Rà soát, nâng cao chất lượng xét nghiệm Covid-19

Rà soát, nâng cao chất lượng xét nghiệm Covid-19

Hội nghị trực tuyến tập huấn về xét nghiệm Covid-19 đã được Bộ Y tế tổ chức sáng qua 14.5 tại Hà Nội và các đầu cầu khác trên cả nước.
Kỹ thuật lấy mẫu có vai trò quan trọng cho chất lượng xét nghiệm Covid-19 /// ĐẬU TIẾN ĐẠT
Kỹ thuật lấy mẫu có vai trò quan trọng cho chất lượng xét nghiệm Covid-19 ĐẬU TIẾN ĐẠT
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, VN có 175 phòng xét nghiệm Covid-19 (cả khẳng định và sàng lọc), 31 loại sinh phẩm đã được cấp phép cho các kỹ thuật xét nghiệm Realtime RT-PCR, kháng nguyên nhanh và xét nghiệm kháng thể. Công suất xét nghiệm hiện nay đã tăng 2 – 3 lần so với các đợt dịch trước, có thể đạt khoảng 100.000 mẫu đơn/ngày.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, công suất xét nghiệm cơ bản đáp ứng phòng chống dịch hiện tại. Tuy nhiên, các đơn vị phải tăng cường chất lượng xét nghiệm từ khâu lấy mẫu, đảm bảo quy trình xét nghiệm, nội kiểm, ngoại kiểm.
Hiện, một số cơ sở y tế, kể cả bệnh viện lớn vẫn chưa thực hiện kỹ thuật Realtime RT-PCR xét nghiệm khẳng định ca bệnh Covid-19, mặc dù Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện từ 300 giường bệnh bắt buộc có phòng xét nghiệm khẳng định.
Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn này, dịch có khả năng lan rộng và phải dự phòng tình huống có 30.000 người nhiễm trên cả nước. Để đảm bảo công suất xét nghiệm, các đơn vị, địa phương phải thực hiện được kết hợp các phương tiện xét nghiệm. Bên cạnh kỹ thuật Realtime RT-PCR là xét nghiệm khẳng định ca bệnh, các đơn vị cần triển khai tích cực xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Đây là loại xét nghiệm giúp bệnh viện sàng lọc nhanh (đặc biệt khi cần xử trí bệnh nhân cấp cứu), trong thời gian chờ xét nghiệm Realtime RT-PCR, vì xét nghiệm khẳng định mất thời gian lâu hơn (khoảng 6 tiếng). Xét nghiệm kháng nguyên nhanh còn phục vụ xét nghiệm cho vùng tâm dịch, hoặc nơi cần xét nghiệm rộng như khu công nghiệp hay cơ sở y tế.
Với phương pháp xét nghiệm gộp mẫu, các đơn vị thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế là gộp 5 -10 mẫu, giúp tăng công suất sàng lọc ca dương tính. Xét nghiệm gộp mẫu là phương pháp lấy một phần của mỗi mẫu để đưa vào gộp và tách chiết, xét nghiệm. Phần còn lại của các mẫu được bảo quản để xét nghiệm riêng lại lần 2, nếu trước đó xét nghiệm mẫu gộp cho kết quả dương tính.
Một chuyên gia cho biết, về nguyên tắc chung, kết quả xét nghiệm kháng nguyên đánh giá ca đó không nhiễm hoặc nhiễm vi rút ở thời điểm đó. Còn xét nghiệm kháng thể giúp tìm kháng thể trong máu, nhằm xác định một người đã từng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hay chưa.
Kháng thể do hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra sau khi người đó nhiễm bệnh hoặc tiêm vắc xin. Xét nghiệm kháng thể không khẳng định chính xác người đó hiện có nhiễm bệnh hay không. Bởi cơ thể mất 1 – 3 tuần để sản sinh kháng thể sau khi nhiễm bệnh. Do đó, nếu người có kháng thể với vi rút SARS-CoV-2 (mà không do tiêm vắc xin, không phải là bệnh nhân Covid-19 trước đó), có thể thấy, họ đã từng nhiễm SARS-CoV-2.
Theo chuyên gia, nếu một người đã có kháng thể với SARS-CoV-2 (mà chưa từng là bệnh nhân Covid-19, chưa từng tiêm vắc xin Covid-19) thì có thể đó là ca bệnh trong cộng đồng. Do đó, kết quả xét nghiệm kháng thể với các mẫu được lấy trong cộng đồng cho phép đánh giá dịch tễ, diễn biến dịch Covid-19, từ đó có giải pháp phòng chống, kiểm soát dịch.
Các chuyên gia về xét nghiệm lưu ý: Cùng với trang thiết bị, sinh phẩm, việc lấy mẫu xét nghiệm có vai trò quyết định sự chính xác của kết quả xét nghiệm. Do đó, cán bộ lấy mẫu cần được phải được tập huấn kỹ về kỹ thuật lấy mẫu. Vật liệu lấy mẫu, môi trường lấy mẫu cũng phải phù hợp với kỹ thuật lấy mẫu.
LIÊN CHÂU
TNO