó, việc thu phí xe lưu thông chỉ đủ khoảng 20% so với tổng vốn đầu tư nên nhiều nhà đầu tư e ngại.

Các đô thị như Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia) hay Manila (Philippines), khi chưa có đường cao tốc trong đô thị thì ùn tắc khủng khiếp, để ra được sân bay phải đi trước 5 – 6 tiếng đồng hồ. Sau khi xây dựng xong một số tuyến đường trên cao, tốc độ đi lại nhanh hơn rất nhiều. Ước tính hệ thống đường trên cao có thể giúp nâng cao tốc độ di chuyển trung bình lên khoảng 10 – 15%.

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức

Do đó, với những đề xuất cùng tham gia nghiên cứu của các DN, Sở GTVT nhận định trước tình hình khó khăn về ngân sách, việc đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT giai đoạn hiện nay là phù hợp. Sở kiến nghị UBND TP giao Sở KH-ĐT tham mưu UBND TP kêu gọi đầu tư và phát triển đường trên cao theo các phương án: Phương án 1 là giao Sở GTVT phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện công tác chuẩn bị dự án (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án khả thi), tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với một số tuyến đường trên cao theo quy hoạch được phê duyệt; Phương án 2 – giao Sở KH-ĐT hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đề xuất dự án PPP theo quy định.

Ông Trần Chí Trung, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Sở GTVT TP.HCM) đánh giá việc các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm trở lại với các tuyến đường trên cao là tín hiệu rất tốt. Bên cạnh đó, đề án tăng chỉ tiêu điều tiết ngân sách giữ lại cho TP.HCM đang được sự đồng thuận của cả Thủ tướng và Chủ tịch nước, trong đó tinh thần của đề án là ưu tiên cho phát triển hạ tầng. Như vậy, bên cạnh cơ hội đẩy nhanh các dự án cấp bách, trọng điểm, đối với các dự án có thể xã hội hóa được, TP sẽ có thêm nguồn vốn ngân sách để huy động thêm nguồn lực từ khối DN tư nhân, giống như phương án các DN đang đề xuất đối với tuyến đường trên cao số 1 và số 5.
“Hiện nay theo luật PPP, phần vốn nhà nước sẽ đóng góp vào khâu GPMB hoặc xây lắp. TP.HCM đang thiên về phương án hỗ trợ DN phần GPMB, nhà đầu tư đảm nhận phần xây lắp để thu phí, phương án tài chính như vậy khả thi hơn. Đồng thời, việc chia nhỏ các tuyến đầu tư phân kỳ như phương án CII đang đề xuất với đường trên cao Bắc – Nam cũng là một trong những cách giảm bớt gánh nặng cho nhà đầu tư”, ông Trung thông tin.
TP.HCM đánh thức đường trên cao - ảnh 1

Đường trên cao là yêu cầu hạ tầng cơ bản, quan trọng nhất để giải quyết giao thông thành phố thông suốt   ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Xóa ùn tắc, tăng tốc độ lưu thông

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, nhận định việc xây dựng các tuyến đường trên cao là vô cùng cấp bách vì nút giao thông, điểm giao cắt chính là khởi nguồn phát sinh ùn tắc tại các đô thị, TP lớn. Tại hầu hết các TP trên thế giới có mật độ lưu thông lớn, các nút giao đều là nút giao khác mức hoặc lập thể, thậm chí có những điểm hình thành tới 5 – 6 tầng lưu thông mới có thể hạn chế kẹt xe. Trong khi ở TP.HCM, chủ yếu các nút giao đều theo dạng vòng xuyến, xe cộ lưu thông trên cùng một mặt bằng quá đông, không thể tránh khỏi ùn tắc.
TP.HCM đánh thức đường trên cao - ảnh 2

Đồ họa: Hồng Sơn

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, nhấn mạnh các tuyến đường trên cao, đường vành đai, đường xuyên tâm là yêu cầu hạ tầng cơ bản, quan trọng nhất để giải quyết giao thông TP thông suốt. Các tuyến đường cao tốc nội đô được hình thành sẽ tạo thành mạng lưới kết nối các khu vực trung tâm TP và các đầu mối giao thông như cảng hàng không, cảng biển, cửa ngõ, các tuyến đường cao tốc. Tách được lượng giao thông liên tỉnh, liên vùng ra khỏi mạng lưới giao thông nội đô sẽ không chỉ giải quyết được ùn tắc hiện hữu mà còn giúp các phương tiện có nhu cầu đi xa di chuyển nhanh hơn, thuận tiện hơn, tiết giảm nhiều chi phí xã hội.
HÀ MAI
TNO