Theo Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch
Covid-19), hiện có hơn 1.200 bệnh nhân (BN) đang điều trị tại hơn 50 cơ sở y tế trên cả nước. Trong số này, có 38 ca tiến triển nặng lên (chiếm 4%) và 17 ca tiên lượng rất nặng (1,8%). Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) có số BN đông nhất. Tại đây đã có 821 ca được tiếp nhận, điều trị (kể từ vụ dịch đầu tiên tại VN, từ tháng 3.2020) đến nay. Hiện 318 BN đang được điều trị, trong đó 35 BN nặng và nguy kịch.
Mong được ôm con vào lòng
Chia sẻ về công việc của các y bác sĩ (BS), điều dưỡng tại
BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội), chị Thanh Đặng, hiện công tác tại Phòng Công tác xã hội của BV, cho hay: “Các bác sĩ, điều dưỡng làm việc không kể ngày đêm. Mỗi đêm trực gần như là mỗi đêm trắng. Rời ca trực, mọi người trở về khu cách ly bên ngoài, đặt mình xuống là giấc ngủ đã đến, quên uống, quên ăn”.
Thủ tướng biểu dương tuyến đầu chống dịch
Làm việc với Bộ Y tế sáng 15.5, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng
Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận và hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của toàn ngành y tế trên tuyến đầu, mỗi y BS, mỗi cán bộ, người lao động ngành y thực sự là một chiến sĩ, cống hiến, đóng góp, hy sinh cho công cuộc “chống dịch như chống giặc”. Theo Thủ tướng, đội ngũ cán bộ, y BS, nhân viên y tế đã hy sinh thời gian, công sức, vật chất và cả tình cảm với tinh thần quyết liệt nhất, chịu nhiều hy sinh nhất, chịu mất mát, gian khổ để bảo vệ sức khỏe người dân, giúp VN trở thành một trong số ít nước đạt thành quả tốt trong phòng, chống dịch Covid-19; chi viện, giúp đỡ một số nước và hợp tác hiệu quả với các nước khi cần thiết.
Thủ tướng yêu cầu khen thưởng những người làm tốt, tích cực, xả thân, hy sinh vì cộng đồng, những người đang ở tuyến đầu chống dịch, những mô hình hay, cách làm tốt; đồng thời cương quyết xử lý kịp thời những người vi phạm, kể cả đình chỉ, cách chức những người có chức vụ và xử lý hình sự nếu thấy dấu hiệu vi phạm đã rõ…
Th.Bình
Chị Thanh Đặng cho biết, tại BV từ đầu đợt dịch lần này, BN vào rất đông, cùng với đó là nhiều ca nặng được chuyển đến khoa hồi sức tích cực. Nhưng đêm 14.5 là đêm “kỷ lục” đông BN nặng trong 10 ngày qua, sau khi tiếp nhận thêm 2 BN nặng được chuyển đến. “Trong đêm, kíp trực huy động nhân lực tối đa của khoa để hỗ trợ trong điều trị các BN nặng. Việc xử trí giành giật sự sống cho BN tính từng phút. Các ca chuyển đến khoa hồi sức tích cực đều là các BN rất nặng. Cũng vì vậy, mọi trang thiết bị đều được huy động, nhân lực đảm bảo cấp cứu nhanh nhất cho BN, dù tình huống nào”, BS Phạm Văn Phúc, một trong các BS điều trị tại khoa hồi sức tích cực, bày tỏ.
Là người
tham gia điều trị cho các BN ngay từ đợt dịch đầu tiên, BS Phúc cho biết: “Chưa bao giờ BV chúng tôi tiếp nhận lượng BN lớn như hiện nay, bao gồm các ca nặng tại các tỉnh phía bắc. Vì thế, việc bố trí nhân lực cũng như có các phương án điều trị tối ưu cho các ca bệnh nặng là vấn đề khó, nhưng vẫn luôn hoàn thành, vì
sức khỏe và sinh mạng người bệnh”. Theo BS Phúc, đợt dịch này với lượng BN lớn kèm theo nhiều BN có bệnh nền rất nặng, can thiệp nhiều thủ thuật, do đó điều dưỡng và BS được huy động tăng gấp 3 lần so đợt dịch trước. Ngoài ra, điều trị ca nặng lần này cũng khó khăn hơn nhiều, vì không chỉ có lượng BN lớn, các ca mắc Covid-19 nặng đều có bệnh nền nặng cần can thiệp và cần nhiều trang thiết bị điều trị hơn cho quá trình điều trị.
BS Phúc nói thêm: “Đây là lần thứ 4 chúng tôi “trực chiến”, cách ly tại BV, tham gia điều trị BN Covid-19 nặng, nhưng đây cũng là lần nặng nề nhất mà chúng tôi tham gia. Lần này cả BV cách ly. Ngay trong BV đã có những trường hợp bị lây nhiễm. Vì thế, ngoài việc tham gia cách ly điều trị BN, tất cả nhân viên của BV đều có nguy cơ bị nhiễm, đều là những người có tiếp xúc với F0. Thế nên, tâm lý sẵn sàng điều trị BN thì cũng phải có tâm lý chính mình cũng bị lây bệnh bất cứ lúc nào”.
Chia sẻ về cuộc sống gia đình, BS Phúc cho biết gia đình đã luôn sẵn sàng tinh thần là “hậu phương”. Những ngày này, BS làm việc tại BV cũng được coi là F1, nên gia đình, con cái là F2, đang cách ly tại nhà. “Hết cách ly, mong mỏi lớn nhất của mỗi BS là được về nhà ôm con gái”, BS Phúc bày tỏ.
Nhân viên y tế của TP.HCM tham gia chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn vào khuya 14.5 ẢNH: ĐỘC LẬP
|
“Nhiều người mệt đến mức lả đi”
Báo cáo của tỉnh Bắc Ninh đến cuối ngày hôm qua cho thấy số ca mắc Covid-19 đã lên tới 198 ca với 42 ổ dịch. Toàn tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện
cách ly y tế gần 24.000 trường hợp; đã xét nghiệm được gần 87.000 mẫu, trong đó có 4.581 mẫu được lấy trong đêm 14.5.
Ngày 15.5, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Y tế tập trung xét nghiệm sàng lọc cho
người lao động lưu trú tại địa bàn các huyện, thị xã, TP, hoàn thành đợt 1 chậm nhất vào ngày 18.5 (xét nghiệm 100% người lao động đến từ ổ dịch)…
Nhìn vào những con số trên, có thể hình dung được toàn bộ ngành y tế Bắc Ninh đã phải căng mình chống dịch trong suốt thời gian qua ra sao. Đêm 7.5, sau khi tỉnh này ghi nhận 18 ca mắc mới trong 1 ngày, trong đó riêng ổ dịch xã Mão Điền (H.Thuận Thành) thêm 14 ca, một cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh (Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Ninh) được tổ chức trong đêm. Tại 8 điểm lấy mẫu ở 8 thôn thuộc xã Mão Điền, đã có gần 11.000 mẫu xét nghiệm được lấy trong đêm.
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, thành viên đội đáp ứng nhanh tại xã Mão Điền, chia sẻ đã có nhiều đêm thức trắng để lấy mẫu xét nghiệm. Chị Linh cho biết, tuy vất vả nhưng các thành viên ai cũng cố gắng tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ. Áp lực không chỉ đến từ công việc yêu cầu sự tỉ mỉ, chính xác cho từng mẫu xét nghiệm, mà còn đến từ việc mặc những bộ đồ bảo hộ nhiều giờ liên tục, làm việc xuyên đêm, trong điều kiện nóng bức ngột ngạt của những ngày đầu hè. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng vì hiểu rằng khi nguồn bệnh được phát hiện, cách ly càng sớm, dịch càng nhanh chóng được khoanh vùng, khống chế.
Chia sẻ với báo chí, BS Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm y tế H.Thuận Thành (Bắc Ninh), cho hay: “Nhiều người mệt quá đến mức lả đi, chúng tôi đã bố trí cho nghỉ ngơi, thế nhưng mọi người cũng chỉ nghỉ vài tiếng hồi sức rồi lại quay vào làm việc. Chúng tôi cũng chỉ có thể hỗ trợ bằng cách chia sẻ, động viên tinh thần đồng nghiệp là chính”.
Các bác sĩ, điều dưỡng xử trí bệnh nhân Covid-19 nặng trong đêm 14.5 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) ẢNH: THANH ĐẶNG
|
Kêu gọi sự tiếp sức
Khi phát hiện ổ dịch đầu tiên thì việc dồn lực của toàn tỉnh Bắc Ninh không đến nỗi căng thẳng, lực lượng chức năng với hơn 100 cán bộ y tế đến từ 8 đơn vị dân y, quân y, công lập và ngoài công lập được huy động để thực hiện công tác lấy mẫu, truy vết xuyên đêm.
Tuy nhiên, khi ổ dịch lan rộng thì việc quá tải và thiếu nhân lực không thể tránh khỏi. Sở Y tế Bắc Ninh đã phải phát đi lời kêu gọi toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống y tế không phân biệt công lập hay ngoài công lập, đang công tác hay đã nghỉ hưu, quân y hay dân y; học sinh, sinh viên các
trường đại học, cao đẳng, trung cấp; các y, bác sĩ, dược sĩ trên địa bàn… tình nguyện đăng ký tham gia chống dịch Covid-19. Sở Y tế cho biết đến nay đã tiếp nhận được 464 người đăng ký.
Quyết định
“thần tốc” xét nghiệm, truy vết, nhưng Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Ninh luôn chỉ đạo phải đảm bảo an toàn hàng đầu cho chính những lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch. Trang bị đầy đủ, đúng quy định những trang thiết bị, bảo hộ cho cán bộ, nhân viên y tế để đảm bảo an toàn tối đa cho họ. Bên cạnh ngân sách của tỉnh, ngành y tế cũng nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ của các tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Ninh mới đây, Thứ trưởng
Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đã đưa đến Bắc Ninh những chuyên gia hàng đầu để hỗ trợ tối đa về chuyên môn trong phòng, chống dịch.