Góc ngẫm nghĩ: Khắc phục bệnh phô trương thành tích trong giáo dục có khó?
Góc ngẫm nghĩ: Khắc phục bệnh phô trương thành tích trong giáo dục có khó?
Bệnh thành tích đã và đang là một thực trạng đáng buồn của ngành giáo dục nước ta.
Vì vậy, Văn phòng Chính phủ vừa mới phát đi thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với 10 vấn đề của ngành GD-ĐT. Trong đó nhấn mạnh việc “khắc phục bằng được bệnh phô trương, thành tích để đi vào thực chất, lấy hiệu quả và sự hài lòng của người dân làm thước đo được đặt lên hàng đầu”.
Vậy để khắc phục bằng được bệnh phô trương, thành tích để đi vào thực chất Bộ GD-ĐT cần làm gì?
Trước tiên ngành giáo dục, các nhà trường không nên đề ra các tiêu chí thi đua thiếu hợp lý. Các chỉ tiêu thi đua phải được xây dựng trên cơ sở thực tế, đặc thù của từng bộ môn, từng lớp, từng trường, từng vùng miền… Đặc biệt, không nên đề ra các chỉ tiêu về chất lượng bộ môn phải đạt, học sinh giỏi trường, huyện, tỉnh, số lượng học sinh phải lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp là bao nhiêu… Chúng ta cần chấp nhận hằng năm có một số lượng học sinh lưu ban trong mỗi lớp và tỷ lệ tốt nghiệp thực chất hơn con số trên 90% tốt nghiệp THPT hiện nay.
Kế đến, cần tinh giảm các phong trào thi đua không cần thiết mang tính hình thức hiện nay như thi học sinh giỏi cấp THCS, giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách Đội giỏi, thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật… tạo áp lực cho học sinh, thầy cô.
Bộ GD-ĐT cần thiết kế các kỳ kiểm tra đánh giá, thi với xu hướng gọn nhẹ hơn, chú trọng nhận xét sự tiến bộ của học sinh hơn là đánh giá dựa trên điểm số hiện nay.
Cuối cùng Bộ GD-ĐT cần có cơ chế chính sách trong việc đổi mới căn bản toàn diện nội dung chương trình giảng dạy để học sinh không phải học thêm, thầy cô không cần phải dạy thêm. Những trường hợp gian dối, báo cáo không trung thực phải được xử lý quyết liệt.
Khắc phục bệnh phô trương thành tích trong giáo dục là việc làm thường xuyên, liên tục nhằm tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo.
Nguyễn Văn Lực
(Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
TNO