Bi kịch từ sai lầm trong chương trình tiêm chủng của Ấn Độ
Bi kịch từ sai lầm trong chương trình tiêm chủng của Ấn Độ
Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu chương trình tiêm chủng cho khoảng 960 triệu người dân đủ điều kiện trong khi nước này vẫn chưa hề sở hữu đủ 1,8 tỉ liều vắc xin cần thiết. Nền tảng do chính phủ lập ra để người dân đăng ký tiêm chủng nhanh chóng quá tải và hàng trăm triệu người không sở hữu điện thoại thông minh hoặc internet hoàn toàn không có cơ hội nào trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này.
Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng nhiều sai lầm như lập kế hoạch kém, mua vắc xin lắt nhắt và không kiểm soát giá cả – đã biến chương trình tiêm chủng tại Ấn Độ trở thành một cuộc cạnh tranh vô cùng bất công, theo BBC.
Chiến lược không hoàn chỉnh
Ông Achal Prabhala, điều phối viên của AccessIBSA, tổ chức vận động tiếp cận dược phẩm bình đẳng tại Ấn Độ, Brazil và Nam Phi cho biết: “Ấn Độ đã đợi đến tháng 1 mới đặt hàng vắc xin với số lượng cực ít, trong khi họ có thể đặt trước từ sớm”. Trái lại, Mỹ và Châu Âu đã đặt hàng trước với số liều vượt mức họ cần gần một năm trước khi vắc xin chính thức sẵn sàng để tiêm chủng.
Từ tháng 1-5.2021, Ấn Độ mua được 350 triệu liều vắc xin với giá 2 USD/liều nhưng số này là không đủ cho 20% dân số của quốc gia 1,4 tỉ dân.
Không chỉ vậy, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố rằng Ấn Độ đã đánh bại Covid-19. Thậm chí, ông còn làm “ngoại giao vắc xin”, xuất khẩu nhiều vắc xin hơn số được tiêm chủng ở Ấn Độ tính đến tháng 3.
|
Theo bà Malini Aisola, người đồng sáng lập tổ chức vận động tiếp cận thuốc công bằng AIDAN, một thất bại khác là việc không tận dụng năng lực sản xuất to lớn của Ấn Độ. Không giống như Mỹ và Anh, Ấn Độ đợi đến tận ngày 20.4, thời gian nước này đang lún sâu vào làn sóng thứ hai, mới tăng hạn mức tài trợ 610 triệu USD cho Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và công ty Bharat Biotech để thúc đẩy sản xuất. Gần đây, bốn công ty, bao gồm 3 công ty thuộc sở hữu của chính phủ, mới được trao quyền sản xuất vắc xin Covaxin do Bharat Biotech phát triển.
Mạnh ai nấy giành
Bà Aisola cho biết việc chỉnh phủ liên bang đứng ra đại diện để mua vắc xin mang lại lợi thế trong việc đàm phán giá cả. Tuy nhiên theo quy định mới, từ ngày 1.5, các bang và bệnh viện tư nhân được quyền tự giao dịch với các nhà sản xuất vắc xin, gây ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các bên.
|
Các bang giờ phải trả tới 4 USD cho một liều Covishield (vắc xin của AstraZeneca cấp phép cho SII sản xuất) và 8 USD cho một liều Covaxin do Bharat Biotech sản xuất, so với chỉ 2 USD một liều nếu chính quyền liên bang mua. Tại các bệnh viện tư nhân, một liều vắc xin hiện có thể lên tới 20 USD.
Một số bang hiện đã công bố kế hoạch nhập khẩu các loại vắc xin khác từ các công ty dược phẩm như Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Tuy nhiên, không nhà sản xuất nào có thể đảm bảo nguồn cung trong vài tháng tới vì các quốc gia giàu hơn đã đặt hàng trước.
HẠ THÁI
TNO