Tệ nạn bủa vây cơn “khát” vắc xin ngừa Covid-19
Tệ nạn bủa vây cơn “khát” vắc xin ngừa Covid-19
Việc khan hiếm vắc xin ngừa Covid-19 đang dẫn đến sự lạm dụng quyền lực để được tiêm phòng sớm rồi lừa gạt bán vắc xin giả… đang xảy ra ở nhiều nước.
Hồi tháng 1, người dân Li Băng vô cùng vui mừng khi Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo sẽ phân bổ 34 triệu USD để tài trợ việc mua vắc xin Pfizer/BioNTech, với số lượng đủ cho khoảng 1/3 dân số nước này. WB yêu cầu chính phủ Li Băng phải công bằng và minh bạch trong việc phân phối vắc xin nhằm đảm bảo không ai lợi dụng quyền lực để được tiêm chủng trước.
Lợi dụng quyền hành
Vài ngày sau khi đợt tiêm chủng ở Li Băng, một vụ bê bối đã nổ ra khi các nghị sĩ và các quan chức cấp cao khác của Li Băng, gồm Tổng thống Michel Aoun và đoàn tùy tùng của ông, đã được tiêm vắc xin tại tòa nhà quốc hội mặc dù không đủ tiêu chuẩn được tiêm sớm, theo BBC. Tin tức này gây làn sóng phản đối kịch liệt từ người dân. WB cũng đe dọa cắt tài trợ nếu còn bất kỳ hành động nào tương tự từ chính phủ Li Băng.
Tuy nhiên, đây không phải là vụ bê bối duy nhất. Hồi tháng 2 tại Peru, Tổng thống Francisco Sagasti cho biết có hơn 480 người, bao gồm một số bộ trưởng và một cựu tổng thống, đã lợi dụng chức vụ để được bí mật tiêm vắc xin Covid-19 của Trung Quốc trước khi triển khai đại trà cho người dân, theo CNN.
Số vắc xin này là một phần trong thử nghiệm lâm sàng nhằm kiểm tra hiệu quả của vắc xin Sinopharm tại Peru. Khi đó, bà Pilar Mazzetti đang giữ chức Bộ trưởng Y tế và bà Elizabeth Astete đang giữ chức Ngoại trưởng của Peru đã từ chức sau khi thông tin về vụ việc bị lọt ra ngoài.
Tương tự, Bộ trưởng Y tế Argentina Gines Gonzalez Garcia cũng đã phải từ chức sau vụ việc một số người lợi dụng mối quan hệ với quan chức để được “bon chen” tiêm trước vắc xin Covid-19 dù không nằm trong danh sách ưu tiên. Vụ việc gây bức xúc lớn trong dư luận giữa lúc Argentina lâm vào tình trạng thiếu hụt vắc xin. Nước này hiện đang ưu tiên tiêm chủng cho các nhân viên y tế tuyến đầu cũng như người cao tuổi.
Ngoài ra, nhu cầu tiêm chủng ngày một tăng cao trong bối cảnh thiếu hụt vắc xin của các nước trên thế giới cũng dẫn đến các vấn đề hết sức nghiêm trọng liên quan nguồn cung vắc xin.
|
Chiêu trò trục lợi
Mới đây nhất, vào ngày 11.5, Bộ Y tế Peru cho biết đang điều tra các điều dưỡng bị cáo buộc cố tình tiêm ống tiêm rỗng không có vắc xin Covid-19 cho bệnh nhân trong chiến dịch tiêm chủng của nước này.
Lo ngại số ca tử vong còn tăng cao
Hôm qua, số ca tử vong vì Covid-19 ở Ấn Độ đã tăng gần 4.000 trong vòng 24 giờ. Như vậy, chỉ trong vòng một tuần, quốc gia Nam Á ghi nhận thêm khoảng 1,7 triệu trường hợp và hơn 20.000 người chết, theo Reuters dẫn số liệu của Bộ Y tế. Trước diễn biến báo động của dịch bệnh tại Ấn Độ, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo năm thứ hai của dịch Covid-19 dự kiến sẽ còn chết chóc hơn năm đầu tiên.
Tại Campuchia, chính quyền Phnom Penh hôm 15.5 phát hiện thêm 335 ca Covid-19, trong số này có nhà báo và quan chức thành phố. Bên cạnh đó, Lào xác nhận 72 ca mới, với 14 trường hợp xét nghiệm dương tính ở thủ đô Vientiane.
Cùng ngày, Đài Loan nâng mức báo động Covid-19 đối với Đài Bắc và Tân Bắc. Chính quyền thi hành các biện pháp hạn chế tụ tập, đóng cửa nhiều địa điểm và buộc đeo khẩu trang nơi công cộng sau khi ghi nhận 180 ca nhiễm cộng đồng mới trong vòng 24 giờ. Còn Trung Quốc cũng quyết định hủy bỏ mùa leo núi Everest vì dịch Covid-19.
Tại Mỹ, sau khi thông báo những người tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 không cần phải đeo khẩu trang ngoài trời và đa số trường hợp trong nhà, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) công bố số liệu về hiệu quả của vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna. Theo đó, cả hai loại vắc xin này chứng tỏ năng lực bảo vệ lên đến 94% ở trường hợp các nhân viên y tế. Một số tiểu bang như Maryland, Virginia đã dỡ bỏ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang theo sau khuyến cáo của CDC.
Phi Yến
Nhà chức trách chưa tìm ra động cơ cho hành vi này, tuy nhiên Tổng thống Francisco Sagasti cho biết hôm 11.5 rằng đây là “một điều rất đáng lo ngại và một số trường hợp thậm chí có thể là tội phạm”.
Còn tại Nam Phi, nhà chức trách đã thu hồi khoảng 2.400 liều vắc xin Covid-19 giả tại một nhà kho ở tỉnh Gauteng, đồng thời bắt giữ 3 công dân Trung Quốc và 1 công dân Zambia. Tại Trung Quốc, cảnh sát cũng đã bắt giữ 80 nghi phạm và tịch thu ít nhất 3.000 liều vắc xin tại một nhà máy được cho là sản xuất vắc xin giả.
Ngoài ra, Hãng dược Pfizer của Mỹ cho biết đã xác định được các phiên bản vắc xin Covid-19 giả mạo ở Mexico và Ba Lan. Số vắc xin này đã bị cơ quan chức năng hai nước thu giữ và kiểm tra xác nhận là giả.
Tại Mexico, những lọ vắc xin được dán nhãn mác giả và đã bị cảnh sát nước này phát hiện sau khi được chào bán trên mạng xã hội với giá lên tới 2.500 USD một liều. Theo tờ The Wall Street Journal, khoảng 80 người tại một phòng khám ở Mexico đã được tiêm loại thuốc tuy vô hại về thể chất, nhưng không có tác dụng chống lại Covid-19. Trong khi đó, một loại vắc xin giả bị phát hiện ở Ba Lan được cho thực chất là thuốc điều trị nếp nhăn, theo Pfizer.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đã quan sát được sự gia tăng mạnh các hoạt động quảng cáo liên quan vắc xin ngừa Covid-19 trên các trang web đen, trong đó có cả hộ chiếu vắc xin và giấy xét nghiệm âm tính giả được rao bán tràn lan. Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đưa ra cảnh báo toàn cầu rằng vắc xin Covid-19 sẽ là mục tiêu hàng đầu của các đường dây tội phạm.
Với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, các tệ nạn liên quan vắc xin Covid-19 chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Đây sẽ là một thách thức lớn trong nỗ lực phòng chống đại dịch, đòi hỏi các quốc gia phải cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn cho người dân của mình.
ĐỨC THƯỜNG
TNO