26/12/2024

Xu hướng nghề thời 4.0: Nên chọn thế nào?

Xu hướng nghề thời 4.0: Nên chọn thế nào?

Định hướng nghề nghiệp cá nhân là bước đi quan trọng dẫn đến tương lai, vì thế hãy luôn suy nghĩ thật kỹ và can đảm bước trên con đường mình đã chọn.
Tòa nhà N1 thuộc Trung tâm phát triển công nghệ cao Trường đại học Nguyễn Tất Thành /// H.T
Tòa nhà N1 thuộc Trung tâm phát triển công nghệ cao Trường đại học Nguyễn Tất Thành  H.T

Chạy theo ngành hot

Vào mỗi mùa tuyển sinh thì câu chuyện chọn ngành, chọn trường luôn là mối quan ngại của hầu hết thí sinh (TS), nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Hàng loạt câu hỏi đặt ra cho các TS là nên theo học ngành mình thích hay ngành ổn định, đảm bảo đầu ra… Nhiều bạn cảm thấy choáng ngợp như lạc vào “ma trận” về ngành mới và nghề “hot”. Vậy những người trong cuộc liệu có đủ tỉnh táo để đưa ra quyết định chọn ngành học và tương lai cho mình?
Năm 2021, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành áp dụng 4 phương thức tuyển sinh cho 48 chương trình đào tạo bậc đại học

Năm 2021, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành áp dụng 4 phương thức tuyển sinh cho 48 chương trình đào tạo bậc đại học  H.T

Chọn sai ngành: “sai một li – đi vạn dặm”

Theo đại diện Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU), tại các chương trình Ngày hội tư vấn tuyển sinh, đa phần TS tìm đến gian hàng của trường đều quan tâm: nghề nào sẽ bị rô bốt thay thế, trường đang đào tạo những ngành 4.0 “thời thượng” nào… Thậm chí theo thống kê từ cổng thông tin tuyển sinh của trường, nhóm ngành dẫn đầu cuộc đua “hút” TS năm nay đều là những “ngành hot và nghề mốt”: y khoa, dược học, điều dưỡng, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin…
Đây là những ngành đáp ứng xu thế của xã hội song TS không nên ngộ nhận các ngành đó phù hợp với mọi cá nhân. Một nghề có thể là nhẹ nhàng với người này nhưng sẽ là nặng nhọc với người khác. Chưa kể việc chạy theo nghề “hot” cũng có nhiều rủi ro bởi ngành được coi là “hot” hôm nay có thể sẽ hết “hot” trong 4 – 5 năm tới khi TS ra trường, khi đó xu hướng việc làm sẽ biến đổi rất nhiều. Chỉ cần chọn “sai một li là đi vạn dặm”, khi nguồn cung nhân lực quá lớn thì sẽ làm tăng nguy cơ thất nghiệp.
Một thực trạng đáng lo ngại nữa là các TS còn quá thờ ơ với việc chọn ngành học. Nhiều bạn lại “dựa dẫm” hoàn toàn vào bố mẹ, bố mẹ hướng thế nào thì đi thế ấy. Cô Nguyễn Thị Phượng, chuyên viên tư vấn tuyển sinh NTTU kể: “Tham gia công tác tuyển sinh của trường tôi nhiều lần phải tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh chứ không phải TS. Có phụ huynh còn tự mình đi nộp hồ sơ xét tuyển, hay gọi điện nhờ chúng tôi tư vấn để xem mình nên chọn ngành học nào cho con”. Trường hợp một SV (giấu tên) năm 3 ngành Dược học (NTTU) là một câu chuyện buồn từ sự áp đặt của bố mẹ: “Năm nhất học, em bị sốc, sốc vì lượng kiến thức bị nhồi nhét và những tên thuốc dài ngoằng… Sang đến kỳ 3 lại gặp phải bộ 3 huyền thoại vi sinh – thực vật – giải phẫu, rồi phải thường xuyên đi thực tập nữa, rất áp lực. Em thấy em không hợp với ngành dược nhưng bỏ học thì lại sợ bố mẹ la nên… học đến giờ”.
Cũng tâm lý chán học, nhưng bạn Đức Anh, SV năm 2 ngành Ngôn ngữ Anh, lại muốn chuyển ngành: “Lúc đầu là do em chọn đại. Vào học em không tiếp thu được bài, đã vậy còn phải học ngôn ngữ hai nữa. Em tính vài hôm nữa sẽ làm hồ sơ xét tuyển học bạ học lại ngành thời trang mà em thích từ nhỏ”.
Steve Jobs có một câu nói nổi tiếng: “Cách duy nhất để bạn đạt được đến thành công tột độ là yêu thích những gì bạn làm”, bởi sở thích và đam mê chính là sợi dây gắn kết giúp bạn theo đuổi bất cứ ngành nghề nào tới cùng. Như câu chuyện của bạn Quốc Công, cựu SV ngành Công nghệ thực phẩm (NTTU), chính là kết quả đẹp cho sự quyết tâm theo đuổi đam mê và sở thích: “Nhà tôi có truyền thống viên chức nên bố mẹ muốn tôi thi vào ngành truyền thống để sau này cùng làm việc trong Nhà nước nhưng tôi nhất quyết chọn gắn bó với những buổi học làm bánh mì, lên men thực phẩm, sấy dẻo rau củ quả… Vì tôi thích nên tôi quyết theo chứ ban đầu bố mẹ còn dọa đuổi khỏi nhà. Giờ thì cửa hàng bánh mì của tôi bán đắt nên bố mẹ vui lắm, còn đầu tư vốn để tôi mở thêm chi nhánh…”.
Vậy mới thấy “nỗ lực một đời không bằng lựa chọn đúng một lần”, việc bạn cố gắng hay nỗ lực bao nhiêu lần đôi khi không bằng một sự lựa chọn đúng. Làm đúng, làm tốt, một việc nhỏ có khi lại đưa ta đến với thành công ngoài mong đợi.
HOÀNG TIẾN
TNO