Nghịch lý Nhật Bản: dư vắc xin nhưng thiếu người tiêm
Nghịch lý Nhật Bản: dư vắc xin nhưng thiếu người tiêm
Chương trình tiêm chủng của Nhật Bản đang diễn ra chậm chạp dù nước này đã có nguồn vắc xin ổn định, thậm chí hàng triệu liều vẫn còn nằm trong kho vẫn chưa được sử dụng.
Nhật Bản triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 từ giữa tháng 2, chậm hơn Mỹ và nhiều quốc gia khác. Đến nay, chỉ khoảng 1% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Có 4,8 triệu nhân viên y tế được ưu tiên tiêm ngừa, nhưng chưa đến một phần ba trong đó đã tiêm xong mũi thứ hai, theo AP.
Ban đâu, các quan chức đổ lỗi sự chậm trễ này cho việc thiếu hụt vắc xin Pfizer. Bước khởi đầu chậm chạp là do Nhật Bản yêu cầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Pfizer trong và ngoài nước, trong khi hàng chục quốc gia khác đã chấp nhận kết quả của các cuộc thử nghiệm được công bố vào tháng 11.2020 và bắt đầu tiêm chủng.
Người Nhật thường nghi ngờ các loại thuốc sản xuất ở nước ngoài, đặc biệt là vắc xin, một phần là do tác dụng phụ thường xuất hiện. Các nhân viên y tế cho rằng cần trì hoãn để tiếp tục xây dựng niềm tin vào vắc xin cho người dân. Tuy nhiên, Thủ tướng Yoshihide Suga thừa nhận rằng cần phải điều chỉnh các quy định để ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Sau 3 tháng, lượng vắc xin đã ổn định và các quan chức đang cố gắng đẩy nhanh công tác tiêm chủng, nhưng Nhật Bản vẫn là một trong những nước tiêm vắc xin chậm nhất trên thế giới.
|
Nhật Bản đã mua được 344 triệu liều, đủ cho toàn bộ dân số cho đến cuối năm nay (gồm 194 triệu liều vắc xin Pfizer, 120 triệu liều vắc xin AstraZeneca và 50 triệu liều vắc xin Moderna). Dữ liệu của Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy khoảng 7 triệu liều vắc xin vẫn đang chưa được sử dụng.
Lo ngại lớn nhất của giới chức y tế Nhật Bản là thiếu nhân viên tiêm chủng đã qua đào tạo. Người Nhật thường chỉ tin tưởng bác sĩ và y tá để tiêm cho họ. Các nha sĩ sẵn sàng giúp đỡ và đã được ủy quyền, nhưng vẫn chưa được kêu gọi. Việc cho phép các dược sĩ tại hiệu thuốc như ở Mỹ hoặc từ các tình nguyện viên chỉ qua đào tạo ngắn hạn như ở Anh được tiêm vắc xin vẫn là điều không tưởng ở Nhật Bản.
Mặc dù Thủ tướng Suga cam kết sẽ tiêm chủng cho tất cả người dân đủ điều kiện vào cuối tháng 9, một số quan chức cho biết muốn hoàn tất việc này có thể phải đến năm sau. Như vậy, đất nước này sẽ không thể nào đạt được “miễn dịch cộng đồng” trong 2 tháng trước khi Thế vận hội Tokyo bắt đầu.
Trước những khó khăn trong công tác điều trị cho các ca nhiễm trong nước và thực hiện tiêm chủng trên diện rộng, không chắc liệu hệ thống y tế đang chịu quá nhiều áp lực này có thể tiếp nhận thêm lượng bệnh nhân trong thời gian thế vận hội diễn ra hay không.
Người dân ngày càng thất vọng với công tác triển khai vắc xin Covid-19 chậm chạp và hàng loạt đợt ban bố tình trạng khẩn cấp của chính phủ. Mặt khác, nhiều người cũng đang phản đối quyết định đăng cai Thế vận hội.
HẠ THÁI
TNO