27/12/2024

Nên thay mới đồ lót bao lâu một lần, hãy nghe giải thích từ chuyên gia!

Nên thay mới đồ lót bao lâu một lần, hãy nghe giải thích từ chuyên gia!

Những bộ quần áo mặc bên ngoài để đi làm, đi chơi thường xuyên được chúng ta thay đổi và mua mới. Nhưng với đồ lót, mọi người có xu hướng mặc nhiều năm vẫn chưa thay mới, thậm chí đến khi chúng bị mòn và rách.
Nghiên cứu khuyến cáo mọi người nên thay mới đồ lót ít nhất 1 năm/lần /// Ảnh: Shutterstock
Nghiên cứu khuyến cáo mọi người nên thay mới đồ lót ít nhất 1 năm/lần  ẢNH: SHUTTERSTOCK
Rất ít người trong chúng ta có thói quen thường xuyên thay mới đồ lót, tức bỏ những đồ lót cũ và mua những đồ lót mới. Nguyên nhân là do mọi người dường như ít bận tâm về đồ lót so với quần áo mặc bên ngoài, theo The Independent.
“Đồ lót tiếp xúc trực tiếp với da, cụ thể hơn là da ở những bộ phận kín, trong thời gian dài. Điều này khiến đồ lót tích tụ nhiều tế bào da chết cũng như vi khuẩn”, bác sĩ thẩm mỹ người Anh Shirin Lakhani giải thích.
Trong số những vi khuẩn này thì có cả vi khuẩn tốt lẫn xấu. Vi khuẩn xấu có thể gây các bệnh viêm nhiễm, trong đó có các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Nga cả khi đồ lót thường xuyên giặt sạch, có mùi thơm dễ chịu thì có thể vi khuẩn và tế bào da chết vẫn còn lưu lại trên đó.
“Nghiên cứu cho thấy ngay cả khi giặt quần lót trong máy giặt thì không phải lúc nào cũng loại bỏ được hoàn toàn các loại vi khuẩn gây bệnh như E.coli”, bà Lakhani giải thích thêm.
Do đó, mọi người nên thay mới quần lót ít nhất 1 năm/lần. Với những quần lót thường xuyên mặc cho các hoạt động thể thao, chẳng hạn như mặc tập gym, thì tần suất thay phải thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, nếu người mặc thấy quần lót bị rách, gây ngứa hay kích ứng da thì phải thay ngay chứ không cần đợi đến 1 năm, theo The Independent.
Khi vứt quần lót, vải có thể mất nhiều năm để phân hủy nếu được chôn lấp. Tuy nhiên, ở những khu vực có bố trí các thùng rác tái chế thì hãy bỏ quần lót cũ vào đó. Vải quần lót có thể được tái chế để làm các vật liệu cách nhiệt, nệm, ghế ô tô, thậm chí là sợi. Cách này có thể giúp giảm tác động gây ô nhiễm môi trường, các chuyên gia khuyến cáo.
NGỌC QUÝ
TNO